Nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với gói 26 nghìn tỷ

GD&TĐ - Chính phủ đã thông qua gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng do Bộ LĐ-TB&XH đề xuất. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không mặn mà vì khó tiếp cận khi điều kiện còn cao.

Cần phân loại được các doanh nghiệp ưu tiên hỗ trợ. Ảnh minh họa
Cần phân loại được các doanh nghiệp ưu tiên hỗ trợ. Ảnh minh họa

Khó bảo đảm tiêu chí để được hỗ trợ

Điểm mới nhất và được kỳ vọng nhiều nhất của gói hỗ trợ này so với gói 62 nghìn tỷ đồng trước kia là mở rộng đối tượng thụ hưởng và tinh giản các thủ tục, điều kiện để việc triển khai đơn giản nhất.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, chưa bao giờ có gói hỗ trợ, tài trợ nào mạnh tay như lần này vì mục đích hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động.

Trước đó, người đứng đầu ngành lao động, thương binh xã hội cho biết với gói hỗ trợ 26.000 tỷ, Bộ đã yêu cầu cắt giảm tối đa thủ tục khoảng 60% so với gói 62 nghìn tỷ để người lao động nhận được tiền hỗ trợ nhanh nhất. Các đơn vị quyết không để phát sinh thêm thủ tục hành chính, không để người lao động, doanh nghiệp đi lại nhiều lần.

Đặc biệt, gói hỗ trợ lần này có chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Theo đó, doanh nghiệp được vay vốn lãi suất 0% tại Ngân hàng chính sách xã hội và không phải bảo đảm tiền vay, để trả lương ngừng việc đối với lao động.

So với gói 62.000 tỷ đồng trước kia, chính sách mới đã bỏ điều kiện chứng minh doanh thu hoặc tài chính doanh nghiệp. Để được vay, doanh nghiệp không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng trong thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay dưới 12 tháng.

Tuy vậy, doanh nghiệp cho rằng, quy định không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn đang làm khó các doanh nghiệp khi tiếp cận gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng. Việc phải chống chọi với dịch bệnh Covid-19 trong suốt thời gian qua đã khiến phần lớn doanh nghiệp vướng vào những khoản vay khó trả, nợ cũ chồng nợ mới.

Trong khi những doanh nghiệp không thể trả nợ chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, nguồn vốn mỏng. Đó cũng chính là đối tượng cần ưu tiên hỗ trợ, nhưng họ lại đang gặp khó khăn về điều kiện để tiếp cận nguồn hỗ trợ này.

Ông Nghiêm Hồng Vũ – Giám đốc Công ty sản xuất và kinh doanh đồ chơi trẻ em cho biết, thực tế, nhiều doanh nghiệp khẳng định không biết gì về gói 62 nghìn tỷ đồng trước đó. Gói hỗ trợ dù có tiến bộ đến mấy nhưng đối tượng khó tiếp cận thì cũng không thể hiệu quả cao.

Cũng theo ông Vũ, quan trọng nhất mà doanh nghiệp kỳ vọng đó là gói hỗ trợ về lãi suất để tăng cường vốn, tăng dòng tiền thêm vốn cho doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn.

“Nếu như gói 62 nghìn tỷ đồng, điều kiện để doanh nghiệp được hưởng gói hỗ trợ này là phải giảm doanh thu 30% và lao động giảm 50%, nhưng nếu đáp ứng những tiêu chí này, thì nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa rồi. Còn với gói 26 nghìn tỉ lần này, số lượng doanh nghiệp được vay lãi suất 0% mà không có nợ xấu chắc cũng không có nhiều” – ông Vũ nhấn mạnh.

Làm sao để nguồn tiền đến đúng đối tượng?

Đánh giá về gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, dù điều kiện đã được nới lỏng hơn nhưng cần phải cụ thể hóa chính sách thì doanh nghiệp mới có thể tiếp cận được.

Bởi mục đích của gói 26 nghìn tỷ lần này là mong muốn hỗ trợ lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh. Vì vậy, các điều kiện, tiêu chí nên rõ ràng, giảm bớt thủ tục, thông qua các đơn vị chủ quản để rà soát, bảo đảm chi đúng, đủ, tới tay người lao động.

Bà Nguyễn Thu Hằng – CEO công ty phân phối xe thể thao phân tích, gói hỗ trợ này chỉ có 7.500 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần hỗ trợ lại vô cùng lớn. Vì vậy, số tiền này không thấm gì so với nhu cầu của các doanh nghiệp. Hơn nữa, dù điều kiện của gói 26 nghìn tỷ đồng đã được nới lỏng, nhưng đạt được các tiêu chí để hỗ trợ là rất khó.

“Thực tế, số doanh nghiệp không có nợ xấu là rất hiếm. Tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài gần 2 năm qua đã khiến phần lớn doanh nghiệp kiệt quệ, nhiều khoản vay khó trả, nên không phải doanh nghiệp nào cũng đạt được tiêu chí này. Còn những doanh nghiệp không có nợ xấu thì chưa chắc đã kiệt quệ và mong nhận được hỗ trợ” – bà Hằng nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hằng, ngoài e ngại về tiêu chí để được hưởng trợ cấp, nhiều doanh nghiệp vẫn lúng túng về các hướng dẫn làm thủ tục. “Cần có hướng dẫn cụ thể về quá trình nhận hỗ trợ thế nào, các thủ tục ra sao. Bởi rất nhiều doanh nghiệp được hỏi đều không nắm rõ các quy định này và không biết hỏi ai” – bà Hằng nói.

Tuy đồng tình, ủng hộ gói hỗ trợ mới nhưng nhiều chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều bất cập. Mặc dù đáng hoan nghênh là gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ này đã cắt giảm nhiều thủ tục, điều kiện do rút kinh nghiệm những tồn tại của gói 62 nghìn tỷ trước đó, nhưng các gói ưu đãi đối với doanh nghiệp không có nhiều thay đổi…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ