Áp lực thanh toán lãi trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Khó khăn về dòng tiền khiến nhiều doanh nghiệp chịu áp lực thanh toán lãi trái phiếu cho nhà đầu tư, với số tiền lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Áp lực thanh toán lãi trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản

Fuji Nutri Food chậm trả 25 tỷ tiền lãi trái phiếu

Công ty Cổ phần Fuji Nutri Food (Mã chứng khoán: FNF) vừa công bố thông tin về việc chậm thanh toán gốc, lãi đối với lô trái phiếu mã FNFCH2223001 là do chưa thu xếp kịp nguồn tiền.

Theo hợp đồng, đến ngày 12/2, Fuji Nutri Food sẽ phải thanh toán hơn 25,2 tỷ đồng lãi trái phiếu của mã FNFCH2223001. Công ty dự kiến dời ngày thanh toán số lãi trên sang ngày 20/2/2023.

Lô trái phiếu trên được phát hành vào ngày 12/8/2022 với khối lượng là 1 triệu trái phiếu, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, huy động thành công 1.000 tỷ đồng. Kỳ hạn trái phiếu là 12 tháng, đáo hạn vào ngày 12/8/2023, lãi suất trái phiếu là 10%/năm.

Ngoài lô trái phiếu trên, FNF còn có một lô trái phiếu khác được phát hành vào tháng 3/2021, trị giá 720 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng (đáo hạn ngày 18/3/2024). Mục đích của đợt phát hành này nhằm góp vốn hợp tác theo hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Cổ phần Địa ốc Ngân Hiệp (Công ty con của Novaland), doanh nghiệp bất động sản sở hữu dự án Khu du lịch Ngân Hiệp 1 – Hồ Tràm với quy mô hơn 9 ha.

Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2023-2024 được coi là đỉnh đáo hạn trái phiếu với khối lượng đáo hạn lên tới gần 700.000 tỷ đồng.

Số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, lượng trái phiếu đến hạn thanh toán từ nay đến tháng 6/2023 sẽ tăng tịnh tiến trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng.

Đáng chú ý, hơn 80% giá trị trái phiếu doanh nghiệp của ngành bất động sản đã phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết. Các doanh nghiệp này có "sức khỏe" tài chính ở mức yếu rất báo động và chưa minh bạch.

Trong 2 năm tới, gánh nặng đáo hạn của ngành bất động sản sẽ lên tới 230,86 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,2% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường.

Trong khi đó, phần lớn các trái phiếu trên được phát hành với thời gian đáo hạn từ 3,5 năm trở xuống, cho thấy nhu cầu vay vốn để tái cấp vốn của ngành là rất lớn. Do vậy, FiinRatings nhận định rủi ro thanh khoản và rủi ro tái cấp vốn của các doanh nghiệp cao hơn.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp mua lại trái phiếu để giảm nợ

Trước đó, trong tháng 12/2022, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản, xây dựng đã “chạy đua” để mua lại trước hạn một phần hoặc toàn bộ các lô trái phiếu đáo hạn vào năm 2023.

Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản, xây dựng đã “chạy đua” để mua lại trước hạn một phần hoặc toàn bộ các lô trái phiếu đáo hạn vào năm 2023.

Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản, xây dựng đã “chạy đua” để mua lại trước hạn một phần hoặc toàn bộ các lô trái phiếu đáo hạn vào năm 2023.

Trái phiếu chưa đến hạn nhưng doanh nghiệp đã mua lại hoặc nhà đầu tư đề nghị mua lại, điều này phản ánh khó khăn của thị trường. Trong đó, lần lượt các tập đoàn địa ốc như: Novaland, Hưng Thịnh Land, Phát Đạt, CenGroup… đã công bố mua lại chính các lô trái phiếu vừa phát hành trong quý III/2022 với giá trị mua lại từ vài chục tỷ đồng đến vài trăm tỷ đồng.

Từ ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Land (Mã chứng khoán: HTL) đã bắt đầu mua lại trước hạn toàn bộ 4 triệu trái phiếu đã phát hành vào ngày 28/12/2021 (đáo hạn ngày 28/12/2023). Dự kiến trong 30 ngày, Hưng Thịnh Land sẽ hoàn thành mua lại các lô trái phiếu có giá trị 400 tỷ đồng này.

Gần đây nhất, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Mã chứng khoán: NVL) đã công bố thông tin về kết quả mua lại trái phiếu doanh nghiệp NVLH2122015 trước hạn, với tổng mệnh giá phát hành 1.000 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu có kỳ hạn 12 tháng, ngày phát hành 24.12.2021, ngày đáo hạn 24.12.2022, ngày thực hiện việc mua lại trước hạn là 2.12.2022. Trước đó, Novaland đã có nhiều đợt mua lại trái phiếu trước hạn, với tổng giá trị hơn 1.150 tỷ đồng.

Một cái tên đáng chú ý khác tích cực mua lại trái phiếu trong tháng 11 là Công ty Cổ phần Địa ốc Sacom. Công ty này có các đợt mua lại trái phiếu trước hạn từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng.

Chỉ tính riêng trong tháng 11, Địa ốc Sacom đã 7 lần mua lại trái phiếu trước hạn của lô SLDCH2123001 với tổng giá trị 27,7 tỷ đồng. Đến nay, Địa ốc Sacom đã thực hiện 24 lần mua lại với tổng giá trị mua lại 124,3 tỷ đồng và giá trị trái phiếu còn lại 113,2 tỷ đồng.

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã chứng khoán: PDR) đã mua trước hạn 338,7 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Hiện số dư nợ trái phiếu của Phát Đạt đã giảm xuống còn 2.500 tỷ đồng.

Giữa tháng 10/2022, HĐQT Công ty Cổ phần Sunshine Homes cũng ban hành Nghị quyết về việc mua lại trước hạn toàn bộ 5 triệu trái phiếu SSHCH2022001 đang lưu hành, tương đương tổng mệnh giá 500 tỷ đồng.

Theo Sunshine Homes, lý do mua lại trái phiếu là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), đơn vị bảo lãnh thanh toán đối với trái phiếu bị đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.