Nữ chính ngây ngô
“Hành trình công lý” là bộ phim remake từ kịch bản gốc The Good Wife (Người vợ tốt) của Đài Truyền hình CBS (Mỹ). Trước đó, Hàn Quốc cũng từng rất thành công khi “Hàn hóa” kịch bản này và giữ nguyên tên gốc. Tại Việt Nam, phim được đổi tên thành “Hành trình công lý”.
Dù mới lên sóng chưa lâu nhưng phim đã nhận nhiều lời khen chê trái chiều. Trên trang fanpage của phim, nhiều khán giả cho rằng vai diễn của nữ chính Hồng Diễm (vai Phương) quá ngây ngô. Nhiều tình tiết dài dòng không được xử lý gọn gàng khiến khán giả mất kiên nhẫn.
Phim mở đầu với nỗi thống khổ của Phương, khi chồng cô - Hoàng (Việt Anh) bị lộ clip qua đêm với nhân tình, còn luôn miệng khen tiểu tam hơn hẳn vợ mình. Sau đó, quá khứ chẳng mấy trong sạch của Hoàng cũng bại lộ, đã vậy nhân tình của anh ta còn chết bất ngờ khiến Hoàng bị kết tội giết người.
Theo kịch bản gốc, Phương trở lại làm luật sư phần để gánh vác gia đình, nuôi các con, phần để tìm lại sự trong sạch cho người chồng đã phản bội mình.
Trong phim, Phương được xây dựng là một cựu luật sư tài năng. Trước khi nghỉ việc để chăm lo gia đình, cô từng tốt nghiệp đầu ra xuất sắc ở trường Luật, cũng từng làm việc ở nhiều cơ quan lớn và có danh tiếng trong ngành.
Ấy vậy mà khi trở lại công việc, Phương lại thường xuyên xử lý mọi vấn đề bằng cảm tính, đặt nặng vấn đề tình cảm thay vì lý trí. Thậm chí đôi khi còn quên luôn nguyên tắc cơ bản của một luật sư.
Ngay vụ án đầu tiên khi Phương trở lại với công việc, cô đã khiến khán giả khó giải thích. Thậm chí những người làm ngành luật còn cảm thấy bị “trêu đùa” khi mà Phương đã phản bội thân chủ của mình vì cho rằng anh ta không đúng.
Thậm chí Phương còn tạt cho thân chủ một gáo nước lạnh khi khiến anh ta thua đau trước đối phương cũng là em gái ruột - bị đơn trong cuộc tranh giành đất đai, tài sản của cha mẹ.
“Phản bội thân chủ là điều tối kỵ với luật sư, nếu chuyện này xảy ra ngoài đời thật, Phương hoàn toàn có thể bị tước thẻ luật sư, công ty cũng gặp nạn lớn. Với Phương, hào quang nữ chính là thứ khiến cô thành công chứ chẳng hề có thứ gọi là năng lực vượt trội như giới thiệu ban đầu”, một khán giả chia sẻ trên fanpage.
Nhiều khán giả cùng quan điểm: “Phương được giới thiệu từng là luật sư giỏi mà vụ nào cũng tin vào linh cảm, suy nghĩ, lập luận đơn giản. Đi tìm nhân chứng thì sơ hở. Không biết biên kịch định xây dựng hình mẫu nữ chính như thế nào”. “Luật sư giỏi mà lại đứng trình bày vụ án cho lễ tân để xin chứng cứ. Khó hiểu quá”, “Nhân vật Phương ngày càng chán, đến khách sạn xin trích xuất camera, còn đút lót cho lễ tân”, “Phương hành động vô lý hết lần này đến lần khác”...
Một bộ phận khán giả khác nhận định có thể dụng ý của biên kịch muốn lột tả việc Phương gặp khó khăn khi quay lại công việc sau 10 năm nghỉ làm nội trợ. Hơn nữa, biến cố gia đình khiến cô trở nên nhạy cảm hơn. Từ đó, dẫn đến hành động cảm tính, cảm xúc lấn át lý trí.
Tuy nhiên, nhiều khán giả cũng cho rằng, ngoài việc Phương cảm tính, vô lý là diễn xuất chưa tới của Hồng Diễm. Không thể phủ nhận việc Hồng Diễm là một diễn viên xuất sắc, nhất là khi đóng những nhân vật là người phụ nữ của gia đình, bất hạnh, khổ sở. Nhưng với vai luật sư mạnh mẽ, kiên cường, cô còn khiến khán giả cảm thấy lấn cấn.
Dàn diễn viên phim 'Hành trình công lý'. |
Những tình tiết cũ kỹ, nhàm chán
“Hành trình công lý” là bộ phim Việt hóa được chuyển thể từ kịch bản gốc “The Good Wife” của Đài Truyền hình CBS, xoay quanh chuyện Phương - người từng bỏ sự nghiệp, chấp nhận làm nội trợ trong hơn chục năm - trở lại với công việc luật sư, mạnh mẽ khẳng định giá trị bản thân. Trên hành trình này, cũng chính Phương tìm lại công lý cho người chồng bị cáo buộc sát hại nhân tình.
Suốt 20 tập, khán giả nhận thấy, bộ phim gần như chẳng giải quyết được vấn đề gì. Mâu thuẫn gia đình vô cùng căng thẳng, ngày nào cũng chỉ quanh quẩn chuyện con cãi cha, vợ căm hận chồng, mẹ chồng khuyên con dâu hàn gắn...
Những vấn đề muôn thuở ở phim truyền hình Việt này khiến một kịch bản lẽ ra là khá mới mẻ trên sóng truyền hình Việt bỗng dưng lại trở nên cũ kỹ, nhàm chán và nhìn đâu cũng chỉ thấy những tranh cãi, thậm chí còn rất mệt mỏi. Trong khi, điều mà khán giả đang mong chờ lại chính là vụ án của Hoàng có bị oan không?
Bên cạnh đó, nhân vật Khang cũng gây nhiều tranh cãi. Khang có nhiều chuyển biến về tâm lý và thu hút sự chú ý của khán giả sau hàng loạt phản ứng với bố, có thái độ và lời nói khiến Hoàng đau lòng dù xưa nay anh hết mực thương con. Trên các diễn đàn phim, Khang hứng nhiều chỉ trích và tạo tranh cãi.
“Là con nhưng lại muốn mình lên làm bố, chả hiểu luôn. Xem nhân vật này rất là ức chế; Xây dựng nhân vật con không thể chấp nhận được thế này mà để bọn trẻ con xem phim thì hỏng cả một thế hệ”; “Nhân vật Khang hỗn quá không thích”... là những chỉ trích của khán giả.
Tuy vậy có khán giả vẫn bênh vực nhân vật này: “Khang đã hình tượng người bố hoàn hảo quá nên khi hình tượng sụp đổ, bạn ấy bất ổn như vậy là hợp lý mà, sao mọi người cứ chê nhân vật này nhỉ”.
Ngoài ra, nhân vật xuất hiện bên cạnh Phương là Quân - cậu bạn toàn năng, người dường như đang có tình cảm với cô bạn của mình. Nhờ có Quân, Phương mới thuận lợi trở lại với công việc. Cũng nhờ có Quân, mọi khúc mắc của Phương đều được giải quyết.
Thậm chí Quân còn giúp cô cả những công việc trong gia đình. Quân xuất hiện trong phim chẳng để lại dấu ấn gì ngoài việc đến để giải vây cho Phương cứ như thể một “ông bụt”.
Cách Quân xuất hiện rất giống sự xuất hiện của vô số nam chính phim truyền hình Việt khác. Đó là một chàng trai hoàn hảo đến bên đời người phụ nữ đổ vỡ hôn nhân, bù đắp cho cô ta sau những tổn thương, bất hạnh.