Trong những ngày tháng ở Sài Gòn, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã sinh sống, học tập và làm việc nhiều nơi, trước khi từ bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước (ngày 5/6/1911).
Cách đây 113 năm, từ Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville (Pháp) lấy tên là Văn Ba, bắt đầu chuyến hành trình tìm đường cứu nước kéo dài 30 năm.
Theo tư liệu lịch sử, năm 1910, thanh niên Nguyễn Tất Thành đến Sài Gòn và ở tại căn nhà số 1-2-3 Bến Testard (nay là đường Châu Văn Liêm, Quận 5) từ tháng 9/1910 đến tháng 6/1911.
Căn nhà số 185/1, đường Dumortier, xóm cầu Rạch Bần (nay là đường Cô Bắc, Quận 1), là nơi thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ở vài ngày khi mới từ Phan Thiết vào Sài Gòn.
Căn nhà số 5 Châu Văn Liêm (Quận 5) được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa và là địa điểm du lịch nổi tiếng cho khách tham quan. |
Một số đồ vật, vật dụng gắn liền với cuộc sống của Bác như máy đánh chữ, bút chì, mũ sắt và chiếc kính lão. |
Radio của bà Lâm Thị Tôi dùng theo dõi tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần và lễ truy điệu Người, tháng 9/1969. |
Bến Nhà Rồng nằm bên bờ sông Sài Gòn, nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. |
Bên cạnh đó, có một nơi in dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngôi nhà số 88/5 đại lộ Lê Lợi (Quận 1). Tại đây, thanh niên Nguyễn Tất Thành đã cùng những người trong Ban Quản trị Liên Thành đến nghe thuyết giảng. Địa chỉ này sau cũng là nơi thành lập chi bộ đầu tiên của An Nam Cộng sản Đảng.
Bến Nhà Rồng có tên chính thức là Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM là tên thường gọi cho cụm di tích kiến trúc - bảo tàng nằm bên sông Sài Gòn (Quận 4, TPHCM). Bảo tàng được chia thành 4 chủ đề tương ứng với 4 phòng, lưu giữ trưng bày nhiều hình ảnh, kỷ vật, dấu tích liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ trên con đường tìm đường cứu nước. Đây là địa điểm tham quan ý nghĩa được nhiều học sinh, sinh viên và các đoàn du khách ghé thăm mỗi khi đến TPHCM.