Hướng dẫn viên du lịch khó tiếp cận gói 26 nghìn tỷ đồng

GD&TĐ - Hướng dẫn viên du lịch là một trong số các đối tượng được hưởng hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ. Thế nhưng, những quy định chưa rõ ràng về điều kiện được nhận hỗ trợ khiến nhiều người băn khoăn.

Chị Phạm Hoàng Giang cho rằng, dịch kéo dài, ngành du lịch ảnh hưởng nặng nề, nhiều hướng dẫn viên hoặc bán căn hộ đã bỏ nghề. Ảnh: NVCC
Chị Phạm Hoàng Giang cho rằng, dịch kéo dài, ngành du lịch ảnh hưởng nặng nề, nhiều hướng dẫn viên hoặc bán căn hộ đã bỏ nghề. Ảnh: NVCC

Tiêu chí hưởng hỗ trợ còn “làm khó”

Bộ LĐ-TB&XH đã công bố quy định việc thực hiện gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 68. Nghị quyết nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo đó, hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ một lần với mức 3.710 nghìn đồng/người và được chi trả 1 lần. Để được hưởng hỗ trợ, hướng dẫn viên du lịch phải đáp ứng đủ các điều kiện: Có thẻ hướng dẫn viên du lịch được cấp lần đầu trước ngày 1/5/2021. Thẻ này phải còn hạn sử dụng.

Đối tượng được hưởng hỗ trợ phải có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch. Hoặc đối tượng là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa.

Đồng thời, đối tượng phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Theo đó, hướng dẫn viên du lịch có nhu cầu hỗ trợ cần gửi hồ sơ đề nghị đến Sở Du lịch/Sở VH-TT&DL - nơi cấp thẻ cho hướng dẫn viên. Hạn chót tiếp nhận hồ sơ là hết 31/1/2022.

Như vậy, theo quy định trên, những trường hợp được nhận hỗ trợ phải đảm bảo ít nhất 2 điều kiện: Có thẻ hướng dẫn viên còn hạn. Hướng dẫn viên có hợp đồng lao động với các doanh nghiệp lữ hành hoặc là hội viên các chi hội, hiệp hội hướng dẫn viên.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, các quy định này đều khó để hướng dẫn viên có thể đạt được tiêu chí. Đặc biệt, với các hướng dẫn viên tự do, nguy cơ không thể tiếp cận được gói hỗ trợ trên là rất lớn.

Chẳng hạn, quy định yêu cầu hướng dẫn viên phải có hợp đồng lao động với doanh nghiệp lữ hành còn hiệu lực từ 1/1/2020 đến thời điểm nộp hồ sơ. Bởi dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, trong đó có ngành kinh doanh du lịch lữ hành. Vì vậy, nhiều hướng dẫn viên đã bỏ nghề.

Theo chị Nguyễn Thúy Hiền – cán bộ Công ty lữ hành Viettravel, các doanh nghiệp du lịch hiện có nhiều loại hợp đồng như dài hạn, có biên chế, có đóng bảo hiểm và hợp đồng ngắn hạn, theo tour…

Với các hợp đồng theo tour, thường chỉ có giá trị 1 - 10 ngày, kể cả tour suốt tuyến. Khi đi tour về, hướng dẫn viên phải nộp lại hợp đồng lao động đó cùng các chứng từ chỉ cho doanh nghiệp lữ hành để quyết toán.

Đặc biệt, với các hướng dẫn viên đón khách quốc tế vào Việt Nam, hơn 1 năm nay đã không còn những vị khách quốc tế đến du lịch. Tuy nhiên, theo hướng dẫn để được hưởng trợ cấp thì hợp đồng phải còn hiệu từ ngày 1/1/2020. Như vậy, đối tượng này sẽ không được hỗ trợ theo quy định.

Chờ hướng dẫn cụ thể phù hợp đặc điểm nghề nghiệp

Không chỉ vậy, cách hiểu về điều kiện “có hợp đồng lao động” cũng không rõ ràng. Chị Phạm Hoàng Giang – nhân viên bán tour và căn hộ cho rằng, cần nêu rõ là hợp đồng lao động dài hạn hay hợp đồng theo tour, hợp đồng lao động có thời hạn, không xác định thời hạn hay hợp đồng đóng bảo hiểm xã hội…

“Cần có quy định rõ ràng về đối tượng được hưởng trợ cấp thì hướng dẫn viên du lịch mới tiếp cận được đến gói chính sách này. Nếu không, nhiều người vẫn bị “rớt” vì không đạt tiêu chuẩn, mặc dù họ lại chính là đối tượng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19” – chị Giang nói.

Chị Phạm Hoàng Giang cũng cho biết thêm, đối với ngành du lịch, số lượng người được ký hợp đồng có biên chế không nhiều, trong khi hướng dẫn viên tự do chiếm phần lớn. Nếu áp dụng theo quy định thì số này không đảm bảo tiêu chí được hỗ trợ.

Bởi, phần lớn hướng dẫn viên tự do lại được các công ty du lịch thuê làm cộng tác viên với hợp đồng thời vụ ngắn ngày. Hầu hết họ chưa vào hiệp hội hướng dẫn viên. Trong khi, đối với nhiều người, đây là hình thức tự nguyện, giao lưu, chia sẻ chứ không yêu cầu tất cả phải tham gia.

Cũng theo chị Giang, nhiều hướng dẫn viên khác đang chờ hướng dẫn cụ thể để có thể làm hồ sơ, nhất là hồ sơ phù hợp với thực tế đặc điểm nghề nghiệp. Tuy nhiên, chính nhiều người cũng cho rằng, quy định về đối tượng được hưởng hỗ trợ là cần thiết để rà soát, quản lý. Điều này tránh việc chi sai người, sai ngân sách.

Chưa kể đến, những người đã rời bỏ nghề hướng dẫn viên nhưng vẫn giữ thẻ, đổi thẻ theo định kỳ. Hoặc có thể có đối tượng tìm cách vào các hiệp hội để được hỗ trợ, đảm bảo đầy đủ tiêu chí được hưởng, trong khi họ chưa chắc đã bị ảnh hưởng nhiều từ thu nhập do dịch bệnh.

Mặc dù vậy, mục đích của gói 26 nghìn tỷ lần này là mong muốn hỗ trợ lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh. Vì vậy, theo chuyên gia các điều kiện, tiêu chí nên rõ ràng, giảm bớt thủ tục, thông qua các đơn vị chủ quản để rà soát, bảo đảm chi đúng, đủ, tới tay người lao động.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Trong vài ngày gần đây, nhiều hướng dẫn viên đã gọi điện đến Sở và đến bộ phận một cửa hỏi thủ tục. Sở cũng đang chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tuy nhiên, điều kiện về hợp đồng lao động là cần thiết để xác định hướng dẫn viên đã làm cho đơn vị du lịch và có hướng dẫn thực sự. Điều này tránh tình trạng trục lợi chính sách như chính các hướng dẫn viên đang lo ngại khi chia sẻ thông tin trên một số diễn đàn mạng xã hội.

Mới đây nhất, Chi hội Hướng dẫn viên du lịch TPHCM đã có thông báo tới hướng dẫn viên hướng dẫn về các thủ tục nhận được khoản hỗ trợ 3,71 triệu đồng. Tuy nhiên, tại TPHCM, do đang trong giai đoạn giãn cách xã hội nên việc chứng thực và tiếp nhận hồ sơ của các cơ quan hành chính tạm thời ngưng hoạt động cho đến khi kết thúc thời gian cách ly theo quy định.

Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, lao động trong một số ngành dịch vụ như lưu trú và ăn uống, nghệ thuật, vui chơi giải trí bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19.

Một phần ba doanh nghiệp tham gia khảo sát nhanh cho biết phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động. Các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ lưu trú có tỷ lệ lao động bị cắt giảm cao nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ