Phim truyền hình “Hướng dương ngược nắng”: Phi lý vẫn... hút khán giả

GD&TĐ - Hướng dương ngược nắng đang “làm mưa làm gió” trên sóng giờ vàng của Đài THVN (VTV), bất chấp khán giả nhiều lần “nhai sạn” và chỉ ra quá nhiều điều phi lý.

Poster phim “Hướng dương ngược nắng”.
Poster phim “Hướng dương ngược nắng”.

Nhiều tình tiết phi lý

“Hướng dương ngược nắng” là câu chuyện về Minh, cô gái phố núi sinh ra không biết cha mình là ai. Minh có cậu em sinh đôi luôn gây chuyện và một người mẹ sống đời phù phiếm, vô trách nhiệm.

Khi Minh biết được nguồn gốc của mình cũng là lúc cha cô qua đời, để lại gia sản khổng lồ cùng vấn đề người thừa kế gia tộc họ Cao.

Tới lúc này Minh mới biết mình còn có thêm ông nội, hai chị em gái cùng cha khác mẹ, và một người phụ nữ quyền lực là vợ chính thức của cha mình.

Ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, bà ta đã xếp Minh vào hàng đối thủ. Cuộc chiến trong gia tộc phức tạp và nhiều biến cố đã rèn luyện Minh thành cô gái bản lĩnh, dám gánh vác, bảo vệ những gì cô cho là quan trọng, và tìm kiếm được hạnh phúc của riêng mình.

Tạo hình của diễn viên Thu Hà trong Hướng dương ngược nắng.
Tạo hình của diễn viên Thu Hà trong Hướng dương ngược nắng.

Bộ phim chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả khi xây dựng nên một câu chuyện hấp dẫn về cuộc chiến trong gia tộc họ Cao. Cuộc tranh đấu giữa bà “chính thất” Bạch Cúc với phe “nhân tình” Diễm Loan trong việc khẳng định quyền lực và bảo vệ hạnh phúc gia đình rất gần gũi với đời thường.

Nhiều người cho rằng, trong hai nhân vật này có bóng dáng của nhiều người phụ nữ.

Mỗi tập phim đều có tiết tấu nhanh gọn, nhiều kịch tính, nhiều mâu thuẫn, trong bi có hài, trong hài có bi. Nét diễn xuất tự nhiên và “có nghề” của các nghệ sĩ như: NSƯT Đức Trung, NSND Thu Hà, Vân Dung, Việt Anh, Hồng Đăng, Doãn Quốc Đam… cũng tạo thêm cho phim những điểm cộng.

Kịch bản do Thu Thủy, Minh Ngọc và Quỳnh Thy viết. Tuy nhiên, phim vẫn có những điểm trừ. 

Khán giả Hà Thu Thủy (Hà Nội) chia sẻ: Bên cạnh những điểm cộng thì Hướng dương ngược nắng lộ ra những nhược điểm như dài dòng, tình tiết lặp lại, không ít điểm vô lý. Điều này khiến không ít khán giả tranh cãi nảy lửa, thậm chí còn chỉ trích biên kịch, nhà sản xuất vì “câu tập” làm cho khán giả mệt mỏi khi theo dõi.

“Hướng dương ngược nắng” như “Cô dâu 8 tuổi” vì lời thoại vòng vo, tình huống thì phi lý, chậm chạp. Đặc biệt là phân đoạn Châu và Phúc ở trên núi lòng vòng, không thấy chi tiết nào đắt giá.

Một số người xem cũng chỉ ra, phim có quá nhiều chi tiết phi lí như nhân vật Trí (Đình Tú) chỉ vì một tờ giấy xét nghiệp ADN chưa biết giả thật thế nào và cũng không thèm hỏi ai nhưng khi bị xui cho thuốc trừ sâu bón vườn thảo dược cũng cắm cúi làm. Gây ra thiệt hàng hàng chục tỉ đồng cho tập đoàn xong xem mọi chuyện nhẹ nhàng như không, không thấy ăn năn, hối hận gì.

Nhân vật Minh (Lương Thu Trang) cứ như sinh ra để “giải cứu cả thế giới”: Bảo vệ mẹ, chăm sóc em trai, cứu cả tập đoàn, làm điều chính nghĩa… Cả một tập đoàn hùng mạnh trên thị trường dược phẩm, các đối thủ lớn còn phải dè chừng mà Minh - một dược sĩ từ trên núi xuống vừa vào làm việc một tháng đã tìm ra đủ các vấn đề khuất tất, rồi xử lý khủng hoảng truyền thông.

Ở phần 1, Minh không chiếm được thiện cảm của khán giả. Thậm chí, nhiều người cho rằng biên kịch đã xây dựng một cách thái quá nhân vật Minh.

Thêm một điểm được cho là phi lý khi một người sừng sỏ như bà Bạch Cúc (NSND Thu Hà), 40 năm chinh chiến thương trường, người trong giới ai cũng nể vậy mà bị Minh “bắt thóp” lần này đến lần khác.

Hay như ở tập 13, ông Cao Phan (ông nội) đã dùng điện thoại của mình gọi Minh Ngọc (con bà Bạch Cúc) đến cho Minh (con bà Diễm Loan) dằn mặt.

Hồng Đăng và Việt Anh là những diễn viên được đông đảo khán giả yêu thích.
Hồng Đăng và Việt Anh là những diễn viên được đông đảo khán giả yêu thích.

Chi tiết này bị nhiều người đánh giá không hợp lý, bởi một thương nhân “sừng sỏ” như ông Phan không bao giờ hành xử cảm tính như thế. Và hơn ai hết, ông Phan biết quá rõ tính cách của bà Bạch Cúc cho nên ông không thể thách thức con dâu mình.

Nhìn ở một góc rộng hơn, chi tiết này cũng bị xem là cổ súy cho con riêng của “tiểu tam” làm những việc không phải.

Chi tiết bà Diễm Loan một mình xông vào tư dinh nhà họ Cao để tìm con trai mà thực chất là để vòi tiền bà Bạch Cúc cũng rất khó chấp nhận.

Với một biệt thự bề thế, lắm kẻ hầu người hạ như thế thì bà Loan không thể dễ dàng đột nhập vì có hệ thống camera theo dõi. Thêm vào đó, bà Diễm Loan luôn có một nỗi sợ cố hữu đối với bà Bạch Cúc nên không thể tự đắc mang phận “tiểu tam” để lên giọng với bà Bạch Cúc.

Dù thân thế các nhân vật đã rõ, phim diễn biến chậm, trong khi vẫn còn nhiều tình tiết bí ẩn, chưa rõ ràng. Khán giả thắc mắc nguyên nhân Hoàng tìm mọi cách hạ gục tập đoàn Cao Dược, khi nào bố con Vỹ phải trả giá vì hãm hại Châu, gây sóng gió cho tập đoàn. 

Trong nhóm bàn luận về phim, nhiều khán giả chê tác phẩm dài dòng. “Biên kịch đã đi nước cờ quá lan man, không lối thoát, mãi khai thác sự dại trai của bà Loan và sự ngu dốt của Trí. Cái người xem cần trả lời là: Cao Dược sẽ làm gì để vượt qua khủng hoảng? Bố con Vỹ bao giờ bị bắt.

Châu trở về đối diện với thực tại chứ không phải trốn tránh trên núi với Phúc. Minh đứng giữa Hoàng và Phúc, Châu nói thích Phúc nhưng vẫn âm thầm nhớ kỷ niệm với Kiên - người từng phản bội cô”, một khán giả nhận xét trong nhóm bình luận về phim. 

Một chi tiết khác khiến người xem cảm thấy thừa là các phân cảnh hồi tưởng, kèm theo nhạc phim. Những đoạn hồi tưởng tình cảm của Châu - Kiên lặp đi lặp lại. Trong tập mới nhất, Hoàng (Việt Anh) cũng có cảnh quay chậm khi nhớ lại những kỷ niệm với Minh từ đầu đến cuối.

Chưa kể đến, khán giả đã bắt đầu mệt mỏi với những phân đoạn quảng cáo xuất hiện ngày càng nhiều ngay trong nội dung phim. Cụ thể, đạo diễn và biên kịch đã để các sản phẩm quảng cáo len lỏi vào kịch bản phim với tần suất nhiều tới mức khán giả “phát bực”.

Thậm chí, hình ảnh của sản phẩm cùng tên thương hiệu được quay khá rõ nét trong rất nhiều cảnh quay. Chính điều này đã khiến một số khán giả phản hồi ngay trên fanpage của phim.

Vì sao vẫn hút khán giả?

Hình ảnh Doãn Quốc Đam và Hồng Diễm trong “Hướng dương ngược nắng”.
Hình ảnh Doãn Quốc Đam và Hồng Diễm trong “Hướng dương ngược nắng”.

Phần 2 của “Hướng dương ngược nắng” vướng không ít tranh cãi vì các tình tiết phim dài dòng, không giải quyết dứt khoát. Nhưng lạ lùng thay, phim vẫn hút khán giả xem từng tập. 

Bà Nguyễn Hương Thu – Viện Nghiên cứu văn hóa chia sẻ: Có thể nói, “Hướng dương ngược nắng” hội tụ nhiều yếu tố để trở thành một “bom tấn truyền hình”. Đầu tiên, phim sở hữu nội dung lôi cuốn khi lấy đề tài gia đình gần gũi với người xem nhưng lại mở rộng ra ở nhiều phương diện khác nhau: Mâu thuẫn tình thân, cuộc chiến thương trường, con ruột, con thứ...

Ngoài ra, thay vì chọn các hình tượng nhân vật nam như các phim khác, tác phẩm lại lấy chuyện “nữ cường” làm trung tâm. Đó là những con người mạnh mẽ như Bà Cúc, Châu, Minh.

Bên cạnh đó, phim dẫn dắt người xem bởi các yếu tố tò mò ở những phân đoạn cuối mỗi tập, khiến khán giả nôn nóng muốn biết tình tiết tiếp theo.

Thêm nữa, phim được đánh giá là ra mắt đúng thời điểm. Bởi đây là khoảng thời gian không có quá nhiều phim chất lượng để so sánh. Chính vì vậy, “Hướng dương ngược nắng” dường như ít bị cạnh tranh, không có đối thủ.

Không ít khán giả bình luận trên fanpage phim rằng, “Hướng ngược nắng” có nội dung khó đoán và không để lường trước điều gì. Chẳng hạn như việc ban đầu 2 nhân vật Trí và Minh là cặp sinh đôi nhưng sau đó lại cùng mẹ khác cha.

Như vậy, cho thấy biên kịch đã thành công trong việc xây dựng một kịch bản có ý đồ, đánh đố khán giả và khiến họ đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác.

Thêm vào đó, “Hướng dương ngược nắng” là bộ phim có sự đầu tư bối cảnh nghiêm túc với nhiều đại cảnh như sông, núi nên thơ, cảnh quay đẹp mắt.

Bộ phim nào cũng sẽ có những ý kiến khen chê khác nhau. Tuy nhiên, khách quan mà nói thì “Hướng dương ngược nắng” là bộ phim ít ý kiến trái chiều nhất. Những chi tiết mọi người bàn tán là theo góc độ cảm nhận cá nhân chứ không phải theo quy chuẩn xã hội.
Dĩ nhiên, ê-kíp cũng sẽ lắng nghe để có sự điều chỉnh phù hợp hơn. Chính vì những phản hồi của khán giả sẽ giúp nhà làm phim nhìn nhận và rút được nhiều kinh nghiệm để khắc phục cho những tác phẩm tiếp theo. Đạo diễn Vũ Trường Khoa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...