2 tháng gãy chân, người đàn ông bất ngờ phát hiện nhiễm khuẩn ăn thịt người

GD&TĐ - Sau gần 2 tháng gãy cẳng chân, người đàn ông được phát hiện bị nhiễm khuẩn ăn thịt người.

Người nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người" thường có biểu hiện sốt cao và đau dạ dày.
Người nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người" thường có biểu hiện sốt cao và đau dạ dày.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm một trường hợp mắc bệnh Whitmore tại huyện Ea Súp.

Đây là trường hợp thứ 2 tại Đắk Lắk mắc bệnh Whitmore tính từ đầu năm 2023 tới nay.

Bệnh nhân là ông L.V.L, sinh năm 1964, trú tại xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Theo đó vào khoảng 2 tháng trước, ông L bị gãy xương cẳng chân phải và đã phẫu thuật.

Đến ngày 4/12, vết thương còn dịch mủ nên bệnh nhân xin nhập viện và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán nhiễm trùng vết thương cẳng chân (P) do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (bệnh Whitmore) nên phải nhập viện điều trị.

Trao đổi tình hình của ông L, anh Lý Văn Cường - con trai bệnh nhân cho biết: "Sau khi bị gãy cẳng chân, bố tôi được đưa đi mổ tại bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và nằm đây điều trị được 2 tuần thì về nhà điều trị. Tuy nhiên trong thời gian dưỡng bệnh ở nhà, vết thương bị nhiễm trùng, chảy mủ, bố tôi có hiện tượng sốt và ho nên lại nhập viện tiếp.

Tại bệnh viện, bác sĩ cho biết ông bị nhiễm trùng quanh phần nẹp cố định. Tại đây bố tôi tiếp tục được mổ lại và điều trị 4 tuần, sau đó gia đình nhận thông báo bố bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người".

Cơ quan chức năng tổ chức điều tra dịch tễ và tuyên truyền cho người dân phòng bệnh Whitmore
Cơ quan chức năng tổ chức điều tra dịch tễ và tuyên truyền cho người dân phòng bệnh Whitmore

Theo lời con trai bệnh nhân, trước đó gia đình không nhận được phản hồi từ bác sĩ về vi khuẩn ăn thịt người này. Gia đình cũng nghe bác sĩ điều trị thông tin trước có mấy loại vi khuẩn nhưng đã được điều trị nên chúng đã chết. Hiện giờ chỉ còn 1 loại và đang được loại bỏ tiếp.

"Gia đình chúng tôi cũng lo lắng không biết vi khuẩn trên có lây lan ra bộ phận khác không? Không biết vì sao bố tôi bị nhiễm vi khuẩn đó và nhiễm từ thời điểm nào?

Trước khi bị gãy cẳng chân, ông vẫn đi làm rẫy bình thường. Từ khi bị gãy chân điều trị ông cũng không đi lại được và làm thêm việc gì khác. Hiện bác sĩ đang tiến hành truyền thuốc để điều trị. Do sức khoẻ bố tôi yếu nên ông cũng không ăn được nhiều" - anh Cường nói.

Chia sẻ thêm về trường hợp của bệnh nhân, một vị bác sĩ của bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên từng điều trị cho ông L cho biết, bệnh án của bệnh nhân khá phức tạp.

Được biết hiện sức khỏe bệnh nhân diễn tiến tốt và đang được tích cực chăm sóc, điều trị.

Ngay sau khi ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh Whitmore, CDC phối hợp cùng Trung tâm Y tế huyện Ea Súp và Trạm y tế xã Cư Kbang tiến hành điều tra dịch tễ, tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh tại địa bàn, đồng thời tích cực tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Whitmore theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Bệnh Whitmore (hay còn gọi là vi khuẩn "ăn thịt người") là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn gram âm có tên Burkholderia pseudomallei gây nên. Người nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore có tỷ lệ tử vong từ 40-60%. Người mắc bệnh Whitmore thường có dấu hiệu sốt cao, đau dạ dày, đau ngực, viêm mang tai (rất giống với quai bị), đau cơ khớp, đau đầu và co giật..

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.