Để vượt qua thử thách dịch Covid-19 kéo dài trong nhiều tháng qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục đã và đang nhanh chóng chuyển đổi mô hình, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh nhằm thích ứng với đại dịch toàn cầu.
Nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp cần lưu ý, chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên, nắm bắt các giải pháp công nghệ để có thể biến những ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực trong giai đoạn này.
Để khơi thông chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp tại Việt Nam và thế giới đã đầu tư, tập trung khai thác các lợi thế từ chuyển đổi số.
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Việt Nam đưa ra quan điểm phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đã chuyển đổi số tương đối thành công, tạo ra các đột phá trong sản xuất, kinh doanh.
Trong lĩnh vực giáo dục, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã "chuyển mình", xây dựng nền tảng các mô hình bán hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử,...
Khi mua hàng trực tuyến trên các trang bán hàng, khách hàng sẽ được tư vấn, chốt đơn, thanh toán trực tuyến liên kết dễ dàng với các tài khoản ngân hàng.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng các thiết bị giáo dục, các chuyên gia cho rằng, muốn hàng hóa sản xuất ra bán được cho người tiêu dùng thì sản phẩm phải có chất lượng tốt, giá cạnh tranh, chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu trên của khách hàng.
Phần lớn các doanh nghiệp sau khi triển khai chuyển đổi số đã giúp tiết kiệm được nhiều chi phí trong quá trình sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh thông qua tự động hóa. Một số doanh nghiệp đối phó với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 bằng cách chuyển đổi quy trình sản xuất, sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh.
“Vì thời gian dịch ở nhà, trẻ học trực tuyến chủ yếu, thường xuyên phải ngồi học bài, tôi đã phải lựa chọn cho con các sản phẩm hiện đại như bàn chống gù, vở chống lóa, đèn chống cận,… Các nhà sản xuất bây giờ cũng vì nhu cầu của đại đa số phụ huynh muốn dành những điều tốt nhất cho con học tập yên tâm. Bên cạnh đó, nhà sản xuất cũng nắm bắt tâm lý của nhiều đối tượng học sinh nên còn chú trọng về hình thức, màu sắc đa dạng mà vẫn đáp ứng được” – một phụ huynh chia sẻ.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục có gần như tất cả các điều kiện để tham gia vào thương mại điện tử online. Đó là các hoạt động của kênh bán hàng cũng như các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực giáo dục cần phải có hạ tầng, công cụ về vận hành như logistics hay công cụ trong chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục không thể thiếu nhân sự vận hành có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh online. Đây là một trong những vấn đề đang thiếu hụt hiện nay trên thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề rằng, thời điểm này, kinh doanh online không phải là câu chuyện để các doanh nghiệp đắn đo, mà quan trọng là làm sao để kinh doanh online hiệu quả hơn để vượt qua khó khăn.
Chuyên gia kinh tế cũng nhận định, để thành công trong việc chuyển đổi số và thương mại điện tử cần ưu tiên hỗ trợ việc chuyển đổi trong các hoạt động quảng bá thương hiệu, Bán hàng, Marketing sản phẩm, mà thương mại điện tử chính là công cụ đắc lực và hiệu quả nhất.
Trước đây, doanh nghiệp chỉ có 1 website hoặc chỉ có 1 fanpage Facebook. Tuy vậy, hiện nay doanh nghiệp kinh doanh online như các đơn vị kinh doanh các thiết bị giáo dục lớn như FAHASA, Phương Nam, Tiền Phong, Tân Việt, Công ty Đường sách Nguyễn Văn Bình... có thể bán hàng trên đa kênh, đặc biệt là với những nền tảng như các sàn thương mại điện tử hoặc các công cụ như cộng tác viên.
Cũng chính những chuyển đổi hiện đại nêu trên, nhiều khách hàng hài lòng, đánh giá việc mua sắm các thiết bị giáo dục giờ đã trở nên tiện lợi, dễ dàng hơn rất nhiều.
Với các tiện ích này này, doanh nghiệp sẽ cung cấp các trải nghiệm liền mạch, thống nhất cho khách hàng trên các phương tiện điện tử như máy tính và thiết bị di động, giúp khách hàng dễ dàng thực hiện giao dịch tài chính, thanh toán và mua sắm... Điều này, đã góp phần hạn chế đi lại của người dân trong bối cảnh giãn cách, hạn chế tiếp xúc nơi đông người.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"