Nhập nhèm trong cấp bò dự án giảm nghèo ở Điện Biên?

GD&TĐ - Cuối năm 2023, 18/22 xã của huyện Điện Biên (Điện Biên) đồng loạt triển khai dự án cấp bò sinh sản cho dân.

Anh Giàng A Hồng bên cặp bò mới được cấp.
Anh Giàng A Hồng bên cặp bò mới được cấp.

Phản ánh của phụ huynh học sinh đến Báo GD&TĐ cho biết, 18/22 xã của huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên vừa đồng loạt thực hiện dự án cấp bò giống sinh sản cho hộ nghèo. Thế nhưng, không ít người phải ngậm ngùi nhận bò già, bò gầy, yếu…

“Đầu voi đuôi chuột”

Cuối năm 2023, 18/22 xã của huyện Điện Biên (Điện Biên) đồng loạt triển khai dự án cấp bò sinh sản cho dân. Có 2 nguồn vốn được sử dụng cho dự án này gồm: Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Mục tiêu của hai chương trình này là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu; đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững...

Thông tin từ UBND huyện Điện Biên cho biết, 18 xã trong huyện đầu tư mua 2.174 con bò cái sinh sản để cấp cho các hộ nghèo.

Xã Mường Pồn, huyện Điện Biên là 1/18 xã triển khai dự án này. Anh Giàng A Hồng ở bản Huổi Un, xã Mường Pồn được các hộ nằm trong diện thụ hưởng chương trình hỗ trợ bò bầu làm trưởng nhóm. Công việc của anh Hồng ở nhóm thụ hưởng này là cầu nối để tiếp thu chỉ đạo từ phía UBND xã rồi phản ánh đến các hộ thụ hưởng và ngược lại.

Theo anh Hồng, nhóm do anh quản lý có 19 hộ được thụ hưởng (11 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo, 2 hộ thoát nghèo được 3 năm, 1 hộ tham gia tổ chức chính trị xã hội và 1 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi). Theo chủ trương, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 2 con bò giống sinh sản.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Điện Biên cho biết, để thực hiện chương trình này, nhóm hộ sẽ được thành lập và tự đề xuất nhu cầu đầu tư. Trên cơ sở đó, nhóm hộ tổng hợp đề xuất và trình UBND xã, xã sẽ trình UBND huyện. Khi được huyện nhất trí, UBND xã sẽ đứng ra làm chủ đầu tư để triển khai. Tuy nhiên, anh Hồng cho biết, bản thân anh chỉ biết khi xã báo về.

“Khi có dự án, xã báo lên đi chọn bò thì đi chọn. Chắc trưởng bản, bí thư đi họp nên người ta có ý kiến lên xã thôi... Người ta mang bò lên, xã báo đến xem thì chúng tôi đi xem. Trại bò ở Khu du lịch sinh thái Him Lam. Hỏi thì người ta bảo công ty lớn ở bên Lào Cai”, anh Hồng nói.

Theo anh Hồng, bản thân anh không được tham gia đàm phán về giá bò với nhà cung ứng. Ban đầu, anh được bố trí cùng cán bộ thú y xã đi chọn bò. Khi đến xem bò, bản thân anh cũng chỉ nghe giới thiệu sơ qua về thành phần nên cũng không biết ai với ai.

“Lần đầu đi chọn, thấy bò gầy, yếu, các hộ dân đã không đồng tình. Nhưng các bên đã động viên theo kiểu gượng ép cho xong. Bà con phản ánh là bò gầy quá. Họ bảo chỉ có thế thôi! Phải lấy thôi. Nhà nước đã cho không con bò thì cứ lấy. Doanh nghiệp nói thế, các lãnh đạo ở trên xã cũng nói thế. Người ta chỉ bảo là: Bò cũng chỉ có thế này thôi. Lần đầu đi chọn thì dân chê bò gầy quá, không lấy”, anh Hồng kể.

Dấu hiệu dường như 2 chiếc sừng đã bị ai đó cưa đi.

Dấu hiệu dường như 2 chiếc sừng đã bị ai đó cưa đi.

Cưa sừng… làm nghé

Lần đầu cấp giống cho các hộ dân ở bản Huổi Un không thành. Đến lần thứ 2, không rõ vì lý do gì mà các bên không cho tất cả các hộ thụ hưởng đi chọn như lần trước. Thay vào đó chỉ là đại diện nhóm trưởng và số ít hộ đi kèm.

“Lần thứ 2 họ bảo: Thôi đừng cho dân đi nữa. Em với đại diện 2 - 3 hộ đi thôi!”. Họ nói thế thì em với một hộ đi thôi. Họ bảo: Thôi, Nhà nước cho thì mình cứ lấy, không thì người ta thu hồi vốn về thì mất không, dân mình đã khổ rồi, cho thì cứ phải nhận thôi. Về nhà kể cả có biết ăn hay không, cứ cho nó ăn thì dần dần nó sẽ biết ăn”, anh Hồng cho biết.

Theo anh Hồng kể thì anh chưa hề tiếp cận một công văn chỉ đạo cụ thể nào từ các cấp chính quyền về chương trình này. Cán bộ xã chỉ gửi thông tin cho biết mỗi con bò được cấp đợt này có trọng lượng là 202kg với giá trị là 21 triệu đồng. Trong khi lúc đi xem bò và cấp bò đều không có ai đứng ra cân đo từng con.

“Xã gửi thông tin qua Zalo thôi chứ không cân, đo. Thích thì cứ chọn xong họ gửi vào thôi. Lúc cấp ở bản thì họ cũng không cân. Họ bảo: “Bò chỉ có thế này thôi!” nên các hộ tự chọn mỗi nhà 2 con, 1 con đẹp và 1 con xấu (1 con non, 1 con già). Kể cả bốc số thì kiểu gì cũng có hộ không nghe vì chẳng may họ bốc được 2 số đều là con già chẳng hạn. Vì thế cũng không bốc số nữa”, anh Hồng nói.

“Khi được động viên, người dân “nhắm mắt bịt tai” nhận bò rồi thì lại thêm lo.

Những con bò già thì sợ chưa hết dự án nó đã chết rồi thì lại mất không. Lúc đấy sợ lại mang tiếng là đã cho rồi mà dân không chịu nuôi”, anh Hồng trăn trở.

Với vai trò là nhóm trưởng vì có tham gia công tác xã hội nên gia đình anh Hồng cũng được hỗ trợ 1 cặp bò sinh sản. Chưa rõ về cân nặng thế nào, nhưng thực tế quan sát thì nhận thấy 2 con khác nhau một trời một vực.

8 răng hàm dưới của con 'bò xấu' đã mòn sâu trông thấy.

8 răng hàm dưới của con 'bò xấu' đã mòn sâu trông thấy.

Con “xấu” (theo cách gọi của anh Hồng) thì gầy trơ xương. Anh Hồng bảo con này kém ăn, mang về mấy ngày nhưng thức ăn mang ra hầu như nó chỉ ăn cho có. Không hiểu vì lý do gì mà hai chiếc sừng trên đầu con bò “xấu” của gia đình anh Hồng có dấu hiệu như thể bị ai đó cưa đi. Nhưng 8 chiếc răng hàm dưới bị khuyết tròn thì cũng không thể che giấu được sự già nua của nó.

Sau khi xem hình ảnh chụp hàm răng của con bò “xấu”, một cán bộ thuộc Phòng NN&PTNT huyện Điện Biên nhận định: Con bò này có tuổi đời không dưới 5 năm vì các hàng răng của nó đã bị mòn sâu. Nghĩa là không đảm bảo để làm giống sinh sản khi cấp. Bởi theo yêu cầu của dự án, bò giống phải có tuổi đời từ 18 - 24 tháng tuổi.

Trước khi triển khai dự án, ngày 25/10/2023, Phòng NN&PTNT huyện Điện Biên ban hành Công văn 567 về việc “cung cấp” thông tin cho các xã trên địa bàn. Công văn trên chỉ giới thiệu duy nhất 1 đơn vị có “năng lực” cung ứng giống gia súc là Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Đại Thành (Lào Cai).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ