Giáo viên 'một vai hai gánh' triển khai Hoạt động trải nghiệm

GD&TĐ - Dù không phải GV chuyên trách, nhưng nhiều thầy cô chủ nhiệm hay Tổng phụ trách Đội vẫn nỗ lực hoàn thành vai trò hướng dẫn HS trong HĐTN...

Học sinh Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc học tập trải nghiệm về lịch sử địa phương tại Di tích quốc gia đặc biệt. Nhà tù Côn Đảo.
Học sinh Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc học tập trải nghiệm về lịch sử địa phương tại Di tích quốc gia đặc biệt. Nhà tù Côn Đảo.

Tăng cường giải pháp

3 năm học vừa qua khi triển khai Chương trình GDPT 2018 từ khối 1 - 3, việc giảng dạy môn Hoạt động trải nghiệm (HĐTN) tại nhiều trường do đa số do giáo viên chủ nhiệm hoặc Tổng phụ trách Đội đảm nhiệm mà không có giáo viên chuyên trách.

Điều này khiến khối lượng công việc của giáo viên tăng lên kèm theo trách nhiệm. Từ đặc thù này, nhiều trường học đã linh hoạt áp dụng nhiều giải pháp dạy học để hỗ trợ giáo viên, duy trì tốt nhất hoạt động giảng dạy và đáp ứng yêu cầu đầu ra môn học cho học sinh.

Là một trong các đơn vị tiên phong áp dụng công nghệ vào giảng dạy, Trường Tiểu học Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) dạy học HĐTN theo mô hình “lớp học kết nối”, “trường học kết nối”. Theo đó, nhà trường tổ chức cho nhiều khối lớp tham gia trải nghiệm ở các địa điểm mới lạ, giao lưu với các nền văn hóa địa phương và thế giới mà không phải lo lắng vấn đề kinh phí. Cách làm này góp phần lan tỏa những phương pháp, hình thức dạy HĐTN mới mẻ, hiện đại đến nhiều nhà trường.

Cô Nguyễn Thị Hiền Lương - Hiệu trưởng trao đổi: Trong khuôn khổ những HĐTN theo khung chương trình của Bộ GD&ĐT quy định đã được trường phát triển theo hình thức tích hợp nội dung liên môn. Các tổ chuyên môn cũng họp để tìm ra mạch kiến thức, kĩ năng chung của HĐTN và các môn học khác có trong chương trình từng khối lớp. Khi dạy HĐTN theo mô hình STEAM, học sinh sẽ được trải nghiệm bằng các công cụ trực quan và trang bị kiến thức thực tế để có thể áp dụng. Cách học này khiến môn học trở nên thú vị hơn.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành (TP Nam Định), dù ở năm đầu tiên đi vào hoạt động nhưng đã có những thích ứng về đội ngũ lẫn phương pháp khi dạy môn HĐTN.

Cô Nguyễn Thu Hiền – Hiệu trưởng cho biết, trường không có giáo viên chuyên trách nên giáo viên chủ nhiệm là người trực tiếp hướng dẫn học sinh những nội dung môn HĐTN. Giáo viên cũng nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa và lập kế hoạch giáo dục phù hợp cho từng môn.

Ngoài sinh hoạt dưới cờ, hoạt động theo môn học thì nhà trường cũng triển khai nội dung về giáo dục địa phương trên địa bàn. Học sinh được tìm hiểu về truyền thống ngành Dệt may của tỉnh tại Bảo tàng tỉnh Nam Định hoặc trải nghiệm thực tế ở Bảo tàng Dệt may cạnh trường.

“Cán bộ, giáo viên cốt cán của trường đã tham gia tập huấn chuyên môn về chương trình, sách giáo khoa từ các tác giả do Sở GD&ĐT tổ chức, nhất là với lớp 4. Sau đó, về trường sẽ tiếp tục tập huấn nội bộ cho toàn thể giáo viên các tổ/khối về những nội dung đã lĩnh hội...” – cô Nguyễn Thu Hiền bày tỏ.

Mô hình “lớp học kết nối” được các em học sinh Trường Tiểu học Vân Canh hào hứng đón nhận.

Mô hình “lớp học kết nối” được các em học sinh Trường Tiểu học Vân Canh hào hứng đón nhận.

Bảo đảm đủ số tiết dạy

Cách xa đất liền hơn 80km, huyện đảo Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) có duy nhất Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc với 35 lớp. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng phòng GD&ĐT Côn Đảo khẳng định môn HĐTN cũng như các môn học khác được Sở GD&ĐT rất quan tâm, hỗ trợ.

Hàng năm, Sở GD&ĐT cử cán bộ cốt cán ra Côn Đảo bồi dưỡng cho tất cả giáo viên dạy môn HĐTN. Hiện nay, giáo viên của trường cơ bản dạy đủ số tiết lên lớp theo quy định (23 tiết/tuần). Trường hợp giáo viên có giờ dạy vượt định mức sẽ được tính thêm giờ để đảm bảo quyền lợi.

Cô Phạm Phương Mai – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc chia sẻ: 3 năm qua, nhà trường kết hợp nhiều hình thức dạy HĐTN. Trong đó đẩy mạnh phối hợp với cha mẹ học sinh để dạy học HĐTN được phát huy phong phú, hiệu quả. Cụ thể, giáo viên và phụ huynh đã triển khai các HĐTN sinh động, bổ ích cho học sinh như: Nấu ăn, làm bánh, pha chế nước uống; học cách xếp quần áo, chăn màn gọn gàng...

Trường còn kết hợp với lực lượng vũ trang đưa học sinh đi thăm quan các doanh trại quân đội, trải nghiệm sinh thái Vườn quốc gia và kết hợp giáo dục môi trường. Một trong những HĐTN không thể thiếu khác là phối hợp với Ban quản lý di tích quốc gia Nhà tù Côn Đảo đưa học sinh đi tìm hiểu lịch sử địa phương, chủ nghĩa anh hùng cách mạng...

“Dựa trên hướng dẫn của sách giáo khoa, nhà trường và giáo viên linh động chọn nội dung phù hợp, sáng tạo trong tổ chức, phát huy sự tương tác, hỗ trợ từ phụ huynh, các đơn vị trên địa bàn.

Lợi thế ở Côn Đảo là có hệ thống 21 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt; rừng, biển, hồ cũng đầy đủ. Mặt khác, nhiều đơn vị lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn nên việc phối hợp giáo dục trải nghiệm, lịch sử địa phương khá thuận lợi. Thời gian qua, giáo viên chủ nhiệm trực tiếp dạy môn HĐTN bằng say mê, nhiệt huyết”, cô Phạm Phương Mai chia sẻ thêm.

Cô Nguyễn Thị Bình, giáo viên Trường Tiểu học Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, để có tiết dạy HĐTN hiệu quả đòi hỏi giáo viên sự đầu tư công phu về bài giảng, phương pháp. Đặc biệt khi thiếu giáo viên chuyên trách, giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm, “một vai hai gánh” càng cần sự nỗ lực trong dạy học mới truyền tài đúng, đủ, hấp dẫn các nội dung chương trình môn học được các tác giả xây dựng... để thu hút học sinh.

“Đối với môn HĐTN, các trường trên địa bàn đã chủ động phân công sao cho số tiết dạy của giáo viên không vượt quá quy định. Mặt khác, Phòng GD&ĐT đã và đang phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu cho UBND huyện tuyển dụng bổ sung giáo viên hàng năm để các trường đủ giáo viên thực hiện nhiệm vụ. Trong 3 năm vừa qua, các trường Tiểu học ở Ba Vì dạy môn Hoạt động trải nghiệm cơ bản ổn định” – ông Nguyễn Danh Cường, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì (Hà Nội) thông tin.

Để nâng cao hiệu quả dạy môn HĐTN, ngành Giáo dục các địa phương cần tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn kiến thức cho nhà trường, giáo viên; cung cấp các tài liệu hướng dẫn cụ thể, phổ biển rộng rãi các mô hình hay về HĐTN để tháo gỡ, hạn chế các trở ngại, rào cản giáo dục trong gia đình, nhà trường và vùng miền...” - cô Nguyễn Thị Hiền Lương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Canh trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ