Cho hộ nghèo "cần câu"...
Gia đình bà Bùi Thị Vinh (xóm Hạ) và ông Bùi Văn Bình (xóm Xàm) xã Phú Lai huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình được hỗ trợ bò giống từ dự án 2 - Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. Nhờ áp dụng kỹ thuật trong chăn nuôi, phòng, chống dịch nên bò phát triển tốt và đến kỳ sinh sản.
Bà Bùi Thị Vinh cho biết: “Gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò sinh sản từ tháng 6/2023. Con bò là tài sản lớn nên gia đình tôi tập trung chăm sóc, để bò phát triển tốt, đến kỳ sinh sản còn chuyển tiếp cho các hộ nghèo khác. Đây là hy vọng giúp gia đình cũng như các hộ nghèo trong xóm có thêm điều kiện phát triển kinh tế, xoá nghèo bền vững”.
“Sau khi nhận bò giống, tôi chăm sóc cẩn thận theo hướng dẫn của ngành thú y để bò có thể phát triển, sinh sản tốt. Hàng ngày, tôi lên nương rẫy cắt cỏ và chặt cây chuối rừng cho bò ăn. Tôi mong muốn, bò phát triển tốt, sớm sinh sản ra bê cái để gia đình tôi có thêm động lực phát triển kinh tế”, bà Vinh nói.
Theo bà Vinh, do không có thu nhập ổn định nên bà phải đi làm thuê, cuộc sống khó khăn. Khi Nhà nước cấp bò giống để nuôi, gia đình bà rất vui mừng nên cố gắng chăm sóc để làm vốn liếng sau này. Việc chăn nuôi bò phù hợp với điều kiện tại địa phương, thức ăn cho dễ kiếm nên chi phí đầu tư, chăm sóc không đáng kể.
Chính sách giảm nghèo được huyện Yên Thuỷ triển khai đồng bộ, thường xuyên với nhiều nội dung, hình thức thiết thực phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế địa phương. Các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn được tạo điều kiện tiếp cận tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất thông qua hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, các lớp tập huấn… Cùng với đó, người dân được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế.
Ông Bình vui mừng khi nhận được bò giống phát triển kinh tế. |
Ông Bùi Văn Bình chia sẻ: “Gia đình tôi hoàn cảnh khó khăn. Dù chăm chỉ làm nương rẫy những cái nghèo vẫn bủa vây. Do gia đình đông con và thu nhập bấp bênh nên không có vốn liếng để đầu tư phát triển kinh tế. Khi được Nhà nước hỗ trợ bò giống phát triển kinh tế, tôi vui mừng lắm. Nuôi bò ở xóm tôi rất hợp lý, vì cỏ dại mọc nhiều ở trên đồi nên không tốn nhiều chi phí chăm sóc. Đây là động lực giúp gia đình tôi thoát nghèo”.
Chuyển giao kỹ thuật cho bà con
Chị Bùi Thị Diệu, công chức VH-XH xã Phú Lai cho biết: Năm 2023, xã được nhận 11 con bò sinh sản từ dự án đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững năm 2023. Số bò này được xã giao cho 22 hộ nghèo và cận nghèo chăm sóc. Trong đó, 11 hộ được nhận nuôi trước, đến khi bò sinh sản sẽ chuyển tiếp cho các hộ còn lại.
Các hộ nhận bò đều được hỗ trợ đào tạo tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và phòng, chống bệnh. Hiện nay, đàn bò phát triển tốt, nhiều con đang ở giai đoạn sinh sản, khi bê con lớn sẽ tách khỏi bò mẹ để chuyển sang hộ khác nuôi. Từ khi được nhận bò, người dân đều rất vui mừng và tập trung chăm sóc để bò phát triển tốt, tạo nguồn phát triển kinh tế ổn định cho gia đình.
Theo chị Dịu, để tạo điều kiện giúp hộ nghèo phát triển đàn bò, những năm qua, ngoài thực hiện tốt chương trình, dự án cấp phát bò giống cho người dân, xã còn phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện tổ chức các lớp dạy nghề chăn nuôi cho bà con. Qua đó, giúp người dân thực hiện chăn nuôi bò theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường.
Nhờ chăm sóc tốt, bò giống của ông Bình được Nhà nước hỗ trợ đã sinh sản 1 con bê cái. |
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo động lực giúp các nông hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, cấp uỷ, chính quyền xã Phú Lai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới bà con. Từ đó, nâng cao nhận thức cho người dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây, con có giá trị kinh tế vào sản xuất, nâng cao thu nhập.
Ông Bùi Văn Dựng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lai cho biết: “Hàng năm, chúng tôi đều có phương án hỗ trợ hộ nghèo và giao chỉ tiêu cụ thể cho các xóm. Chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, ngành, mọi tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức trong công tác giảm nghèo. Từ đó, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo. Đồng thời chúng tôi sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để giúp đỡ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo”.
Theo ông Dựng, ngoài việc hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo phát triển kinh tế, xã còn đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Xã chú trọng tổ chức các lớp học nghề, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 38,4% năm 2020 lên 75,5% năm 2022. Cùng với đó, xã tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi và triển khai đồng bộ các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước để các hộ vươn lên phát triển kinh tế.
Xã coi việc hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, tạo việc làm để tăng thu nhập cho người dân là điều kiện cần và tiên quyết trong quá trình giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, hộ nghèo và cận nghèo của xã giảm từ 7,9% năm 2020 xuống còn 4,7% (tính đến 6 tháng năm 2023).