Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc triển khai Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đã có một số khó khăn và vướng mắc như: Chưa rõ cụm từ làm việc theo ca, ca liên tục; cách tính thời điểm và thời gian giảm giờ làm việc đối với người lao động cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu; còn có cách hiểu khác nhau trong việc áp dụng quy định về việc nghỉ sau nhiều ngày làm thêm, tính số ngày phép nếu ngày làm việc không đủ tháng…
Một số tồn tại trên xuất phát từ các quy định trong Bộ luật lao động 2012 như: quy định về giảm thời gian làm việc năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu, nghỉ sau nhiều ngày làm thêm liên tục…
Do đó, việc nghiên cứu xây dựng, ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động 2019 về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi là cần thiết.
Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi gồm 3 chương, 15 điều. Trong đó có một số điểm đáng chú ý như:
Điều 3 được kế thừa từ Điều 3 Nghị định 45/2013/NĐ-CP, đồng thời có tiếp thu, chỉnh sửa: Bỏ quy định “Thời giờ làm việc được rút ngắn mỗi ngày ít nhất 1 giờ đối với người lao động cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu” để phù hợp với quy định mới tại Khoản 2 Điều 148 của Bộ luật lao động: được quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hàng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian;
Bổ sung Khoản 10, quy định “Thời gian người lao động được người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật”.
Điều 4 của dự thảo đề xuất bổ sung Khoản 3 quy định “Đối với trường hợp làm việc không trọn ngày quy định tại Điều 32 của Bộ luật lao động thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày”.
Đề xuất này xuất phát từ thực tế có người lao động chỉ làm 2 – 3 giờ một ngày như phục vụ bàn trong các quán ăn…, nếu áp dụng quy định hiện hành chỉ được làm thêm 1 – 1,5 giờ, gây khó khăn cho tổ chức công việc khi cần làm thêm vào lúc cao điểm.
Ngoài ra, dự thảo đề xuất bổ sung quy định mới tại Điều 7 (Tính giờ làm thêm trong một số trường hợp đặc biệt). Đề xuất này xuất phát từ những bất cập khi tính toán số giờ làm thêm trong thời gian vừa qua, cụ thể:
Khoản 1 đề xuất quy định cách tính cho các trường hợp áp dụng quy định làm việc không trọn ngày, trọn tuần hoặc ngày làm việc dưới 8 giờ, tuần làm việc dưới 48 giờ.
Khoản 2 đề xuất áp dụng cho trường hợp xây dựng thời giờ làm việc bình thường theo tuần quy định tại Khoản 2 Điều 105 của Bộ luật lao động.