Đào tạo gắn với doanh nghiệp và việc làm
Nội dung thí điểm xây dựng, nhân rộng các mô hình đào tạo nghề cho LĐNT được triển khai từ năm 2010 đến năm 2012. Đây là cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện trong những năm tiếp theo. Từ năm 2013, Bộ LĐ-TB&XH và một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, đã tổ chức đã thí điểm nhiều mô hình đào tạo nghề có hiệu quả tại 24 tỉnh, thành phố với 24 nghề tiểu thủ công nghiệp; 26 nghề đào tạo theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp; 2 nghề đào tạo cho ngư dân tàu đánh cá xa bờ. Qua triển khai hoàn thiện, nhân rộng mô hình dạy nghề có hiệu quả, đã xây dựng được 5 quy trình dạy nghề cho LĐNT để phổ biến cho các địa phương tại 3 miền Bắc, Trung, Nam và đưa vào nội dung chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện Đề án hàng năm.
Các quy trình dạy nghề được ban hành bao gồm: Quy trình tổ chức lớp dạy nghề tiểu thủ công nghiệp cho LĐNT tại các làng nghề; Tổ chức lớp dạy nghề thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân tàu đánh cá xa bờ; Tổ chức lớp dạy nghề theo vị trí việc làm tại doanh nghiệp và tổ chức lớp dạy nghề nông nghiệp cho LĐNT.
Thí điểm xây dựng các mô hình đào tạo nghề cho LĐNT cho trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, đã có hơn 15.000 LĐNT được hỗ trợ đào tạo, đạt 125,7% kế hoạch và vượt 25,7% so với mục tiêu của Đề án là 12.000 LĐNT, trong đó: 17,76% người dân tộc thiểu số; 14,68% người thuộc hộ nghèo; 0,9% người có công với cách mạng, người khuyết tật; 66,66% thuộc đối tượng LĐNT khác. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 87,6%, vượt mục tiêu của Đề án 7,9%.
Đánh giá và đề xuất chính sách
Quá trình thí điểm triển khai nhân rộng các mô hình đào tạo nghề phi nông nghiệp cho LĐNT, người khuyết tật và đào tạo kiến thức kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp đã tạo cơ sở làm căn cứ đánh giá, đúc rút và đề xuất các chính sách về giáo dục nghề nghiệp. Tổ chức đào tạo nghề phi nông nghiệp cho LĐNT, người khuyết tật theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp; đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp, hoặc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người lao động.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong việc xây dựng và nhân rộng các mô hình đào tạo nghề cho LĐNT. Trong đó, việc xác định danh mục nghề đào tạo, nhất là danh mục nghề nông nghiệp ở một số địa phương tuy đã được hướng dẫn rà soát hàng năm, tuy nhiên vẫn còn dàn trải, chưa xuất phát từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và yêu cầu làm nông nghiệp tiên tiến hiện đại gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp dẫn đến hiệu quả sau học nghề không cao. Lao động học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm, do thị trường tại chỗ không có nhu cầu hoặc do tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; một số lao động học nghề nông nghiệp, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất khó khăn...
Chuẩn bị đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn sau năm 2020, các vấn đề nêu trên sẽ được rà soát, đánh giá, từ đó chỉ ra nguyên nhân để đề xuất, kiến nghị những giải pháp khắc phục.
Thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ NN&PTNT, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội chữ Thập đỏ… đã triển khai nhân rộng các mô hình đào tạo nghề cho trên 61.000 LĐNT và gần 20.000 người khuyết tật, trong đó: Đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 46.761 người, đào tạo nghề nông nghiệp cho 35.000 người,... Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%.