Phía sau sự hào nhoáng
Dẫn câu chuyện liên quan đến vấn đề XKLĐ, ông Nguyễn Lê Minh - Chuyên gia lao động chia sẻ về một vùng quê nghèo là xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Giờ đây, người ta có thể thấy trong xã đã có rất nhiều ngôi nhà xây kiểu biệt thự, thấp thoáng các loại ô tô đắt tiền trong sân... Sẽ càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng, chỉ cách đây chừng 10 năm tỷ lệ hộ nghèo trong xã lên đến 21%, nay chỉ còn 4,5%.
Bắt đầu từ năm 1994, khi 5 người Cương Gián đầu tiên sang Hàn Quốc làm việc trên tàu đánh cá xa bờ, đến nay, số lao động của xã đi XKLĐ chủ yếu ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đã lên đến gần 3.000 người. Theo báo cáo chưa đầy đủ của địa phương, mỗi năm tiền người lao động gửi về lên đến trên dưới 400 tỷ đồng. Rất nhiều cơ quan báo chí đã đến đây viết bài tuyên truyền về hiệu quả công tác XKLĐ và thành tích phát triển kinh tế phi mã của những gia đình có người lao động làm việc ở nước ngoài...
Tuy nhiên, đằng sau màu hồng rực rỡ ấy đã xuất hiện những mảng tối đáng buồn, khi không ít gia đình trở nên đìu hiu, lạnh lẽo vì lao động chính, có khi cả hai vợ chồng cùng đi XKLĐ. Đến nay, đã có khoảng 200 cặp ly hôn vì tình cảm lứa đôi nhạt nhẽo khi phải xa nhau. Cách đây chưa lâu, vợ đi XKLĐ trở về đã bị chồng chém chết vì ghen tuông… Cùng với những vấn đề liên quan khác, điều không hay nhất xảy ra, khi đã từng có quyết định không tiếp nhận công dân Cương Gián đi Hàn Quốc nữa. Cương Gián nói riêng và Hà Tĩnh nói chung đã “mang tiếng” là một địa phương hàng đầu của cả nước có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp lớn nhất ở Hàn Quốc.
Để phát triển kinh tế của địa phương cũng như cải thiện đời sống xã hội của người dân Việt Nam thì con đường đi XKLĐ là hiệu quả nhất. Tuy nhiên, người lao động cần phải được trang bị những kiến thức để hòa nhập với phong tục, tập quán tại nơi làm việc cũng như văn hóa ứng xử từ trước và sau khi đi XKLĐ trở về, để tránh những hệ lụy không mong muốn như ở Cương Gián.
Trang bị kiến thức, văn hóa ứng xử
Ước tính, Việt Nam hiện có hơn 500.000 lao động làm việc trong 30 ngành công nghiệp khác nhau ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân mỗi năm gửi về nước khoảng 2,5 tỷ USD. Kết thúc năm 2018, ghi nhận kỷ lục là năm thứ 5 liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt ngưỡng 100.000 người/năm.
Đánh giá về XKLĐ của Việt Nam, nhiều chuyên gia khẳng định, ngành XKLĐ không những trở thành ngành kinh tế đối ngoại mang lại lợi ích to lớn về kinh tế, mà còn là giải pháp tạo việc làm trong chính sách của Đảng, Nhà nước ta… Hàng chục vạn lao động đã có được công ăn việc làm với thu nhập đáng kể.
Tuy nhiên, ngoài việc có được tay nghề, thu nhập, còn xảy ra tình trạng không nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp, phong tục của nước sở tại. Nhiều người bỏ việc ở các công ty, cơ sở lao động để đi làm chui, làm những việc không được phép. Một bộ phận người lao động rủ nhau làm các công việc phi pháp như nấu rượu, buôn bán động vật hoang dã, đánh chửi nhau, lập bè nhóm gây mất đoàn kết... Đó là những hành vi thiếu văn hóa, tạo tác động tiêu cực đến các đối tác tiếp nhận lao động, gây mất thiện cảm với người dân nước sở tại, làm xấu đi hình ảnh đất nước, tạo hệ lụy xấu khi trở về Việt Nam.
Chính vì vậy, việc trang bị kiến thức, văn hóa ứng xử cho người lao động xuất khẩu, tôn trọng, chấp hành kỷ cương pháp luật, chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa người Việt Nam, bảo đảm được lợi ích của bản thân, giữ gìn hạnh phúc gia đình và cộng đồng đang là những vấn đề cần được chú trọng hơn nữa trong thời gian tới.