Nhiều cánh cửa mở ra sau công bố kết quả trúng tuyển đợt 1

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Từ sau 17 giờ ngày 15/9 đến trước 17 giờ ngày 17/9, các cơ sở đào tạo có thể công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. 

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 điểm thi Trần Phú. Ảnh: Thế Đại
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 điểm thi Trần Phú. Ảnh: Thế Đại

Các chuyên gia cho rằng, thời điểm này không có khái niệm trượt đại học vì kế hoạch tuyển sinh có thể kéo dài với các đợt xét tuyển bổ sung. Vì thế, cơ hội vẫn còn cho những thí sinh không trúng tuyển đợt 1.

Cơ hội xét tuyển bổ sung

Năm nay, Trường ĐH Đồng Nai tuyển sinh hơn 1.000 chỉ tiêu. TS Lê Anh Đức - Hiệu trưởng nhà trường - thông tin: Dự kiến sáng 17/9, nhà trường thông báo điểm chuẩn và công bố danh sách thí sinh trúng tuyển trong đợt xét tuyển này. “Những em không nằm trong danh sách trúng tuyển vẫn còn cơ hội xét tuyển đợt bổ sung của trường hoặc các cơ sở đào tạo khác. Vì thế, ở thời điểm này chưa thể kết luận thí sinh trượt đại học” - TS Lê Anh Đức chia sẻ.

Đồng quan điểm, ThS Dương Văn Bá - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Hòa Bình (Hà Nội) - cho rằng, thời điểm chưa thể kết luận thí sinh nào đó trượt đại học. Nếu có chỉ là, thí sinh trượt các nguyện vọng đăng ký xét tuyển đợt 1 hoặc trượt vào ngành học, trường học yêu thích. “Sau ngày 15/9, Trường ĐH Hòa Bình công bố điểm chuẩn xét tuyển đợt 1. Trường dự kiến xét tuyển bổ sung kể từ ngày 1/10. Vì thế, thí sinh vẫn còn nhiều cơ hội để trở thành sinh viên của trường” – ThS Dương Văn Bá cho hay.

ThS Nguyễn Thị Thu Hường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội - nhìn nhận, sau xét tuyển đợt 1, nhiều cơ sở đào tạo sẽ công bố xét tuyển các đợt bổ sung. Cơ hội học đại học vẫn rộng mở với thí sinh.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

“Tất nhiên, khi xét tuyển bổ sung, thí sinh sẽ không còn nhiều lựa chọn những ngành, trường mà mình yêu thích như xét tuyển đợt 1” - ThS Nguyễn Thị Thu Hường chia sẻ, đồng thời khuyến nghị: Các em nên tập trung vào một số trường tốp giữa. Sau đó, xem điểm chuẩn đợt 1 của trường là bao nhiêu, rồi cộng thêm khoảng 2 - 3 điểm. Nếu điểm thi đạt mức đó, cơ hội trúng tuyển vào đợt bổ sung sẽ cao. Ngoài ra, thí sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển bằng phương thức xét học bạ THPT…

Chọn đúng lĩnh vực để phát huy năng lực, sở trường

“Để không bỏ lỡ cơ hội, thí sinh cần cập nhật, theo dõi thông tin mới nhất về xét tuyển bổ sung của các trường mà mình dự định xét tuyển. Về nguyên tắc, các em tham gia xét tuyển bổ sung có quyền bình đẳng như thí sinh đợt 1 (về điều kiện học tập và các quyền lợi khác như: Học bổng, học phí…). Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý, điểm tuyển sinh đợt bổ sung không được thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển sinh đợt 1” - ThS Nguyễn Thị Thu Hường trao đổi.

Cũng theo lãnh đạo Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, ngoài tham gia xét tuyển bổ sung, thí sinh có nhiều lựa chọn khác như học cao đẳng, học nghề, hoặc có thể tiếp tục ôn thi để chờ cơ hội của năm sau… Quan trọng là, các em xác định rõ tư tưởng, mong muốn của mình và không nên nản chí.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: Internet

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: Internet

Chia sẻ với những thí sinh không may trượt tất cả nguyện vọng xét tuyển trong đợt 1, PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) - trao đổi: Lúc này, các em cần sự động viên của người thân để bình tâm trở lại và lựa chọn thêm các cơ hội cho mình. Đợt xét tuyển bổ sung vẫn rộng mở cơ hội, quan trọng là xác định rõ mục tiêu phấn đấu và lập lộ trình để thực hiện. Hãy biến thất bại ban đầu trở thành động lực để chinh phục những thành công sau này. Bởi nếu để cho tâm trạng buồn bã chi phối thì thất bại sẽ chỉ sinh ra thất bại chứ không thể là “mẹ thành công”.

“Trong thời điểm này, các em hãy dành thời gian tìm hiểu các thông tin chỉ tiêu tuyển sinh của các ngành học phù hợp với năng lực sở trường và mức điểm đang có. Đừng đặt nặng chuyện đỗ đại học. Các em có thể lựa chọn ngành học yêu thích tại các trường nghề và khởi nghiệp từ đó. Đường đi có thể dài hơn, khó khăn hơn một chút nhưng nếu quyết tâm và nỗ lực, chắc chắn các em sẽ thành công” - PGS.TS Phạm Mạnh Hà tin tưởng.

Cho rằng, đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, PGS.TS Phạm Mạnh Hà nhìn nhận, đỗ đại học không quan trọng bằng việc thí sinh chọn được đúng lĩnh vực có thể phát huy được năng lực, sở trường của mình.

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, từ ngày 16/9 đến trước 17 giờ ngày 30/9, tất cả thí sinh phải xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống. Cơ sở đào tạo không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 16/9 và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17 giờ ngày 30/9.

Như vậy, các thí sinh phải xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến trên Hệ thống, trước khi nhập học tại cơ sở đào tạo. Đối với thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển thẳng (Điều 8 của Quy chế tuyển sinh), nhà trường hướng dẫn cách xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống trong thời gian quy định. Trên cơ sở số thí sinh xác nhận nhập học, cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển các đợt tiếp theo (nếu có) và cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định. Việc này bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 12/2022.

Ngày 13/9, Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở đào tạo khẩn trương rà soát tất cả trường hợp thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm và đối sánh với danh sách nguyện vọng của thí sinh tải từ cơ sở dữ liệu của Hệ thống. Trong trường hợp có sai sót về mã phương thức xét tuyển hoặc tổ hợp xét tuyển, xem xét quyết định đưa thí sinh vào danh sách lọc ảo theo quy trình (liên hệ với thí sinh nếu cần).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ