Rủi ro của nhóm yếu thế
Theo Vị trí địa lý (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu (BĐKH) Trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác. Theo thống kê, trong vòng 10 năm, từ năm 2005 đến 2014, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 649 đợt thiên tai xảy ra như lũ lụt, mưa đá, bão, lũ quét, lốc xoáy, sạt lở đất, gây thiệt hại kinh tế khoảng 5,2 tỷ USD và tác động tiêu cực lên khoảng 3 triệu người.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tác động lớn nhất của BĐKH là đến nhóm đối tượng yếu thế như người nghèo, người dân tộc thiểu số, người di cư, người khuyết tật, người vô gia cư, người có trình độ học vấn thấp, người thất nghiệp hoặc thiếu việc làm, người nhiễm HIV/AIDS, người già cô đơn, phụ nữ, trẻ em... BĐKH sẽ tác động về sức khỏe, sinh mạng, tài sản, tư liệu sản xuất và cả phương thức, tập tục canh tác làm cho vốn sinh kế của nhóm yếu thế càng bị rủi ro và suy giảm nhiều. Khi xảy ra các biến cố, nhóm yếu thế khó có khả năng khắc phục và phục hồi, ổn định đời sống như các thành phần khác trong xã hội, dẫn đến những hệ lụy, khó khăn lâu dài.
Việc hỗ trợ, giúp đỡ nhóm yếu thế bao gồm những người gặp khó khăn như người nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già... phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục những hậu quả do BĐKH gây ra được xem là một phần đối tượng của hoạt động công tác xã hội (CTXH) thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển nghề Công tác xã hội
Ông Bùi Tôn Hiến - Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức Lao động Xã hội cho biết: Xuất phát từ nhu cầu đó, các tổ chức, cá nhân làm CTXH cần được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để hoạt động. Cán bộ hoạt động trong lĩnh vực và nghề CTXH có liên quan đều phải có kiến thức đầy đủ về nhận biết, đánh giá đa chiều các rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn với thân chủ của mình, từ đó triển khai các biện pháp, hoạt động trợ giúp xã hội đối với các nhóm đối tượng yếu thế.
Cũng theo ông Hiến, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển nghề CTXH nói chung và việc thực hiện đào tạo CTXH còn có hạn chế trong bối cảnh mới dưới tác động của BĐKH. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng về CTXH thích ứng với BĐKH là một nội dung mới, chưa được nghiên cứu, chưa được đưa vào đào tạo tại Việt Nam với cả hệ thống các cơ sở đào tạo cũng như đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cho lực lượng nhân viên làm nghề này.
Đào tạo CTXH trong bối cảnh BĐKH, ông Hiến cho rằng, cần sớm tổ chức nghiên cứu đánh giá thực trạng nhu cầu đào tạo liên quan đến tác động của BĐKH với các đối tượng yếu thế. Từ đó làm cơ sở để xác định mục tiêu, chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo bồi dưỡng phù hợp với thực tế.
Các nhóm đối tượng cần đào tạo như cán bộ công chức xây dựng chính sách ở cấp Trung ương, cán bộ tổ chức thực hiện chính sách, giải pháp ở địa phương, đội ngũ nhân viên CTXH trực tiếp trợ giúp người dân. Về chương trình đào tạo, bồi dưỡng, cần thiết phải bổ sung các nội dung liên quan đến tác động của BĐKH đến các đối tượng yếu thế. Nhiệm vụ, hoạt động của nhân viên CTXH có thể lựa chọn linh hoạt một số chuyên đề phù hợp với thực tế.
Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ ban đầu của cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ LĐ-TB&XH, Cục Bảo trợ Xã hội, trong năm 2019 - 2020 ưu tiên hỗ trợ các trường, cơ sở đào tạo nghiên cứu, đưa nội dung lồng ghép vào chương trình đào tạo về tác động của BĐKH và hoạt động CTXH ứng phó với BĐKH.