Nhập nhèm đến bao giờ?

GD&TĐ - Tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm, tham quan, dã ngoại được các nhà trường triển khai trong nhiều năm nay.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Hoạt động này có thể do phụ huynh tự đứng ra tổ chức, với mong muốn tạo gắn kết giữa học sinh, phụ huynh trong lớp; cũng có thể đây là hoạt động có định hướng từ phía nhà trường trên tinh thần học sinh đăng ký tự nguyện. Thông thường, chương trình các chuyến đi không đơn thuần là vui chơi, mà luôn lồng ghép một số hoạt động có mục đích giáo dục, tạo cơ hội để các em trải nghiệm thiên nhiên, giá trị văn hóa, khám phá thế giới xung quanh…

Không phủ nhận ý nghĩa tích cực của hoạt động này như học sinh được thư giãn sau thời gian học căng thẳng; tăng cường gắn kết với bạn bè, thầy cô; mở rộng vốn sống, hiểu biết, góp phần giúp các em hình thành năng lực, kỹ năng… Những chuyến đi trải nghiệm bổ ích, ý nghĩa trở thành kỷ niệm đẹp khó quên trong cuộc đời học sinh.

Tuy nhiên hiện nay, việc tổ chức cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm ở không ít trường đã bị biến tướng. Điều này thể hiện ở việc không bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, áp đặt đơn vị cung cấp dịch vụ; thậm chí có hiệu trưởng ngầm yêu cầu giáo viên chủ nhiệm bằng mọi giá để học sinh lớp mình tham gia đầy đủ. Khi không đặt mục đích giáo dục, vì sự phát triển phẩm chất, năng lực của người học lên hàng đầu, những chuyến đi trải nghiệm cũng được tổ chức dễ dãi, kế hoạch sơ sài, không bảo đảm an toàn.

Trên thực tế, đã có không ít trường hợp đau lòng, đáng tiếc xảy ra trong các chuyến đưa học sinh đi tham quan, dã ngoại. Đơn cử, năm 2020, một học sinh ở Sóc Trăng tử vong vì ngã xe đạp trong chuyến đi trải nghiệm ở Đà Lạt. Năm 2021, ba học sinh Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) gặp nạn, trong đó một em tử vong, hai em bị thương nặng trong hoạt động trải nghiệm tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ).

Cùng năm, một học sinh Trường Tiểu học Âu Dương Lân (TPHCM) đuối nước trong chuyến ngoại khóa tại Khu du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương)... Ngày 10/2/2023, một học sinh lớp 11 của Trường THPT Lý Thánh Tông (Hà Nội) tử vong vì đuối nước khi tham gia dã ngoại do nhà trường tổ chức tại Hòa Bình. Tháng 5/2023, tiếp tục có một học sinh và phụ huynh bị nước cuốn khi tham quan, trải nghiệm tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định)…

Trong Chương trình GDPT 2018, Hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp THCS, THPT) được thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Nội dung này được tổ chức trong và ngoài lớp học, trong và ngoài trường học; theo quy mô nhóm, lớp học, khối lớp hoặc toàn trường; với bốn loại hình hoạt động chủ yếu là: Sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và hoạt động câu lạc bộ.

Không ít nhà trường, do không hiểu thấu đáo, hoặc cố tình lợi dụng để tổ chức các chuyến tham quan có thu phí khiến phụ huynh bức xúc. Ý kiến chuyên gia và giáo viên phụ trách công tác này khẳng định: Không nhất thiết phải cho học sinh đi tham quan, dã ngoại. Giáo viên có thể tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm phong phú, hấp dẫn qua trò chơi, sinh hoạt tập thể, hoạt động câu lạc bộ, hoạt động nhân đạo, tổ chức các hội thi…

Thăm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh… cũng rất tốt với điều kiện gắn với mục đích giáo dục cụ thể; phù hợp với học sinh; có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo để bảo đảm an toàn; trên tinh thần tự nguyện; tuyệt đối tránh nhập nhèm giữa đưa học sinh đi tham quan, du lịch với tổ chức hoạt động trải nghiệm.

Sau hàng loạt ồn ào liên quan đến vấn đề này, một số địa phương đã có văn bản nghiêm cấm các trường học lợi dụng việc tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục ngoài nhà trường để thu tiền trái quy định và đồng loạt đưa học sinh đi tham quan du lịch. Tuy nhiên, sẽ khó khắc phục triệt để nếu chỉ dừng ở ban hành văn bản. Cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cơ quan quản lý qua kiểm tra, giám sát gắt gao và xử lý thật nghiêm trường hợp vi phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ