Nhiều khoản thu không hợp lý

Nhiều khoản thu không hợp lý

(GD&TĐ) - Theo đơn của cha mẹ học sinh Trường Mầm non thị trấn Quán Hành (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), đầu năm học 2012-2013, nhà trường đã “đề ra một số khoản thu lạ lùng, bất hợp lý, khoản thu này chồng sang khoản thu khác. Thu tiền xã hội hóa giáo dục 400.000đ; thu tiền bán trú 100.000đ; thu tiền đồ dùng học tập theo Thông tư 02 là 160.000đ; tiếp tục thu tiền đồ dùng học tập 100.000đ; thu tiền quỹ trường 50.000đ; thu tiền quỹ lớp 30.000đ; thu tiền nước uống 60.000đ. Các khoản thu này nhà trường không có kế hoạch thu chi, không công khai. Là phụ huynh nhưng chúng tôi không được bàn bạc mà nhà trường và giáo viên chủ nhiệm áp đặt bắt chúng tôi phải ký nạp..”.

Trường mầm non Quán Hành
Trường mầm non Quán Hành, huyện Nghi Lộc, Nghệ An

Chúng tôi đã có buổi làm việc với cô giáo Nguyễn Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Quán Hành; bà Đỗ Thị Điểm, Trưởng Ban Đại diện cha mẹ học sinh của trường và ông Nguyễn Trường Biên, Trưởng Ban Đại diện cha mẹ học sinh lớp 5A.

Tại buổi làm việc, cô giáo Nguyễn Thị Hoa khẳng định nhà trường trực tiếp thu các khoản theo quy định như học phí; còn các khoản thu khác đều do Ban Đại diện cha mẹ học sinh của trường đứng ra vận động và trực tiếp thu.  Riêng khoản quỹ trường thì nhà trường không thu.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Hoa: Hiện cơ sở vật chất trường lớp đang xuống cấp, có 3 lớp phải học trong phòng họp của trường và chưa có nhà vệ sinh cho trẻ (cơ sở vật chất thiếu thốn như vậy nhưng Trường Mầm non thị trấn Quán Hành đã được UBND tỉnh Nghệ An quyết định công nhận là Trường đạt chuẩn quốc gia từ năm học 2006-2007 (!?) – PV); trường đã  nhiều lần báo  cáo  lên UBND thị trấn Quán Hành và Phòng Giáo dục và Đào tạo Nghi Lộc nhưng không đươc. Vì thế, đầu năm học này, nhà trường đã dự trù kinh phí xây dựng, tu sửa hết 269.000.000 đồng. Tuy nhiên, kinh phí của trường chỉ trông chờ vào 30% học phí, nên phải vận động cha mẹ các cháu đóng góp 190.000.000 đồng nữa mới đủ.

Ngoài số tiền xã hội hóa giáo dục, cha mẹ các cháu còn được Ban Đại diện cha mẹ học sinh vận động đóng góp các khoản tiền nêu trên. Riêng tiền mua đồ dùng học tập theo Thông tư 02/2010/TT-BGDĐT, mỗi người phải nạp hoặc 165.000 đồng (nhóm trẻ), hoặc 267.000 đồng (lớp mẫu giáo 3-4 tuổi), hoặc 367.000 đồng (lớp mẫu giáo 5 tuổi).

Cô giáo Hiệu trưởng cho rằng: đồ dùng học tập theo Thông tư 02 gồm có 128 danh mục tối thiểu; một phần do Sở GD&ĐT cấp, một phần được mua từ quỹ học phí của trường, một phần do giáo viên tự làm, còn lại do phụ huynh thỏa thuận đóng góp để mua. Còn 100.000 đồng tiền bán trú là để mua sổ khám sức khỏe (6.000 đồng); mua 2 khăn mặt (10.000 đồng), mua nước tẩy nhà vệ sinh, xà phòng thơm, xà phòng giặt, xô chậu (30.000 đồng); mua phiếu bé ngoan, giấy giáo viên chủ nhiệm dùng lên lớp (9.000 đồng) và mua thêm đồ dùng bán trú khác (45.000 đồng).

Rất tiếc, khi chúng tôi nêu Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh được Bộ GD&ĐT ban hành ngày 22/11/2011 kèm theo Thông tư số  55/2011/TT-BGDĐT (Điều lệ này có hiệu lực từ ngày 07/01/2012) quy định rõ: Ban Đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường; bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường thì cả bà Điểm và ông Biên đều trả lời “Chúng tôi chưa được tiếp cận quy định mới này”.

Thiết nghĩ, để chấm dứt lạm thu, chính quyền và cơ quản quản lý giáo dục không thể không ra tay. Chúng tôi đề nghị UBND huyện Nghi Lộc, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cùng phối hợp sớm tổ chức thanh tra việc thực hiện các khoản thu đầu năm học của Trường Mầm non Quán Hành và xử lý nghiêm những sai phạm ở đây.

Hoàng Oanh 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.