Nhiều doanh nghiệp bất động sản phá sản

GD&TĐ -  Trong 2 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp giải thể là 235 doanh nghiệp, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản phá sản

Doanh nghiệp phá sản tăng cao

Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết, trong 2 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới chỉ có 550 doanh nghiệp, giảm 62,4% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, số lượng doanh nghiệp giải thể là 235 doanh nghiệp, tăng gần 20% so với 2 tháng đầu năm 2022. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản quay trở lại hoạt động là 608, giảm 18,8% so với cùng kỳ.

Từ giữa tháng 5/2022 đến nay, thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng… Nguyên nhân chủ yếu do khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn phát triển, hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn của khách hàng.

Theo đó, tình trạng này dẫn đến nhiều doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án, tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất… để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong Báo cáo thị trường bất động sản năm 2022, Bộ Xây dựng dẫn số liệu của Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong năm 2022, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới và số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, trong khi số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng nhẹ thì số tuyên bố phá sản, giải thể tăng tới 38,7% so với cùng kỳ năm trước, ước lượng gần 1.200 doanh nghiệp. Nếu không giải quyết được khó khăn về nguồn vốn sẽ có thêm số lượng lớn doanh nghiệp bất động sản buộc phải đóng cửa, phá sản, tạo rủi ro và nguy cơ đổ vỡ cho hệ thống ngân hàng thương mại.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong 2 tháng cuối năm 2022 là 55.989 tỷ đồng, đáo hạn năm 2023 là 282,16 nghìn tỷ đồng, năm 2024 là 362,9 nghìn tỷ đồng.

Đối với trái phiếu đáo hạn trong 2 tháng cuối năm 2022, các doanh nghiệp bất động sản là 21,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,3% tổng giá trị trái phiếu đến hạn; trong đó 99,6% có tài sản đảm bảo.

Đây là áp lực rất lớn cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời gian tới. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân; trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.

Thua lỗ, nợ và tồn kho tăng cao

Những khó khăn mà các doanh nghiệp bất động sản đang trải qua được thể hiện trong kết quả kinh doanh quý IV/2022. Trong đó, nhiều doanh nghiệp không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh, hàng tồn kho tăng, có số lỗ cao kỷ lục.

Đứng đầu trong danh sách các ông lớn thua lỗ nặng tại quý cuối cùng của năm 2022 phải nhắc đến Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (MCK: KBC).

Trong quý IV/2022, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu âm 331,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2021 đạt 1.169 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí, Kinh Bắc lỗ sau thuế 540 tỷ đồng và cũng là quý thua lỗ lịch sử của doanh nghiệp này.

Báo cáo tài chính quý IV/2022 ghi nhận doanh thu thuần của Tập đoàn Đất Xanh (MCK: DXG) đạt 984 tỷ đồng, giảm 57%, trong đó các mảng kinh doanh chính của DXG đều giảm so với cùng kỳ.

Doanh thu giảm nên Đất Xanh ghi nhận lỗ trước thuế hơn 424 tỷ đồng và lỗ sau thuế 460 tỷ đồng, trái ngược khoản lãi 245 tỷ đồng của quý IV/2021. Đây là mức lỗ cao nhất của DXG kể từ khi lên sàn. Lũy kế cả năm 2022, DXG đạt 5.581 tỷ đồng doanh thu thuần và 469 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm lần lượt 45% và 71% so với kết quả năm 2021.

Công ty Cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (CenLand, MCK: CRE) lỗ hơn 58 tỷ đồng trong quý IV/2022 (cùng kỳ doanh nghiệp lãi sau thuế 122 tỷ đồng). Trong kỳ, doanh thu thuần giảm 84% về 175 tỷ đồng và doanh nghiệp kinh doanh dưới giá vốn nên lỗ gộp gần 5 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (MCK: PDR) trong quý IV/2022 ghi nhận lỗ ròng 267 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 lãi 754 tỷ đồng.

Tập đoàn Đất Xanh ghi nhận lỗ trước thuế quý IV/2022 hơn 424 tỷ đồng và lỗ ròng 407,6 tỷ đồng.
Tập đoàn Đất Xanh ghi nhận lỗ trước thuế quý IV/2022 hơn 424 tỷ đồng và lỗ ròng 407,6 tỷ đồng.

Xét cả năm 2022, Công ty Cổ phần Ngoại thương và Phát triển Đầu tư (Fideco – MCK: FDC) là doanh nghiệp bất động sản lỗ nặng nhất, với mức âm gần 197,6 tỷ đồng. Đây là con số lỗ cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty.

Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư LDG (MCK: LDG) cũng lỗ sau thuế gần 39 tỷ đồng trong quý IV/2022. Đây là lần đầu tiên LDG kinh doanh thua lỗ kể từ quý III/2016. Luỹ kế cả năm 2022, LDG đạt 276 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 4 tỷ đồng.

Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất quý IV/2022 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (Xuân Mai Corp, MCK: XMC) cho thấy, dù doanh thu và lợi nhuận tăng nhưng nợ phải trả cao gấp 3,7 lần vốn chủ sở hữu và chiếm gần 80% tổng tài sản.

Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là chủ nợ lớn nhất của Xuân Mai Corp khi ghi nhận khoản vay ngắn hạn 1.221 tỷ đồng, 115 tỷ đồng vay dài hạn đến hạn trả và 176 tỷ đồng vay dài hạn.

Không chỉ kinh doanh thua lỗ, lượng hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tăng cao so với thời điểm cuối năm 2021.

Tính đến cuối năm 2022, tồn kho của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (MCK: NVL) là hơn 134.485 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ và bằng 52% tổng tài sản là 257.365 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Vinhomes (MCK: VHM) có lượng tồn kho tăng mạnh lên 65.871 tỷ đồng, tăng 17% so với 30/9 và tăng 131% so với cùng kỳ.

Trong đó, 62.368 tỷ đồng đến từ bất động sản để bán đang xây dựng tại dự án Vinhomes Grand Park, Vinhomes Smart City, Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Ocean Park 2 - The Empire, Vinhomes Ocean Park 3 - The Crown và các dự án khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ