Nhận diện vi khuẩn gây nhiễm trùng nhiều nhất cho trẻ dưới 5 tuổi

GD&TĐ - Mặc dù, vi khuẩn Salmonella có thể gây bệnh cho mọi người ở tất cả lứa tuổi, nhưng tình trạng nhiễm trùng thường xảy ra nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Salmonella là loại vi khuẩn đường ruột không hình thành bào tử, chủ yếu di chuyển bằng roi quanh thân.
Salmonella là loại vi khuẩn đường ruột không hình thành bào tử, chủ yếu di chuyển bằng roi quanh thân.

Mặc dù, vi khuẩn Salmonella có thể gây bệnh cho mọi người ở tất cả lứa tuổi, nhưng tình trạng nhiễm trùng thường xảy ra nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Nguyên nhân một phần là do hệ thống miễn dịch của trẻ ở tuổi này chưa phát triển đầy đủ.

Tồn tại ở nhiều nơi

Có vẻ như, hạt điều, dưa vàng, hành tây thái miếng, húng quế, thanh granola, bánh charcuterie... là những loại thực phẩm không liên quan đến nhau. Song, sự thực là, chúng đều có điểm chung. Theo các chuyên gia, tất cả sản phẩm đều có nguy cơ nhiễm vi khuẩn Salmonella.

Đây là loại vi khuẩn gây bệnh cho khoảng 1,35 triệu người ở Mỹ mỗi năm. Theo Bộ Nông nghiệp nước này, nhiễm trùng từ vi khuẩn là nguyên nhân mắc bệnh do thực phẩm được báo cáo thường xuyên nhất. Tình trạng này có thể dẫn đến các triệu chứng như sốt, tiêu chảy và đau bụng kéo dài nhiều ngày.

Mọi người thường bị nhiễm khuẩn Salmonella. Đây là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, do ăn thịt chưa nấu chín hoặc các thực phẩm bị ô nhiễm khác. Tuy nhiên, thực tế, vi khuẩn cũng có thể ẩn náu ở nhiều nơi khác.

Tiến sĩ Louise Francois Watkins - bác sĩ thuộc Chi nhánh Dịch tễ học Bệnh đường ruột của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, cho biết: “Có những con đường khác nhau có thể dẫn đến bệnh tật ở người”. Chuyên gia này đã chỉ ra những điều người dân cần biết về vi khuẩn này và cách giữ an toàn cho bản thân cũng như gia đình.

Ông Martin Wiedmann - bác sĩ thú y và nhà khoa học thực phẩm tại Trường Đại học Nông nghiệp và Khoa học Đời sống thuộc Đại học Cornell cho biết, một lý do khiến nhiều người bị nhiễm bệnh mỗi năm là vi khuẩn phát triển tự nhiên trong ruột của một số loài động vật, bao gồm gà, chim và bò.

Trong khi đó, theo TS Francois Watkins, những động vật mang vi khuẩn này thường không có vẻ ốm yếu. Khi gia súc bị giết mổ, vi khuẩn trong ruột của chúng có thể làm ô nhiễm thịt.

Theo CDC, cứ trong 25 gói thịt gà bán tại các cửa hàng tạp hóa thì có một gói chứa vi khuẩn Salmonella. TS Wiedmann cho biết, bất cứ thứ gì chạm vào thịt sống đều có thể bị ô nhiễm. Nếu chạm vào bề mặt chứa vi khuẩn rồi sau đó đưa tay miệng, chúng ta có thể bị bệnh.

Vì vi khuẩn phát triển mạnh trong ruột động vật, nên chúng cũng có mặt trong phân động vật. Đôi khi, vi khuẩn còn tồn tại cả ở trên chân và lông động vật.

Điều đó có thể cho phép Salmonella lây lan sang các địa điểm khác, bao gồm cả cánh đồng trồng trọt và nhà máy chế biến thực phẩm - nơi chúng có thể làm ô nhiễm sản phẩm và thực phẩm đóng gói.

Cách xử trí khi nhiễm khuẩn

Theo CDC, cứ trong 25 gói thịt gà bán tại các cửa hàng tạp hóa thì có một gói chứa vi khuẩn Salmonella.

Theo CDC, cứ trong 25 gói thịt gà bán tại các cửa hàng tạp hóa thì có một gói chứa vi khuẩn Salmonella.

Không ít người lo ngại và đặt ra câu hỏi về việc, làm thế nào trong trường hợp bị nhiễm khuẩn Salmonella? TS Francois Watkins cho biết, những người tiếp xúc với vi khuẩn Salmonella thường bắt đầu cảm thấy mệt mỏi từ 6 giờ đến 6 ngày sau đó.

Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đều nhẹ và kéo dài từ 4 - 7 ngày. Mặc dù, vi khuẩn Salmonella có thể gây bệnh cho mọi người ở tất cả lứa tuổi, nhưng tình trạng nhiễm trùng thường xảy ra nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Nguyên nhân một phần là do hệ thống miễn dịch của trẻ ở tuổi này chưa phát triển đầy đủ.

Cũng theo TS Francois Watkins, tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn Salmonella gây ra thường tự khỏi. Tuy nhiên, CDC khuyến cáo người bệnh nên liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ y tế nếu bị tiêu chảy và sốt trên 38 độ C.

Người bệnh cũng cần tới cơ sở y tế nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn ba ngày mà không cải thiện, xuất hiện đại tiện ra máu, hoặc bị mất nước đến mức đi tiểu rất ít.

Các chuyên gia chia sẻ, rất ít bệnh nhân đến gặp bác sĩ khi bị bệnh do vi khuẩn Salmonella gây ra. Thậm chí, số người được xét nghiệm bệnh này còn ít hơn. Do đó, hầu hết mọi người không bao giờ biết mình mắc bệnh này.

Andrea Etter - nhà khoa học thực phẩm và nhà nghiên cứu Salmonella tại Trường Đại học Vermont, cho biết: “Chỉ có một trong số 30 trường hợp nhiễm khuẩn Salmonella thực sự được hệ thống chăm sóc sức khỏe phát hiện và xác nhận”.

Một số người bị viêm khớp phản ứng sau khi nhiễm khuẩn Salmonella và dẫn đến tình trạng đau khớp. Thậm chí, một số bệnh nhân có thể kích ứng mắt hoặc đi tiểu đau kéo dài sau khi hết nhiễm trùng. TS Wiedmann cho biết, trong một số trường hợp hiếm hoi, Salmonella có thể lây lan qua máu và gây nhiễm trùng máu, viêm màng não cũng như các bệnh nhiễm trùng khác.

Nhiễm khuẩn Salmonella là nguyên nhân gây ra 26.500 ca nhập viện và 420 ca tử vong ở Mỹ mỗi năm. Người già trên 65 tuổi, trẻ nhỏ và những người hệ miễn dịch yếu có nguy cơ cao hơn mắc bệnh nghiêm trọng do Salmonella gây ra.

Phòng tránh nhiễm khuẩn Salmonella

TS Etter khuyến cáo, nếu nuôi thú cưng hoặc gia súc, mọi người tuyệt đối không nên hôn chúng. Đồng thời, luôn rửa tay sau khi tiếp xúc với thú cưng hoặc gia súc. Tốt nhất, hãy rửa hộp đựng thức ăn và nước của động vật trong bồn rửa hoặc bồn tắm.

Tuy nhiên, nếu phải sử dụng bồn rửa nhà bếp hoặc phòng tắm, hãy khử trùng khu vực này sau đó. Trong khi đó, theo TS Wiedmann, mọi người cần luôn nấu thịt ở nhiệt độ tối thiểu được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) khuyến nghị.

Ông nói: “Điều rất quan trọng là không chỉ dựa vào các giác quan, mà mọi người còn phải thực sự đo nhiệt độ”. Khi không ăn thực phẩm đã nấu chín, hãy bảo quản chúng trong tủ lạnh.

TS Wiedmann cho biết, để tránh làm ô nhiễm nhà bếp và các thực phẩm khác khi chế biến thịt sống, mọi người hãy sử dụng thớt và dụng cụ riêng. Hãy nhớ rằng, các gói chứa thịt sống có thể bị rò rỉ. Vì vậy, mọi người không nên cất chúng ở cùng khu vực với các thực phẩm khác.

Hoặc, hãy bọc chúng trong túi để bảo đảm vệ sinh. Sau khi nấu thịt sống, mọi người hãy rửa tay và khử trùng các bề mặt có thể đã bị ô nhiễm. Cuối cùng, điều quan trọng là không rửa thịt sống bằng nước trước khi nấu. Tiến sĩ Etter nói: “Cách làm đó chẳng có tác dụng gì, ngoại trừ việc lây lan vi khuẩn Salmonella ra khắp bồn rửa”.

Salmonella là loại vi khuẩn đường ruột không hình thành bào tử, chủ yếu di chuyển bằng roi quanh thân. Nhóm sinh vật hóa dưỡng này chủ yếu thu năng lượng từ các phản ứng oxy hóa khử, có khả năng tạo ATP bằng oxy khi có sẵn hoặc dùng các chất nhận điện tử hay lên men khi oxy không có sẵn.

Vi khuẩn Salmonella cũng là mầm bệnh nội bào tùy nghi, có thể xâm nhập vào nhiều loại tế bào khác nhau, bao gồm biểu mô, tế bào M, đại thực bào và tế bào đuôi gai. Bệnh gây ra từ loại vi sinh vật này được gọi là bệnh nhiễm khuẩn Salmonella, gây khó chịu cho dạ dày - ruột, sốt, tiêu chảy và đau quặn bụng.

Theo NY Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cùng Bộ Tư lệnh Binh đoàn B70 lên phương án chỉ đạo chiến dịch đường 9 – Nam Lào. Từ trái qua: Hoàng Phương, Lê Trọng Tấn, Võ Nguyên Giáp, Cao Văn Khánh, Phạm Hồng Sơn. Ảnh tư liệu.

Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn*

GD&TĐ - Trên tất cả các mỹ từ, nhân văn đức độ của một vị tướng như ông tỏa sáng như một bậc hiền nhân: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”.