Thời gian vừa qua, nhiều vụ cán bộ cấp xã, cấp thôn bị xử lý do sai phạm liên quan đến việc hỗ trợ sai đối tượng, sai mục đích hoặc ăn chặn tiền hỗ trợ, ủng hộ của người dân đã bị xử lý. Báo chí cũng đưa tin khá rộng rãi, hầu mọi người đều biết, vì thế những cán bộ liên quan trong vụ việc này không thể không biết về hậu quả nếu bị phát hiện.
Chính vì vậy, khi xảy ra vụ việc này xã hội lại càng có lý do để lo ngại về đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ cơ sở. Nguyên nhân là mặc dù nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật, có cả truy cứu hình sự ở các vụ việc trước đó nhưng các sai phạm tương tự vẫn tiếp tục tái diễn, thậm chí còn ngang nhiên, táo tợn hơn!
Vấn đề ở đây không chỉ là lợi ích về vật chất đơn thuần mà còn ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức của những cán bộ liên quan đều quá yếu kém, nhất là ý thức chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật.
Thực tế ở vùng này chưa phải là vùng sâu, vùng xa, biệt lập với bên ngoài để có thể nói là cán bộ cơ sở ở đây chưa nắm bắt được tin tức về việc xử lý các vụ vi phạm trước đây mà “điếc không sợ súng”. Về phía người dân thì không thể nói là do trình độ dân trí hạn chế đến mức chính quyền có thể che giấu, lừa dối được họ.
Lý do, nếu không quá lời trong trường hợp này là pháp luật chưa đến được với cán bộ cơ sở! Bởi vì, nếu nhận thức được pháp luật, biết “sợ” pháp luật thì không cán bộ, công chức nào hành xử như vậy, vì trong trường hợp này quá lộ liễu, rất dễ bị phát hiện. Trong khi công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, lan rộng và khá nóng như hiện nay!
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần phải có biện pháp xử lý quyết liệt, nghiêm khắc đối với những cán bộ có liên quan. Điều này không những chấn chỉnh, xử lý đối với các tập thể, cá nhân vi phạm mà còn nhằm làm gương, răn đe, phòng ngừa các trường hợp vi phạm tương tự về sau./.