Tây Sơn thất hổ tướng - Kỳ 1: Cánh tay phải của Quang Trung

GD&TĐ - Dù chỉ tồn tại 24 năm, nhưng triều đại Tây Sơn để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử dân tộc. Một trong những dấu ấn đó là 7 vị danh tướng, được nhân dân tôn là “Tây Sơn thất hổ tướng”.

Chùa Phước Sơn (Tây Sơn – Bình Định) – nơi được cho là Vũ Văn Dũng đã xây dựng.
Chùa Phước Sơn (Tây Sơn – Bình Định) – nơi được cho là Vũ Văn Dũng đã xây dựng.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều tồn nghi xung quanh 7 vị tướng nổi danh này.

Kỳ 1: Cánh tay phải của Quang Trung

Trong số 7 hổ tướng thì Vũ Văn Dũng nổi danh như một “võ Thánh” oanh liệt. Tài năng thao lược, ứng biến trước trận tiền khiến ông trở thành một vị tướng văn võ song toàn.

Văn Dũng học võ

Tượng thờ Đại tư đồ Vũ Văn Dũng.

Tượng thờ Đại tư đồ Vũ Văn Dũng.

Theo nhà nghiên cứu lịch sử Hoàng Minh Hồng, các tài liệu không chính thức có ghi chép mãnh tướng Vũ Văn Dũng sinh năm 1750. Tuy nhiên, luận điểm này đến nay vẫn chưa được các nhà khoa học công nhận vì không có bằng chứng cụ thể.

Theo tư liệu dòng họ Vũ – Võ Việt Nam, Vũ Văn Dũng còn có các tên gọi Võ Văn Dũng, Nguyễn Sỹ Dũng, sinh năm Giáp Tý (1744) tại xã Đan Giáp, tổng My Động, huyện Thanh Miện (Hải Dương) trong một gia đình quan lại dưới triều Lê.

Tuy nhiên, nhiều tư liệu khác lại xác nhận Vũ Văn Dũng sinh ra trong một gia đình khá giả nhất nhì vùng Phú Phong, phủ Quy Nhơn, nay là huyện Tây Sơn (Bình Định). Gia phả họ Vũ tại Bình Định có nói ông là con của Vũ Văn Khanh - người từng được phong tước Nam do lập nhiều công trạng.

Bởi gia đình có điều kiện, nên từ nhỏ Vũ Văn Dũng và các anh em của ông được cha mời nhiều thầy giỏi về dạy võ. Là người thông minh, lại có khả năng thiên bẩm về võ học nên người cha liên tục phải đổi thầy dạy.

Cho đến khi ông 20 tuổi vào đất Phú Yên, gặp được cao nhân họ Lương tại vùng Tuy Hòa, thì Vũ Văn Dũng mới học được lâu dài. Ở đây, ông được dạy về trường kiếm, đoản đao và cả cách chiến đấu trên lưng ngựa.

Ông luôn luôn tâm niệm lời thầy dặn: Học võ để phòng thân lúc cần thiết, dẹp nỗi bất bình khi cứu người, chứ không phải đấu sức khỏe tài. Do đó, rất ít người biết tài nghệ võ thuật của Võ Văn Dũng.

Sau này, khi gia nhập quân Tây Sơn, người Bình Định và vùng lân cận thường truyền nhau câu nói: “Vũ Văn Dũng quán quân/Bách chiến khởi Tây thùy”. Nghĩa là: Tiếng tăm Vũ Văn Dũng trùm khắp ba quân/ Trăm trận đánh nổi lên từ bờ cõi phương Tây.

Đặc biệt về tài dùng đao của Vũ Văn Dũng từng được Nguyễn Nhạc khen ngợi rằng: “Phá trung sơn giặc dị, thắng Văn Dũng đao nan”; dịch nghĩa: Phá giặc trong núi thì dễ, thắng được cây đao của Văn Dũng mới khó.

Là cao thủ võ học xuất sắc, am hiểu về đao pháp, đương thời, Võ Văn Dũng nổi tiếng với cây Lôi long đao tung hoành trên chiến trường. Hiện nay, bài võ Lôi long đao do ông nghiên cứu, biên soạn vẫn được lưu truyền trong dân gian. Bài võ này đã được đưa vào chương trình 18 bài võ cổ truyền Việt Nam.

Chiến công hiển hách

Mô hình thuyền chiến nhà Tây Sơn.

Mô hình thuyền chiến nhà Tây Sơn. 

Vũ Văn Dũng đã tham gia lực lượng khởi nghĩa của ba anh em Tây Sơn ngay từ buổi ban đầu. Ông được biên chế vào nhóm quân sự gồm có Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu, Võ Ðình Tú. Lực lượng Tây Sơn xuất phát từ mật khu đèo An Khê.

Ðạo quân do Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc thống lĩnh, kéo xuống hướng đông, tiến chiếm lỵ sở huyện Tuy Viễn, rồi kéo đại bình đánh thành Quy Nhơn (tức Ðồ Bàn cũ). Ðạo quân thứ hai do Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng chỉ huy theo đường núi ra hướng Bắc.

Ðược tin Tuy Viễn đã vào tay nghĩa quân rồi, Trần Quang Diệu giao cho Vũ Văn Dũng kéo một đạo binh đánh huyện lỵ Bồng Sơn, còn Trần Quang Diệu chỉ huy một đạo binh đánh huyện lỵ Phù Ly. Văn Dũng ở lại trấn giữ hai huyện vừa chiếm được, còn Trần Quang Diệu đem quân hợp với Tây Sơn vương đánh thành Quy Nhơn.

Từ đó, Văn Dũng và Trần Quang Diệu phục vụ dưới trướng của Ðại Tổng quản Nguyễn Huệ, lập nhiều chiến công hiển hách.

Ðầu năm 1785, vua Thái Ðức Nguyễn Nhạc lệnh cho Nguyễn Huệ, Văn Dũng, Trần Quang Dũng, Bùi Thị Xuân... cùng bộ tướng đem thủy lục đại binh vào Nam tảo trừ quân Xiêm La xâm lược do Nguyễn Phúc Ánh rước sang. Nguyễn Huệ và Vũ Văn Dũng chỉ huy thủy binh, còn bộ binh giao cho Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân điều khiển.

Mọi sự đã thực hiện, bố trí chu tất theo kế hoạch hành quân tiêu diệt địch trên khúc sông Rạch Gầm - Xoài Mút (Mỹ Tho). Nguyễn Huệ cho Văn Dũng kéo quân tiên phong đi khiêu chiến, giả thua để dụ địch quân lọt vào trận địa mai phục của đại binh do Nguyễn Huệ chỉ huy.

Quân địch đã bị tiêu diệt hoàn toàn: 300 chiến thuyền bị cháy, khói đen kín cả bầu trời, không chiếc nào chạy thoát. Từ đó, quân Xiêm không còn dám nuôi ý định xâm lăng nước ta.

Khi vua Quang Trung mang đại quân ra Thăng Long đại phá quân Thanh xâm lược, cũng như sau khi nhà vua băng hà (1792), thì Văn Dũng và Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân lo việc trấn thủ kinh đô Phú Xuân và đạo Quảng Nam.

Năm Kỷ Mùi (1799), Nguyễn Phúc Ánh cử binh ra đánh thành Quy Nhơn. Binh Phú Xuân do Trần Quang Diệu và Văn Dũng chỉ huy định kéo vào giải vây, nhưng đến Quảng Ngãi thì bị tăng binh của Tống Viết Phước ngăn chặn không vào cứu viện được, do đó thành Quy Nhơn bị mất.

Năm sau, Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng và Nguyễn Văn Lộc kéo quân vào đánh lấy lại thành Quy Nhơn. Năm Tân Dậu (1801), đợi mùa gió nam thổi, Nguyễn Phúc Ánh sai chế tạo chiến cụ hỏa công rồi cử Lê Văn Duyệt, Võ Di Nguy, Nguyễn Văn Trương đem đại binh ra đánh Thị Nại (cửa Quy Nhơn). 

Bị vây bắt

Bia di tích tại từ đường Vũ (Võ) Văn Dũng tại Bình Định.

Bia di tích tại từ đường Vũ (Võ) Văn Dũng tại Bình Định.

Vũ Văn Dũng chỉ huy thủy binh đánh nhau nhiều trận dữ dội với thủy binh Nguyễn Phúc Ánh. Tướng nhà Nguyễn là Nguyễn Văn Trương cho gián điệp trà trộn vào quân Tây Sơn lấy được mật lệnh, rồi đang đêm cỡi thuyền nhỏ xâm nhập đốt thủy trại của Tây Sơn. Văn Dũng thấy lửa cháy ở hậu cứ vội chia binh cứu ứng.

Võ Di Nguy thừa cơ dùng thuyền nhẹ lướt vào lòng địch, bị súng của quân Tây Sơn trên đồi Gành Ráng bắn xuống trúng đạn chết. Lê Văn Duyệt liều mạng thúc binh tiến lên rồi nổi hỏa công, lửa theo gió tạt vào thuyền Tây Sơn. Văn Dũng chống không nổi phải bỏ Thị Nại kéo tàn quân lên bờ, hợp cùng Trần Quang Diệu giữ những nơi hiểm yếu khác.

Hai bên còn đánh nhau nhiều trận dữ dội ở ngoài thành Quy Nhơn, thế bất phân thắng bại. Chợt Trần Quang Diệu được tin quân Tây Sơn bị thua ở Nhật Lệ, Trấn Ninh và Nguyễn Phúc Ánh đã hoàn toàn làm chủ đất Thuận Hoá thì thất kinh, bàn cùng các tướng bỏ thành Quy Nhơn, đem đại binh ra Bắc cứu ứng.

Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng đem 3000 quân, 80 thớt voi theo đường thượng đạo sang Lào để ra Nghệ An, và đến nơi vào thượng tuần tháng 3 năm Nhâm Tuất (1802). Ðường đi khó khăn, bị sơn lam chướng khí, rắn độc thú dữ, lại còn bị các thổ ty theo nhà Nguyễn đột kích dọc đường.

Đoàn tùy tùng hao hụt dần, mười phần chỉ còn ba bốn. Ðoàn tượng binh chỉ còn mươi thớt. Tướng sĩ hầu hết bị sốt rét, tướng Trần Quang Diệu bị phù thũng, đi đứng khó khăn nên khi đến Hương Sơn bị tướng nhà Nguyễn là Võ Doãn Văn, Lê Ðức Ðịnh dẫn man binh đến đánh úp, quân sĩ bị giết sạch. Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng cùng các bộ tướng đều bị bắt.

Ở Diễn Châu, nữ tướng Bùi Thị Xuân hay tin liền đem nữ binh đi giải cứu. Quân Nguyễn quá đông, quân Tây Sơn dần dần yếu thế, các tùy tướng lớp bị chết, lớp bị bắt trở lại, chỉ có Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng thoát khỏi. Dù vậy, Trần Quang Diệu kiệt sức đi không nổi, nữ tướng phải lo bảo vệ chồng, không chống cự được nên cả hai vợ chồng đều sa cơ.

Một mình Vũ Văn Dũng thoát được, nhưng chạy ra đến Nông Cống (Thanh Hoá) bị bọn Lê Văn Pháp, Phạm Ngọc Thụy kéo dân địa phương ra bao vây, không chống nổi nên bị bắt trở lại. Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và Vũ Văn Dũng đều bị đóng cũi giải về Nghệ An nạp cho Nguyễn Phúc Ánh.

Theo sử nhà Nguyễn, ngày 2/1/1802 Vũ Văn Dũng bị xử tử cùng với nhiều tướng lĩnh Tây Sơn khác. Tuy nhiên hậu duệ họ Vũ lại cho rằng, Vũ Văn Dũng đã phá cũi thoát thân sau khi bị bắt ở Thanh Hóa.

Sách “Nhà Tây Sơn” chép rằng Vũ Văn Dũng không chỉ là hổ tướng trên chiến trường mà còn là nhà ngoại giao giỏi với hai lần đi sứ nhà Thanh (các năm 1789 và 1791), thiết lập mối bang giao hòa hiếu sau chiến thắng Kỷ Dậu 1789.

Khi nghe tin vua Quang Trung qua đời, Vũ Văn Dũng đau lòng, đã làm bài thơ than khóc vua trong đó có hai câu cuối: “Trời để vua ta thêm chục tuổi/Anh hào Đường, Tống hết khoa hùng”.

Sau khi Quang Trung mất, ông cùng những danh tướng khác như Trần Quang Diệu, Võ Đình Tú… hết lòng phò tá vua trẻ Cảnh Thịnh. Chính ông là người có công loại trừ phe cánh của thái sư Bùi Đắc Tuyên lũng đoạn triều chính, gây lục đục nội bộ.

“Cái chết của tướng Vũ Văn Dũng vẫn còn nhiều tồn nghi. Sử nhà Nguyễn cho rằng ông đã bị xử tử; con cháu thì lại khẳng định ông chạy thoát. Sau quay về An Khê (Gia Lai) sống đến 90 tuổi mới mất.
Đến năm 1907, con cháu đem hài cốt ông về cải táng tại quê nhà Phú Phong. Dù còn nhiều câu hỏi đặt ra, nhưng phải khẳng định ông là một hổ tướng, là cánh tay đắc lực của vua Quang Trung”. Nhà nghiên cứu Hoàng Minh Hồng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ