Nhiễm khuẩn từ vết thương nhỏ

GD&TĐ - Nhiễm khuẩn huyết là tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, gây ra bởi sự xâm nhập của vi khuẩn và các độc tố vi khuẩn vào máu.

Bệnh nhân nhập viện do nhiễm khuẩn huyết sau nặn mụn. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân nhập viện do nhiễm khuẩn huyết sau nặn mụn. Ảnh: BVCC

Nhập viện do nhiễm khuẩn huyết

Mới đây, Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân A sinh năm 2005 đến từ Hà Nội.

Bệnh nhân đã tự nặn mụn, sau đó sốt 38 độ C, có gai rét và cơn rét run, tự dùng hạ sốt ở nhà nhưng không đỡ.

Gia đình chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng sốt cao 38 - 38,5 độ C, có cơn rét run, môi khô, vùng môi má bên trái sưng nề, chảy dịch mủ, há miệng hạn chế, khó thở nhẹ, đau tức ngực, hỗ trợ thở oxy gọng kính 3l/p.

Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết do Staphylococcus aureus cửa vào từ ổ áp xe vùng mặt - cằm trái, có ổ nhiễm khuẩn thứ phát viêm phổi hoại tử 2 bên. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân dần ổn định, vùng mặt - cằm đỡ sưng nề rõ, thân nhiệt trở về bình thường và được ra viện.

Trước đó, vào tháng 2, Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa cũng tiếp nhận bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết. Cụ thể, bệnh nhân H.L, 65 tuổi đến từ Hà Nội, nhập viện trong tình trạng sốt cao 38 - 39,5 độ C, không có cơn rét run, môi khô. Cánh, cẳng tay phải sưng nề đỏ, đau, vùng khuỷu có nhiều nốt mụn mủ thành mảng kích thước 1 - 2mm trên da dọc phần sưng nề, có chảy dịch.

Khai thác tiền sử được biết, trước khi vào viện 1 tuần, bệnh nhân bị ngã đập cẳng tay phải xuống nền nhà, không có vết thương hở da. Sau ngã đau nhiều ở cẳng tay, kèm theo sưng nề, nóng đỏ, sốt 39 độ C, có gai rét, không có cơn rét run. Bệnh nhân tự dùng hạ sốt nhưng không đỡ.

Sau đó, bệnh nhân nhập viện gần nhà và được chẩn đoán: Viêm mô bào cánh – cẳng tay phải. Điều trị kháng sinh được 3 ngày nhưng không hết sốt, cánh cẳng tay phải sưng nề, nổi nhiều nốt phỏng nhỏ chảy dịch, bệnh nhân xin chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để điều trị.

Các bác sĩ tại Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa làm các xét nghiệm và chẩn đoán, bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết do Streptococcus sp từ ổ viêm mô bào cánh – cẳng tay phải. Sau điều trị, bệnh nhân dần ổn định, cánh – cẳng tay phải đỡ sưng nề rõ, tổn thương da phục hồi, thân nhiệt trở về bình thường. Bệnh nhân ổn định sau đó không lâu và được ra viện.

Phương pháp phát hiện

Theo Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Mạnh - Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhiễm khuẩn huyết là tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân, gây ra bởi sự xâm nhập của vi khuẩn và các độc tố vi khuẩn vào máu. Bệnh lý nhiễm khuẩn huyết thường gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là hội chứng sốc nhiễm khuẩn, dẫn đến suy đa tạng, tỷ lệ tử vong cao.

BS Nguyễn Ngọc Uyển - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 dẫn chứng, số liệu thống kê cho thấy, nhiễm khuẩn huyết là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba ở Mỹ. Tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn huyết là rất cao.

Ước tính, số người tử vong vì nhiễm khuẩn huyết nhiều hơn do ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú và HIV cộng lại. Việc phát hiện sớm nhiễm khuẩn huyết vô cùng quan trọng vì sự chậm trễ trong điều trị kháng sinh dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong.

Tỷ lệ tử vong tăng 7,6% mỗi giờ trì hoãn sử dụng kháng sinh đối với bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết nặng và sốc nhiễm khuẩn. Như vậy, nhiễm khuẩn huyết được phát hiện và điều trị càng sớm thì kết quả điều trị cho bệnh nhân càng khả quan và giúp giảm thiểu chi phí cho hệ thống y tế.

Tuy nhiên, chẩn đoán sớm nhiễm khuẩn huyết còn nhiều thách thức do bệnh cảnh lâm sàng biểu hiện rất khác nhau, đặc biệt là khi triệu chứng lâm sàng không rõ ràng. Do đó, bên cạnh khám lâm sàng, cần phải phối hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng.

Theo chuyên gia này, các xét nghiệm được sử dụng để đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn và xác nhận nghi ngờ nhiễm khuẩn huyết hiện nay gồm: Đo số lượng WBC (bạch cầu), Procalcitonin, C – Reactive Protein, Interleukin-6 hoặc nồng độ Presepsin, hay nuôi cấy dịch cơ thể như máu hoặc nước tiểu để phát hiện các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, không có xét nghiệm nào trong số trên có thể xác nhận chắc chắn nhiễm khuẩn huyết.

Các nghiên cứu khoa học cho thấy, chỉ số phân bố kích thước bạch cầu đơn nhân (Monocyte Distribution Width - MDW) có độ nhạy và độ đặc hiệu tốt trong phát hiện sớm bệnh nhân có nguy cơ phát triển nhiễm khuẩn huyết.

Kết quả đầu tiên được công bố trên tạp chí Chest năm 2017 đã cho thấy, giá trị MDW tăng cao có thể phân biệt nhiễm khuẩn huyết với không nhiễm khuẩn huyết (theo tiêu chí nhiễm khuẩn huyết sepsis-2) với diện tích dưới đường cong ROC (AUC) là 0,79, độ nhạy là 77% và độ đặc hiệu là 73%.

Khi kết hợp MDW và số lượng bạch cầu thì giá trị chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết tăng lên với AUC là 0,89, cao hơn đáng kể so với AUC cho mỗi thông số riêng lẻ (AUC của số lượng bạch cầu là 0,74).

MDW được làm trên máy phân tích huyết học. Chúng liên quan chặt chẽ đến hai giai đoạn chính trong sinh bệnh học nhiễm khuẩn, cơn bão cytokine và ức chế miễn dịch do nhiễm khuẩn huyết.

Những lợi ích của MDW bao gồm kết quả được trả tự động với xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, với chi phí thấp, kết quả được trả sớm. Xét nghiệm này không cần phải lấy thêm máu và không cần phải yêu cầu thêm xét nghiệm. Đây là một công cụ để chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết hoặc đánh giá diễn tiến nhiễm khuẩn huyết trong 12 giờ sau khi nhập khoa cấp cứu.

Việc kết hợp với số lượng bạch cầu, cũng nằm trong kết quả tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, cùng với các kết quả cận lâm sàng khác và thăm khám lâm sàng sẽ giúp chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết từ một mẫu máu tĩnh mạch toàn phần. Như vậy, việc ứng dụng chỉ số MDW sẽ giúp phát hiện sớm tình trạng nhiễm khuẩn huyết.

Để phòng tránh nhiễm khuẩn huyết, TS Nguyễn Đăng Mạnh khuyến cáo, mọi người cần thực hiện các biện pháp vệ sinh, an toàn lao động, xử trí sớm các ổ nhiễm khuẩn.

Theo dõi và điều trị các bệnh mạn tính như bệnh đái tháo đường, xơ gan… để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn. Hạn chế các thủ thuật, đảm bảo các nguyên tắc vô khuẩn, dự phòng chuẩn. Đồng thời, không lạm dụng corticoid, dùng kháng sinh đúng chỉ định.

Hầu hết, các loại vi khuẩn gây bệnh ở người đều có thể gây nên bệnh cảnh nhiễm khuẩn huyết. Trong đó, một số nhóm vi khuẩn thường gặp như vi khuẩn Gram-âm, vi khuẩn Gram-dương, vi khuẩn kỵ khí. Chính vì vậy, bất kỳ tổn thương nào trên cơ thể cũng có thể gây nên tình trạng nhiễm khuẩn và có nguy cơ nhiễm khuẩn huyết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ