Từ 10/1 đến 21/1, Đoàn giám sát, hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới đã làm việc với Ban Quản lý Chương trình ETEP; đại diện lãnh đại, cán bộ đầu mối của 7 trường đại học sư phạm và Học viện Quản lý giáo dục cùng các đơn vị liên quan về tiến độ thực hiện và kết quả đạt được của Chương trình theo 4 lĩnh vực kết quả, bao gồm: Chương trình nâng cao năng lực các trường đại học sư phạm, bồi dưỡng đội ngũ cốt cán, bồi dưỡng đại trà và xây dựng báo cáo TEMIS.
Đoàn giám sát đồng thời rà soát kế hoạch kiểm đếm và các tiêu chí kiểm đếm để triển khai trong năm 2022; thống nhất các hoạt động kết thúc chương trình và hành động tiếp theo để bảo đảm tính bền vững, tiếp nối các kết quả của Chương trình ETEP.
Nhìn chung, Ngân hàng Thế giới đánh giá cao nỗ lực của Ban Quản lý Chương trình, các trường đại học sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục và các đơn vị liên quan trong triển khai các hoạt động của Chương trình, cơ bản đạt và vượt các mục tiêu so với cam kết. Thống nhất điều chỉnh một số tiêu chí kiểm đếm để phù hợp với thực tiễn triển khai và đưa ra một số khuyến nghị đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đảm bảo tính bền vững và tiếp nối của Chương trình ETEP. Đồng thời, WB cũng lưu ý một nội dung cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Trong chương trình, Đoàn giám sát đã làm việc với Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) và Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Nội dung làm việc tập trung vào các nội dung: Tiến độ thực hiện cam kết của Chương trình (PA); báo cáo tự đánh giá TEIDI năm 2021; công tác biên soạn tài liệu bồi dưỡng; kết quả triển khai bồi dưỡng cho đội ngũ cốt cán và đại trà; chương trình tăng cường năng lực; hỗ trợ các sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng Báo cáo TEMIS.
Về cơ bản, Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực, sự sáng tạo của hai trường trong triển khai các hoạt động của chương trình; đồng thời cũng đưa ra một số khuyến nghị cho từng trường.
Đoàn giám sát cũng đã làm việc với đại diện sở Giáo dục và Đào tạo, đại diện giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán và đại trà 6 tỉnh thành (TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Bình Phước, Điện Biên, Thái Nguyên và Lai Châu) để khảo sát, nắm bắt tình hình triển khai bồi dưỡng cốt cán, đại trà và xây dựng báo cáo TEMIS.
Đoàn nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông về tài liệu, chương trình bồi dưỡng và sự kết nối hiệu quả giữa đội ngũ cốt cán với đại trà và giữa cốt cán với giảng viên sư phạm chủ chốt. Các sở Giáo dục và Đào tạo cũng đáng giá cao việc triển khai xây dựng báo cáo TEMIS và ý nghĩa của báo cáo này đối với Sở. Các khó khăn ở địa phương trong triển khai chương trình chủ yếu xoay quanh thời gian bồi dưỡng vào cuối năm.
Gửi lời cảm ơn sâu sắc đến sự hỗ trợ hiệu quả của WB, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đồng thời đánh giá cao hiệu quả của Chương trình ETEP và cho biết: mô hình bồi dưỡng theo công thức 5-3-7, hay công thức 2-7-2; phương thức đào tạo kết hợp trực tiếp, trực tuyến; tài liệu tham gia tổ chức tập huấn… là những kinh nghiệm quý sẽ được tiếp tục kế thừa, phát huy trong thời gian tới.
Để chuẩn bị cho hoàn thành đóng dự án 30/6/2022, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý các trường đại học sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục tham gia ETEP nhanh chóng cập nhật, hoàn thiện lại toàn bộ sản phẩm, tài liệu, học liệu khóa học và các mô đun theo phân công; tiếp thu ý kiến phản hồi của người học, của Ngân hàng Thế giới, các đơn vị chuyên môn của Bộ cùng với Ban Quản lý dự án để có thể đóng gói, bàn giao sản phẩm cuối cùng cho Bộ, chậm nhất là 30/1.
Cùng với đó, tiến hành đánh giá các kết quả đạt được của Chương trình và đúc rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai; đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tiếp nối triển khai Chương trình này ở các địa phương. Cuối cùng, tiến hành làm các thủ tục đóng gói toàn bộ dự án, dự kiến kết thúc trước 28/2.
Với Ban Quản lý Chương trình ETEP, Thứ trưởng yêu cầu làm việc với Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục để chuẩn bị các thủ tục bàn giao tài liệu, học liệu, mô đun hướng dẫn bồi dưỡng thường xuyên cho Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục khai thác, quản lý; chậm nhất trước 20/2; hai bên thống nhất thủ tục tiếp nhận và kế thừa triển khai thực hiện trong thời gian tiếp theo.
Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục sau khi được bàn giao sẽ chủ trì và tham mưu Lãnh đạo Bộ hướng dẫn cho địa phương triển khai các hoạt động bồi dưỡng thường xuyên của năm 2022, trên cơ sở Thông tư bồi dưỡng thường xuyên của Bộ để tiếp nối thực hiện.
Ngoài ra, Ban Quản lý Chương trình ETEP phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ, các sở Giáo dục và Đào tạo, các trường ĐH tiến hành đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chương trình; tham mưu cho Lãnh đạo Bộ có văn bản triển khai thực hiện để Chương trình ETEP tiếp tục nối dài và phát huy kết quả bền vững.
Ban Quản lý Chương trình ETEP cùng Viettel, VNPT bàn giao cơ sở dữ liệu (nếu có), cũng như các hệ thống LMS, TEMIS để tạo điều kiện cho Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, công tác chỉ đạo của Bộ với các địa phương không bị xáo trộn, bảo đảm tính ổn định, phát triển bền vững.
Việc đóng gói toàn bộ dự án, Ban Quản lý Chương trình ETEP cần hoàn hành chậm nhất vào 15/4 để đến 30/6 có thể bàn giao, tiến hành tổng kết Chương trình.
Chúc mừng những kết quả Chương trình ETEP, bà Steffi Stallmeister - chuyên gia quản lý danh mục đầu tư WB tại Việt Nam – tại buổi họp đồng thời nhấn mạnh đến việc cần tập trung vào tính bền vững của các kết quả; bảo đảm những kết quả tốt của Chương trình tiếp tục được duy trì, phát huy sau khi dự án đóng lại.