Cô giáo chia sẻ 4 biện pháp tổ chức hoạt động nói và nghe trong dạy Ngữ văn THPT

GD&TĐ - Thông qua tiết luyện nói và nghe giúp học sinh vận dụng ngôn ngữ trong sáng, hiệu quả, phát huy tinh thần tự hào Tiếng Việt cho các em.

Những tiết nói - nghe giúp học sinh rèn luyện được các kỹ năng và thêm gắn kết cô trò.
Những tiết nói - nghe giúp học sinh rèn luyện được các kỹ năng và thêm gắn kết cô trò.

4 phương pháp tổ chức hoạt động nói – nghe trong dạy Ngữ văn

Theo cô giáo Phan Thị Hồng Cẩm - Giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Đức Thọ, Hà Tĩnh), phần nói và nghe trong chương trình Ngữ văn 2018 còn rất nhiều mới mẻ so với dạy học truyền thống trước đây.

“Chúng tôi đã tìm hiểu và nhận thấy cần có những giải pháp hiệu quả, hợp lí để thực hành kĩ năng nói và nghe về các vấn đề trong văn học và cuộc sống. Qua đó, đạt được mục tiêu phát triển năng lực và bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách cho học sinh”, cô Hồng Cẩm chia sẻ.

z5626919044863_6ac788581cee565ec4cf326c80cad11e.jpg
Phan Thị Hồng Cẩm - Giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Đức Thọ, Hà Tĩnh).

Được biết, những biện pháp cụ thể này đã cô giáo Hồng Cẩm cùng các giáo viên dạy thể nghiệm thành công ở một số trường THPT trên địa bàn Hà Tĩnh và Quảng Bình.

“Có 4 biện pháp cụ thể để tổ chức hoạt động nói – nghe trong dạy Ngữ văn THPT gồm: phương pháp thảo luận nhóm, đóng vai, dạy học dự án và tổ chức tranh biện”, cô Hồng Cẩm thông tin.

Trong đó, thảo luận nhóm là biện pháp dễ thực hiện và quen thuộc nhất trong số các phương pháp dạy học tích cực môn Ngữ văn. “Phương pháp này tạo ra sự sôi nổi trong tiết học giúp các em học sinh có được khả năng tư duy, tính tự giác, trách nhiệm và năng lực giao tiếp”, cô Hồng Cẩm chia sẻ.

Để vận dụng tốt phương pháp này, GV cần có hiểu biết và trải nghiệm sâu sắc về các kĩ năng mềm: nghe, nói, hợp tác; cân đối thời gian hợp lý; cung cấp học sinh về các yêu cầu cần đạt cho kĩ năng nói và nghe, kĩ năng thảo luận nhóm…

z5626917686789_7f0f273adbedf2361ad0d6b0a3d7ab64.jpg
Học sinh thực hành nói - nghe tại lớp.

Ở phương pháp đóng vai được sử dụng khá linh hoạt ở các dạng bài học khác nhau: vào vai một nhân vật kể lại câu chuyện đã học, chuyển thể một văn bản văn học thành một kịch bản sân khấu, xử lý một tình huống giao tiếp giả định, trình bày một vấn đề, một ý kiến từ các góc nhìn khác nhau…

Để vận dụng tốt biện pháp đóng vai, cần lưu ý tình huống đóng vai phải phù hợp với chủ đề giáo dục, phù hợp với lứa tuổi, trình độ học sinh và điều kiện lớp học; sử dụng tình huống nên để mở; cân đối thời gian phù hợp cho các nhóm chuẩn bị đóng vai; hiểu rõ vai của mình; khích lệ cả những HS chưa tự tin cùng tham gia; có sự đầu tư trang phục, đạo cụ biểu diễn tăng tính hấp dẫn của việc đóng vai.

Ở phương pháp dạy học dự án đây được coi là “luồng gió mới” trong dạy học Ngữ văn. Mỗi dự án thành công là cơ hội để học sinh trải nghiệm, sáng tạo, tư duy phản biện, hợp tác và trưởng thành. Trong việc tổ chức hoạt động Nói – Nghe, dự án là một sản phẩm đầu ra có thể áp dụng với rất nhiều nội dung.

z5626917674460_c7008b3dc0b8e754d931cc3452d05fb1.jpg
Hoạt động tranh biện trong tiết nói-nghe của giờ học Ngữ văn.

Để khuyến khích HS tham gia và đầu tư cho dự án, giáo viên cần hướng dẫn các em kĩ càng, định hướng về đề tài, duyệt bản viết trước khi học sinh thực hiện bài nói. Khi HS đăng tải, GV cần tích cực hỗ trợ tương tác và truyền thông để các em có động lực hơn.

Đối với biện pháp tổ chức tranh biện, GV đưa ra, gợi mở cho HS suy nghĩ, đánh giá về một vấn đề nhất định theo những hướng khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Sau đó, GV tổ chức cho các em trao đổi, bàn bạc, phản biện về vấn đề đó nhằm làm rõ những khía cạnh khác nhau của vấn đề và làm giàu sự hiểu biết của cá nhân theo yêu cầu của mục tiêu và nhiệm vụ dạy học.

“Sử dụng hình thức tranh biện trong tổ chức hoạt động nói – nghe đem lại những hiệu quả nhất định: tạo hứng khởi cho học, phát huy kĩ năng tổng hợp kiến thức, làm việc nhóm và kĩ năng giao tiếp cho HS… Biện pháp này có thể sử dụng ở các bài nói – nghe như: Thuyết trình về một vấn đề xã hội; thảo luận về vấn đề có nhiều ý kiến – Ngữ văn 10 sách Cánh Diều hoặc thảo luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học, trình bày ý kiến, bình luận về một hiện tượng đời sống…- Ngữ văn 11 Cánh Diều…”, cô giáo Hồng Cẩm chia sẻ thêm.

Bí kíp luyện nói chủ động và nghe thụ động

Để rèn luyện khả năng nói chủ động cho học sinh, cô giáo Hồng Cẩm cho biết thường xuyên cho HS luyện tập ở nhà. “GV có thể cung cấp, định hướng đề tài hoặc cho HS tự chọn đề tài yêu thích, quan tâm. Sau khi lên ý tưởng, các em sẽ viết ra giấy bài nói của mình và sử dụng điện thoại cá nhân tự quay lại phần trình bày. Sản phẩm là các video hoàn thiện nhất theo đánh giá của các học sinh”, cô Hồng Cẩm thông tin.

Thông qua qua tin nhắn, giáo viên trực tiếp góp ý riêng, giúp HS tiếp tục điều chỉnh và hoàn thiện sản phẩm trước khi đăng lên nhóm. GV sẽ lựa chọn và đăng tải các video chất lượng của HS lên Page Đoàn trường hoặc các ứng dụng mạng xã hội khác để tạo động lực cho HS tiếp tục thực hiện sản phẩm tiếp theo và khích lệ những HS chưa tự tin.

z5626917685104_9bcab51d8b3e19617c0b8f544f5ea3f3.jpg
Học sinh trình bày kỹ năng nói không còn ngại ngùng, ấp úng nhờ được rèn luyện kỹ.

“Biện pháp này đã được đa số HS yêu thích, có phản hồi tích cực và duy trì được kĩ năng nói cũng như phát triển những yếu tố phi ngôn ngữ khác”, cô Hồng Cẩm nói.

Đối với kỹ năng nghe, trong quá trình tổ chức hoạt động nói tại lớp, cô Hồng Cẩm thường gọi 3-4 học sinh lên vừa Nghe, vừa ghi lên bảng nội dung mình đã nghe được. Sản phẩm của các HS nghe sẽ được học sinh và cùng nhận xét trên các tiêu chí: Nội dung, hình thức, khả năng ghi nhớ, xử lý, tổng hợp thông tin khi nghe người khác nói. Qua hoạt động nghe thụ động này, GV sẽ đánh giá được thái độ tập trung, năng lực tự chủ - sáng tạo - hợp tác; phẩm chất trách nhiệm.. của HS.

439426966_2293352074205072_8120956259213893501_n.jpg
Cô giáo Phan Thị Hồng Cẩm và học trò.

“Sau khi áp dụng các giải pháp của sáng kiến kinh nghiệm, chúng tôi nhận thấy học sinh có những chuyển biến tích cực. HS trở nên tự tin khi trình bày các ý kiến, đề tài trước tập thể, đi cùng với đó là sự cởi mở, thân thiện, hoạt bát, năng động...

Ngoài ra, không khí lớp học bởi vậy cũng trở nên sôi nổi, hào hứng hơn. Các tiết học nói và nghe do được rèn luyện kỹ nên khi trình bày các em có được sự trọn vẹn, không còn ngại ngùng, ấp úng. Cùng với đó, nội dung và kĩ năng nói đều có sự hoàn chỉnh hơn...”, cô giáo Hồng Cẩm bày tỏ.

"Các tiết nói - nghe diễn ra trong sự thoái mái và cởi mở, chúng em được tiếp thu nhiều kiến thức mới, rèn luyện thêm kỹ năng như: nói- nghe, làm việc theo nhóm, phản biện các vấn đề, tiếp thu và xử lý thông tin... Em mong các tiết nói - nghe sẽ có thêm nhiều hoạt động thú vị, mới lạ", em Phương Anh (HS lớp 10A5 - Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Tĩnh) chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ