Nhiều cơ quan cùng thẩm định tổng kinh phí thực hiện Đề án đổi mới chương trình, SGK

GD&TĐ - Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Việt Nam tối 16/4 về những vấn đề liên quan đến con số hơn 34.000 tỷ đồng để thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sắp tới.

Nhiều cơ quan cùng thẩm định tổng kinh phí thực hiện Đề án đổi mới chương trình, SGK

Việc dự toán tổng kinh phí cho Đề án dựa trên số lượng công việc, định mức kinh tế - kỹ thuật đã có của Nhà nước để tính ra số tiền. Quá trình này sẽ được thẩm định bởi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch – Đầu tư và các cơ quan liên quan để có được số liệu chính thức.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

Được biết tổng kinh phí để thực hiện Đề án đổi mới chương trình, SGK sắp tới là hơn 34.000 tỷ đồng. Thứ trưởng có thể cho biết tổng thể số tiền này sẽ được sử dụng như thế nào?

- Hơn 34.000 tỷ đồng được sử dụng vào 5 nhóm việc chính: 

Một là biên soạn chương trình, sách giáo khoa, sách giáo viên;

Hai là dạy thí điểm chương trình mới, đánh giá, hoàn thiện để ban hành được chính thức bộ chương trình, bộ sách giáo khoa, sách giáo viên;

Ba là tập huấn giáo viên để triển khai thực hiện đại trà;

Bốn là trang bị cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng dạy học bổ sung cho các nhà trường khi thực hiện chương trình mới;

Năm là ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng kênh truyền thông riêng cho giáo dục - đào tạo.

Trong đó, tiền để biên soạn chương trình, sách giáo khoa, sách giáo viên chiếm hơn 100 tỷ đồng.

14 năm trước ta đã từng đổi mới chương trình, sách giáo khoa, và lần này tiếp tục đổi mới. Vậy số tiền hàng nghìn tỷ đồng đã được sử dụng trong lần đổi mới chương trình sách giáo khoa trước liệu có thể coi là đã bị lãng phí không, thưa Thứ trưởng?

- Không lãng phí. Chương trình và sách giáo khoa hiện hành đã cơ bản đáp ứng được những yêu cầu của Nghị quyết 40 Quốc hội khóa X năm 2000, đáp ứng được mục tiêu của giáo dục phổ thông ghi trong Luật Giáo dục và năng lực học sinh Việt Nam đã dược quốc tế xác nhận qua kết quả đánh giá học sinh tiểu học (chương trình PASEC) và học sinh trung học (chương trình PISA) năm 2012.

Như chúng ta đã biết, do phát triển nhanh về khoa học công nghệ nên chu kỳ đổi mới chương trình, sách giáo khoa của thế giới cũng đang được rút ngắn. 

Trước đây thường là 10 năm, giờ đây có những quốc gia từ 5 – 7 năm đã thay chương trình, sách giáo khoa.

Chương trình và sách giáo khoa của Việt Nam được thực hiện từ năm 2002. Nếu tính đến năm 2015 thì cũng đã là 13 năm.

Chính bởi vậy, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa là cần thiết, không khác với thông lệ của quốc tế cũng như nhu cầu phát triển giáo dục – đào tạo của nước nhà.

Thưa Thứ trưởng, dư luận đặc biệt quan tâm việc chương trình, sách giáo khoa đổi mới có gì khác biệt so với chương trình và sách giáo khoa hiện hành.Ông có thể nói rõ về điều này?

- Có hai khác biệt cơ bản. Thứ nhất là thực hiện Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo của Hội nghị T.Ư 8 (khóa XI), chúng ta chuyển mục tiêu cơ bản từ trang bị kiến thức cho người học sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học.

Thứ hai là chúng ta tính toán đến những điều kiện để cho có thể tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất, đồng thời khả thi của chương trình, sách giáo khoa mới. 

Xin được nói cụ thể hơn:

Chương trình sẽ được xây dựng theo hướng tích hợp cao ở tiểu học và THCS để học xong học sinh sẽ có hệ thống kiến thức phổ thông nền tảng, có khả năng vận dụng vào thực tế; 

Ở THPT sẽ phân hoá mạnh bằng hệ thống các môn học và chuyên đề tự chọn để học sinh tiếp cận nghề nghiệp, phục vụ mục tiêu phân luồng và tạo tiền đề cho giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. 

Khác với chương trình hiện hành chỉ tập trung đổi mới phương pháp dạy học nên kết quả hạn chế, chương trình mới sẽ coi trọng đổi mới đồng bộ cả phương pháp và hình thức giáo dục cũng như phương pháp thi, kiểm tra, đánh gia chất lượng giáo dục.

Chúng ta chủ trương xây dựng một chương trình của quốc gia, trên cơ sở chương trình quốc gia dành một thời lượng nhất định cho các địa phương biên soạn nội dung dạy học phù hợp với mình; đồng thời giao quyền tự chủ về triển khai thực hiện chương trình ở các nhà trường. 

Mặt khác, khi có một chương trình, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng những tiêu chí đánh giá sách giáo khoa. Dựa vào chương trình và tiêu chí đánh giá sách giáo khoa, Bộ sẽ biên soạn một bộ sách giáo khoa đầy đủ và đồng thời, các tổ chức, cá nhân có thể dựa vào đó để biên soạn những bộ sách giáo khoa hoặc những quyển sách giáo khoa khác. 

Nhà trường, giáo viên, học sinh có thể chọn những bộ sách giáo khoa phù hợp nhất với điều kiện, đặc điểm của mình để tổ chức dạy và học. 

Bộ cũng sẽ xác định những điều kiện tối thiểu, nhất là về giáo viên và thiết bị dạy học theo yêu cầu của chương trình và đề nghị Nhà nước tập trung nguồn lực bổ sung cho những trường còn thiếu để sớm đảm bảo điều kiện triển khai chương trình mới.

So với lần trước, việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa lần này đã được thực hiện theo Nghị quyết và có tính chủ động hơn, khoa học hơn khi ta xác định quy trình làm việc của các Hội đồng biên soạn chương trình, sách giáo khoa, những Hội đồng thẩm định, việc tiến hành thử nghiệm, việc tập huấn giáo viên cũng như việc triển khai đại trà.

Như vậy, chương trình mới sẽ có nhiều ưu điểm hơn so với chương trình hiện hành.

Vậy Bộ GD&ĐT cam kết như thế nào về hiệu quả của lần đổi mới này khi mà chúng ta phải tiêu tốn một lượng tiền ngân sách lớn?

- Gọi là lớn so với Việt Nam chứ không lớn so với các nước khác. Tuy nhiên, như tôi đã nói, tính hiệu quả, tính tiết kiệm, tính khả thi phải được đặt ra ngay từ đầu khi chúng ta xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới. 

Và Bộ GD&ĐT sẽ phải báo cáo những nội dung này để được Quốc hội ra Nghị quyết, được Chính phủ phê duyệt Đề án và tổ chức thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Chắc chắn chất lượng đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này sẽ đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 đã đề ra.

Xin cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ