Những đề tài phim mới lạ trên sóng truyền hình

GD&TĐ - “Anh có phải đàn ông không?” của đạo diễn Trịnh Lê Phong mới lên sóng. Đây là một đề tài chưa nhiều bộ phim truyền hình khai thác. Đặc biệt, phim có sự tham gia của dàn diễn viên quen tên được khán giả yêu mến.

Ba nam chính trong phim.
Ba nam chính trong phim.

Như một lời trách ngầm

“Anh có phải đàn ông không?” lên sóng VTV3 sau khi “Mặt nạ gương” kết thúc. Bộ phim thuộc thể loại tâm lý xã hội của đạo diễn Trịnh Lê Phong. Phim khai thác các mâu thuẫn trong mối quan hệ gia đình, những góc khuất của hôn nhân, tình yêu trong xã hội hiện đại với những góc nhìn mới lạ.

Bộ phim còn mang đến cho khán giả góc nhìn thú vị và có phần hài hước về những người đàn ông tưởng đơn giản, xù xì, vụng về, đôi khi còn bị gọi là những “đứa trẻ to xác” nhưng cũng đầy trăn trở. Phim là thế giới thu nhỏ của những người đàn ông. Đây vốn là một đề tài chưa nhiều bộ phim truyền hình khai thác.

Sức hút của bộ phim đến từ những câu chuyện đời thường, câu chuyện gia đình tưởng chừng như ai cũng gặp và nhiều tình huống hài hước kịch tính. Qua đó “Anh có phải đàn ông không?” gợi cho khán giả nhiều suy ngẫm.

Đó là những câu chuyện xoay quanh cuộc sống gia đình, công việc, sự nghiệp của ba người đàn ông Tuấn Khang, Duy Anh và Nhật Minh. Tuấn Khang là anh chàng đẹp trai, giàu có, thông minh, tôn sùng chủ nghĩa độc thân. Tuy nhiên, sau biến cố gia đình, Khang tay trắng, phải tự mình đi tìm việc kiếm sống.

Duy Anh thì chấp nhận 18 năm làm nội trợ trong nhà để vợ yên tâm phấn đấu cho sự nghiệp. Biến cố xảy ra khi bố mẹ Duy Anh phát hiện ra sự thật về người con trai vẫn luôn tự hào, hóa ra sống phụ thuộc kinh tế vào vợ. Còn hàng xóm của Duy Anh là Nhật Minh luôn nỗ lực để được thăng chức, có mức lương tốt, gia đình hạnh phúc nhưng cuộc sống không thuận lợi khiến anh trở nên khó tính, cáu bẳn…

Xung quanh ba người đàn ông là những người phụ nữ như mẹ, vợ, bạn gái, đồng nghiệp… cùng họ trải qua hành trình thay đổi. Đồng thời nhận ra những giá trị của cuộc sống để sống có trách nhiệm, xứng đáng hơn.

Cuối cùng, Duy Anh từ một người đàn ông luôn bằng lòng với mọi thứ, không có chí tiến thủ, đánh mất bản thân mình sau khi kết hôn nhận ra điều quan trọng nhất trong cuộc sống chính là phải sống có mục tiêu, có vạch đích.

Nhật Minh từ một người đàn ông cố chấp phải học cách thay đổi bản thân, quan tâm tới cảm xúc của người khác. Và Tuấn Khang trưởng thành hơn và tìm lại được niềm tin vào tình yêu. Cuối cùng, những chàng trai nhận ra hạnh phúc đôi khi là bớt cái tôi của mình, để thêm cái chúng ta.

Dưới bàn tay của đạo diễn Trịnh Lê Phong, phim lột tả sắc nét thế giới đàn ông qua góc nhìn của chính họ. Ở đó, có những câu chuyện đầy cay đắng, đau thương, mất mát, nhưng cũng hài hước, thú vị và tràn đầy tình yêu thương. Những người đàn ông trong phim nếm trải đủ vị chua, cay, mặn, đắng của cuộc đời, song họ vẫn luôn lạc quan, yêu đời và tích cực.

Và vì thế, “Anh có phải đàn ông không?” là một câu hỏi vừa trách móc, và còn là thách thức đối với những người đàn ông. Phim có sự tham gia của dàn diễn viên quen tên được khán giả yêu mến. Đặc biệt là bộ ba gương mặt nam sáng giá trên truyền hình gần đây. Đó là Nhan Phúc Vinh trong vai Tuấn Khang, Tuấn Tú trong vai Duy Anh và Hà Việt Dũng đảm nhiệm vai Nhật Minh.

Bên cạnh họ là những nữ diễn viên có diễn xuất biến hóa, thú vị như Thúy An, Việt Hoa, Quỳnh Kool, Thanh Hương, Mai Ngọc… “Anh có phải đàn ông không?” cũng đánh dấu sự trở lại phim truyền hình của MC Đan Lê.

Dàn diễn viên phim “Anh có phải đàn ông không”.

Dàn diễn viên phim “Anh có phải đàn ông không”.

Thông điệp giáo dục từ hình ảnh tuổi mới lớn

Ngoài nội dung về những người đàn ông, phim còn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc về cách ứng xử của người trẻ tuổi, cách dạy con ở tuổi ẩm ương… Trong phim, nhiều bạn trẻ cũng sẽ thấy một phần của mình trong đó, đặc biệt là thông qua nhân vật tên Thùy Dương do Jenna Anh Phương (tên thật Trần Hoàng Anh Phương) thủ vai. Đây là con gái lớn của Duy Anh (diễn viên Tuấn Tú) và Thùy Dung (Thúy An) đang học lớp 12.

Thùy Dương qua sự thể hiện của Jenna Anh Phương đã cho thấy tính cách ẩm ương của một cô bé tuổi mới lớn, ham chơi hơn ham học. Cô bé này còn khiến khán giả bực tức vì tỏ thái độ hỗn xược với người lớn.

Đặc biệt, Thùy Dương trong phim cho thấy là cô con gái khinh thường bố vì không chịu ra ngoài kiếm tiền mà ở nhà làm nội trợ, mọi việc trong gia đình đều do mẹ quyết định. Khi xin tiền đóng học, Dương nói với mẹ dù xin bố thì bố cũng bảo sẽ xin mẹ thì thà xin thẳng mẹ cho xong. Bạn bè rủ đi chơi, Dương cũng nói phải xin mẹ chứ không hề nhắc đến bố. Thậm chí, cô đi học về nhìn thấy bố cũng không chào.

Đỉnh điểm khi bị bố mắng vì tụ tập bạn bè, gây phiền toái cho hàng xóm, Thùy Dương nói thẳng mặt với bố: “Con sai nhưng đâu đến mức bố phải nói con mất dạy. Bố cũng nói dối ông bà đấy thôi. Bố đừng có mắng con. Bố nhìn lại mình đi xem bố đang mặc gì. Nếu bố muốn ông bà tự hào thì sao bố không ra ngoài làm kỹ sư, làm giám đốc mà suốt ngày quanh quẩn ở nhà làm bếp núc như người giúp việc thế”.

Khi bị mẹ phát hiện hành vi hỗn hào với bố, Thùy Dương bị phạt phải vào bếp làm những công việc thường ngày thay bố như dọn nhà, rửa bát chén, gấp quần áo, cho em trai ăn… Tuy nhiên, được bố chiều từ bé tới lớn, Thùy Dương rửa mãi bát chén không xong, lại còn làm rơi vỡ. Duy Anh thương con lại bắt tay vào giúp vì sợ con gái không có thời gian học bài.

Qua những tập đầu tiên, Jenna Anh Phương đã để lại ấn tượng bởi hình ảnh Thùy Dương khá giống với nhiều cô gái tuổi mới lớn ngoài xã hội, được bố mẹ nuông chiều quá mức dẫn tới những việc nhỏ nhặt trong gia đình không biết làm.

Thái độ sống và cách ứng xử với mọi người xung quanh của Thùy Dương cũng thiếu chuẩn mực dù bố mẹ vẫn chỉ bảo, dạy dỗ thường xuyên.

Theo chia sẻ của Jenna Anh Phương, nhân vật Thùy Dương trong phim là vai diễn đầu tiên của cô ở thể loại phim truyền hình. Thùy Dương đang ở tuổi mới lớn, có sự nổi loạn, thích được tự do. Thùy Dương cũng là người có cá tính mạnh mẽ và có phần ương bướng. Càng về sau, mọi người sẽ càng hiểu và thông cảm cho nhân vật này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ