Nhậu nhẹt quá đà ngày càng tăng mạnh là hiện tượng xã hội dễ nhận thấy. Việc nhậu nhẹt quá đà khiến nhiều người nhập viện, mang trọng bệnh là cũng là việc đáng báo động từ lâu.
Góc nhìn thẳng mời ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) để làm rõ hơn về hiện trạng này.
Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông, những con số gia tăng mạnh của doanh thu các ngành hàng như bia, rượu thời gian qua cho thấy rõ tình trạng nhậu nhẹt, đặc biệt là nhậu nhẹt quá đà gia tăng mạnh, từ góc độ y tế, ông có thế cho biết tình trạng này liên quan như thế nào đến bệnh tật, đến những ca cấp cứu nghiêm trọng do nhậu nhẹt thời gian qua?
Ông Nguyễn Huy Quang: Có thể nói hiện tượng sử dụng rượu, bia một cách quá đà có tác hại rất lớn về cả kinh tế lẫn sức khỏe con người.
Về kinh tế, tính riêng cho bia, một năm, chúng ta tiêu thụ 3 tỷ lít bia, tương đương 3 tỷ USD. Đây là tiền cá nhân chi trả cho khoản tiêu thụ này, nó tương đương với 3% GDP, đây là con số rất lớn.
Đó là chưa tính đến yếu tố mất thời gian, mất sức lao động, các chi phí khác do điều trị do uống nhiều gây bệnh. Như vậy, rõ ràng sử dụng nhiều bia gây tác hại lớn về kinh tế.
Về xã hội, tính riêng do tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia quá đà, không làm chủ được hành vi của mình đã gây ra từ 40-60% vụ tai nạn.
Có 68% các vụ bạo lực gia đình được ghi nhận là do sử dụng rượu, bia. 38% số vụ gây rối trật tự công cộng, đánh nhau, cãi nhau cũng do nguyên nhân sử dụng rượu, bia.
Như vậy, tác động về kinh tế, xã hội do lạm dụng rượu, bia là rất lớn, Ngoài ra, việc sử dụng rượu, bia quá đà con gây tác hại lớn đến sức khỏe con người, bệnh tật có nguyên nhân từ làm dụng rượu, bia là rất lớn.
Ông có thế cho biết hiện nay những loại bệnh nguy hiểm nào mà những người hay nhậu nhẹt quá đà thường mắc phải qua thống kê từ công tác khám chữa bệnh?
- Đầu tiên, người lạm dụng rượu, bia thì thường liên quan đến bệnh tâm thần. Người sử dụng rượu, bia không làm chủ được hành vi thường mắc các bệnh loạn thần, tức rối loạn về mặt tâm thần.
Thứ hai, người lạm dụng rượu, bia hay mắc các bệnh liên quan đến gan, đặc biệt là sơ gan cổ chướng. Thứ ba, việc lạm dụng rượu, bia cũng hay mắc các bệnh ung thư và thứ tư là nhóm các bệnh hô hấp, các bệnh tim mạch.
Ngoài ra, họ còn gặp phải tai nạn, thương tích dù có hay không chủ đích. Ví dụ như khi dùng quá nhiều bia rượu hoặc tự đi đâm người ta hoặc do chán đời thì tự mình đâm mình.
Trường hợp không chủ đích như điều khiện phương tiện giao thông nhưng do say quá, tự mình lao lên vỉa hè, hay lao xuống cống, chết người….Như vậy, lạm dụng rượu, bia gây tác hại lớn về bệnh tật.
Cũng từ thực tế điều trị, tình trạng tử vong trực tiếp do nguyên nhân từ say xỉn thời gian qua được ghi nhận thế nào, thưa ông?
- Mỗi bệnh viện của ngành y tế đều có báo cáo về Bộ Y tế về số liệu này ở các thời điểm như ngày lễ, ngày nghỉ, ngày Tết cũng như báo cáo số liệu chung hàng năm.
Tỷ lệ tử vong được nghi nhận tại các bệnh viện lớn ở thời điểm ngày nghỉ, ngày lễ khá là cao do nguyên nhân từ sử dụng rượu, bia. Các ca tử vong này thì chủ yếu là chấn thương sọ não, hoặc đa chấn thương.
Ngành y tế dự báo ra sao về tình trạng bệnh tật liên quan đến nhậu nhẹt quá đà trong thời gian tới, thưa ông?
- Các số liệu thống kê cho thấy rõ tỷ lệ sử dụng rượu bia gia tăng thời gian qua thì lệ thuận với sự gia tăng của bệnh tật mà người sử dụng phải gánh chịu còn ngành y tế có trách nhiệm chữa trị.
Chúng tôi rất mong với chiến lược và chính sách quốc gia của Chính phủ về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia cũng như những chính sách khác hiện chúng ta đang tích cực triển khai thực hiện sẽ được thực hiện tốt.
Và nếu chúng ta thực hiện tốt các giải pháp phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia thì nguy cơ tác hại của rượu, bia đối với kinh tế, xã hội, bệnh tật sẽ giảm hơn.
Xin cảm ơn ông Nguyễn Huy Quang về cuộc trao đổi.