Nhiều giáo viên tự làm nặng thêm bài giảng

GD&TĐ - Trong dạy học Ngữ văn, một số giáo viên tự làm nặng thêm bài giảng, gây quá tải so với yêu cầu cần đạt của chương trình, SGK...

Cô trò Phenikaa School trong giờ học. Ảnh: NTCC
Cô trò Phenikaa School trong giờ học. Ảnh: NTCC

Xác định mục tiêu quá nặng

Tháng 9/2024 này, cả nước triển khai Chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn mới (2018) năm cuối của ba cấp với các lớp 5, 9 và 12. Thực tiễn việc dạy và học Ngữ văn mấy năm qua đã có nhiều biểu hiện chuyển biến tích cực, nhưng cũng còn không ít hạn chế.

Một trong những hạn chế khá phổ biến là giáo viên tự làm nặng thêm bài giảng rất nhiều. Thực tế ấy cần được trao đổi, tháo gỡ...

Biểu hiện rõ nhất của việc làm nặng thêm trước hết ở việc xác định mục tiêu bài dạy. Rất nhiều giáo án nêu mục tiêu bài học quá nặng, liệt kê rất nhiều mục tiêu từ kiến thức đến các năng lực chung, năng lực chuyên biệt và các phẩm chất cần giáo dục, phát triển cho học sinh qua một bài học. Trong khi với một bài đọc hiểu văn bản thì mục tiêu chỉ cần rất ngắn gọn: Giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực đọc văn bản theo một thể loại nào đó; giáo dục tình cảm, thái độ gì khi học văn bản này.

Với mục tiêu thứ nhất, giáo viên chỉ cần tập trung vào năng lực môn học. Thông qua năng lực chuyên biệt này mà góp phần phát triển các năng lực chung.

Ở môn Ngữ văn, các năng lực chuyên biệt chính là năng lực văn học và năng lực ngôn ngữ, thể hiện qua kết quả đọc, viết, nói và nghe. Giờ đọc hiểu nhằm phát triển năng lực đọc gắn với cách đọc từng thể loại và kiểu văn bản cụ thể.

Ví dụ, học bài “Nam quốc sơn hà” thì mục tiêu chỉ cần: Hiểu được nội dung chính của văn bản (bài thơ thể hiện tư tưởng độc lập, tinh thần bất khuất, khí phách hiên ngang không chịu sống quỳ của cha ông ta từ những ngày đầu dựng nước); giúp học sinh biết cách đọc hiểu bài thơ tứ tuyệt thất ngôn Đường luật.

Về mục tiêu giáo dục, phẩm chất hướng tới phải dựa vào nội dung của văn bản, không phải nêu chung chung các phẩm chất lớn nêu ở bài nào cũng đúng.

Ví dụ, khi đọc hiểu bài thơ “Nam quốc sơn hà” thì mục tiêu giáo dục tình cảm, tư tưởng chỉ là: Khơi dạy ý thức độc lập dân tộc, lòng tự hào về truyền thống bất khuất của cha ông. Đây chính là các biểu hiện cụ thể của phẩm chất yêu nước được thể hiện rất rõ qua bài thơ.

Còn lại, giáo viên không nên nêu thêm các mục tiêu về năng lực khác (kể cả năng lực chung và năng lực môn học); cũng như không nêu thêm những phẩm chất khác. Vì chỉ qua một văn bản thơ (4 câu) không thể giáo dục và phát triển cho học sinh nhiều thứ được; mà phải qua rất nhiều bài, nhiều lớp, nhiều môn học và hoạt động thì mới hoàn thành mục tiêu đầy đủ của giai đoạn giáo dục phổ thông (12 năm).

Việc xác định quá nhiều mục tiêu cho một bài học cụ thể là do giáo viên luôn sợ thiếu, cứng nhắc trong việc viết mục tiêu theo hướng dẫn của Công văn 5512 và chưa hiểu hết bản chất và yêu cầu của việc xác định mục tiêu bài học.

Nêu rất nhiều, nhưng nội dung bài dạy không có các hoạt động để đạt được mục tiêu đề ra; tức chỉ nêu mục tiêu cho nhiều, cho sang, cho đẹp và để đối phó với việc kiểm tra của cấp trên...

nhieu giao vien tu lam nang them bai giang.jpg
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống.

Tự phát triển thêm nhiều nội dung

Biểu hiện thứ hai là giáo viên tự phát triển thêm nhiều nội dung bài học. Do biết nhiều, do bệnh nghề nghiệp, khi lên lớp cứ phải nói khác đi, nói thêm nhiều thông tin mình biết về tác giả, tác phẩm...

Trong khi lẽ ra, cần tham khảo sách giáo viên, căn cứ vào yêu cầu mà SGK đã nêu lên, thông qua hệ thống câu hỏi đọc hiểu cũng như các nhiệm vụ của các phần viết, nói - nghe và tiếng Việt mà tổ chức cho học sinh thực hành là đủ.

Nếu có thêm chỉ là những câu hỏi, nhiệm vụ làm rõ câu hỏi, bài tập trong SGK, nhằm gợi ý cho học sinh thực hiện thuận lợi và có hiệu quả hơn... đừng thêm vào các nội dung mới, nhất là những yêu cầu khó và cao.

Ví dụ, phần giới thiệu tác giả, nhiều giáo viên yêu cầu học sinh biết càng nhiều càng tốt, gần như biết sạch thông tin về cuộc đời và sự nghiệp tác giả. Trong khi không phải tất cả các thông tin ấy giúp cho việc hiểu văn bản đang học.

Lẽ ra, thay vì cung cấp cho học sinh rất nhiều thông tin về tác giả, giáo viên nên dạy các em cách tìm kiếm và cách xử lý thông tin. Sau khi cho học sinh nêu lên tất cả các thông tin tìm được về tác giả, giáo viên nêu yêu cầu: Trong tất cả các thông tin ấy, theo các em những thông tin nào giúp ta hiểu được văn bản này? Vì sao? Và vì sao các thông tin khác lại không cần thiết?...

Như thế là dạy cho học sinh cách thu thập và xử lý thông tin, cách vận dụng những hiểu biết có ý nghĩa về tác giả để hiểu tác phẩm. Đó chính là dạy cách thức học, dạy phương pháp tiếp nhận.

Thực tiễn cho thấy các phần của bài dạy đều được nhiều giáo viên tăng thêm nhiều nội dung, nhất là phần luyện tập, vận dụng... Với sách Ngữ văn (bộ Cánh Diều) thường có 6 câu hỏi đọc hiểu sau mỗi văn bản (lớp 6 và 7 có bài chỉ 4-5 câu hỏi). Nhìn chung, dù 4 hay 6 câu hỏi đều bao hàm cả 3 mức độ của yêu cầu đọc hiểu từ dễ đến khó: Nhận ra được những thông tin bề nổi của văn bản (câu hỏi 1 - 2), tương ứng với mức độ nhận biết.

Hiểu những thông điệp nội dung chìm khuất sau và trong văn bản, tương ứng với mức độ thông hiểu (câu 3 - 4). Liên hệ, so sánh, mở rộng về tác dụng, ý nghĩa của văn bản đối với cá nhân người đọc (câu 5-6), tương ứng với mức độ vận dụng.

Nhiều giáo viên không tận dụng các câu hỏi trong SGK, tự thay bằng những câu hỏi theo ý mình, dựa vào kinh nghiệm đã dạy về tác phẩm ấy ở những năm trước và coi đó là sáng tạo... nhưng thực chất là đã phá vỡ cấu trúc hệ thống câu hỏi đọc hiểu của SGK, không giúp học sinh hình thành kĩ năng đọc hiểu văn bản. Từ đó, vô tình làm nặng thêm bài học, vì nằm ngoài sự chuẩn bị của học sinh.

Học sinh nếu chuẩn bị bài ở nhà thì cũng chỉ chuẩn bị những gì (câu hỏi/ bài tập) nêu trong SGK. Trong khi lên lớp thầy cô lại nêu ra nhiều vấn đề mới, khác hẳn các câu hỏi/ bài tập trong sách thì làm thế nào các em nghĩ kịp được. Như thế là chẳng những phá vỡ cấu trúc mô hình câu hỏi đọc hiểu mà còn gây khó, gây nặng thêm cho bài dạy.

Dạy học phát triển năng lực đòi hỏi giáo viên chú trọng dạy cách học (cách đọc hiểu, cách viết, cách nói và nghe). Đánh giá năng lực yêu cầu học sinh vận dụng cách ấy để thực hành khám phá một văn bản mới, viết được một đoạn, bài văn của chính mình và nói nghe tiếng Việt thành thạo...

Vì thế, cách dạy nhồi nhét thật nhiều nội dung, cung cấp nhiều kiến thức, thông tin ngoài yêu cầu của chương trình và SGK để chứng tỏ mình giỏi, biết nhiều... sẽ không có hiệu quả. Dạy thế, giáo viên chỉ làm khổ học sinh và tự lấy đá ghè vào chân mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ