Mang ánh sáng tri thức tới bà con Tây Nguyên

GD&TĐ - Nhằm khuyến khích giáo viên dạy và bà con tham gia lớp xóa mù chữ, tỉnh Gia Lai có nhiều phương án hỗ trợ về tinh thần và vật chất.

Cán bộ, giáo viên được tập huấn đầy đủ nên khi truyền đạt kiến thức lại cho học viên thuận lợi hơn.
Cán bộ, giáo viên được tập huấn đầy đủ nên khi truyền đạt kiến thức lại cho học viên thuận lợi hơn.

Tập huấn cho cán bộ, giáo viên dạy xóa mù chữ

Tỉnh Gia Lai có diện tích hơn 15.510 km2, lớn thứ hai cả nước. Toàn tỉnh có 17 đơn vị hành chính, bao gồm: thành phố Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa và 14 huyện. Địa hình chủ yếu là núi và cao nguyên gây khó khăn cho vấn đề mở rộng quy mô trường lớp và hoạt động đi lại của giáo viên, học sinh.

Dân số năm 2023 của tỉnh là hơn 1,5 triệu người với 44 dân tộc đang sinh sống. Đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm hơn 46%, trong đó chủ yếu là dân tộc Jrai và Bahnar. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ chiếm 93,54%.

Trong năm 2022, số người mù chữ độ tuổi từ 15-60 trên địa bàn tỉnh là 67.776 /1.049.164 người, tỷ lệ 6,46%. Trong đó, người đồng bào dân tộc thiểu số mù chữ là 50.964/454.888 chiếm tỷ lệ 11,2%.

Ông Trần Bá Công - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Để nhiều người dân biết đọc, biết viết, trong năm 2023 Sở GD&ĐT Gia Lai đã tổ chức tập huấn cho 119 cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của 17/17 đơn vị cấp huyện về công tác dạy học Chương trình xóa mù chữ (XMC).

Trong 2 ngày (8 và 9/6/2023), các báo cáo viên giới thiệu mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình XMC giai đoạn 1 đối với các môn: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội, giới thiệu cấu trúc bài học, các mạch nội dung/chủ đề học tập. Cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn cũng được hướng dẫn tổ chức các hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học viên học chương trình XMC giai đoạn 1 phù hợp với đặc điểm môn học.

Bên cạnh đó, hướng dẫn thiết kế kế hoạch bài dạy và thực hành dạy học một số nội dung theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Sau đợt tập huấn, các học viên đã hoàn thiện 72 sản phẩm tập huấn là kế hoạch bài dạy để gửi cho đơn vị làm tư liệu tham khảo trong quá trình tổ chức dạy học XMC. Ngay sau đó, phòng GD&ĐT của 17/17 đơn vị cấp huyện đã tổ chức tập huấn đại trà cho cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp tổ chức, dạy học XMC.

Hỗ trợ, khuyến khích người dạy và học xóa mù chữ

Sau khi kết thúc chương trình học, mỗi học viên được hỗ trợ 500.000 đồng.

Sau khi kết thúc chương trình học, mỗi học viên được hỗ trợ 500.000 đồng.

Nhằm khuyến khích người dân vùng đồng bào DTTS tham gia lớp XMC, tỉnh Gia Lai hỗ trợ 500.000 đồng/người/chương trình học.

Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên đã ký ban hành Nghị quyết số 59/2023/NQ-HĐND ngày 20/10/2023 quy định mức chi thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, quy định mức chi cụ thể cho một số nội dung thực hiện công tác mở lớp XMC. Cụ thể, chi hỗ trợ kinh phí thắp sáng đối với các lớp xóa mù chữ tổ chức ban đêm là 160.000 đồng/lớp/tháng; chi mua sổ sách theo dõi quá trình học tập tối đa 760.000 đồng/lớp; chi mua sách giáo khoa dùng chung (sẽ thu hồi sau khi hoàn thành khóa học) gồm 1 bộ sách giáo khoa/học viên và 1 bộ sách giáo khoa/giáo viên. Bên cạnh đó, chi cho người tuyên truyền, huy động người mù chữ, tái mù chữ đến lớp xóa mù chữ 80.000 đồng/1 học viên đến lớp và hoàn thành chương trình học.

Tính đến ngày 10/10/2023, công tác mở lớp XMC đang thực hiện tại 17/17 địa phương trên phạm vi toàn tỉnh Gia Lai gồm 226 lớp với 6.502 học viên đạt 73,5% chỉ tiêu được giao trong năm 2022 và 2023, đạt theo kế hoạch thực hiện giai đoạn 2022-2025.

Theo Sở GD&ĐT Gia Lai, trong quá trình triển khai mở lớp XMC, các địa phương còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc cần hướng dẫn như: Tài liệu dành cho học viên, giáo viên, việc thực hiện chi trả kinh phí cho người dạy, hỗ trợ kinh phí, tài liệu cho học viên. Do đó, Sở GD&ĐT Gia Lai tổ chức Hội nghị về việc tổ chức dạy học XMC nhằm thảo luận, giải đáp những khó khăn vướng mắc của các đơn vị.

Ngoài ra một số xã ở vùng đặc biệt khó khăn về KT-XH mặc dù đã đạt chuẩn XMC nhưng chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn còn ở mức tối thiểu, thiếu tính bền vững. Đồng thời việc huy động người mù chữ ra lớp gặp khó khăn, một bộ phận học viên sau khi hoàn thành chương trình XMC do ít sử dụng nên đã tái mù chữ trở lại.

Sở GD&ĐT Gia Lai đã hướng dẫn các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ dạy học XMC chủ động tham khảo sách giáo khoa tiểu học và các tài liệu liên quan để xây dựng kế hoạch dạy học các môn học đảm bảo yêu cầu cần đạt đối với từng giai đoạn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ giảng dạy XMC gặp khó khăn khi tìm nguồn tài liệu, học liệu để đưa vào kế hoạch giảng dạy và tài liệu cho học viên sử dụng trong quá trình học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ