Nhận thức giá trị sống từ thực tiễn

GD&TĐ - Tôi chia sẻ điều này vì thấy nhiều người đang quá chú ý tới “giáo dục kiến thức”, ứng thí, thành tích.

Học sinh trong lớp tư duy chương trình Toán PoMath.
Học sinh trong lớp tư duy chương trình Toán PoMath.

Trong khi với hiểu biết của mình (cả từ những tư liệu khoa học tôi được tiếp cận, đến kinh nghiệm giáo dục những học sinh từ nhỏ tuổi đến khi đã trưởng thành (sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ), và nhất là, mấy năm gần đây, tôi có cơ hội huấn luyện, bồi dưỡng giáo viên trong khuôn khổ chương trình Toán PoMath, xây dựng chương trình cho các nhà trường, và cho nhiều cơ sở giáo dục), tôi nhận thấy rằng, sự thiết hụt về nhận thức trong giáo viên về giáo dục giá trị đã dẫn đến, học sinh học ngày càng nhiều mà các em càng thiếu những điều rất cần cho bản thân các em: Động cơ học tập, hiểu về bản thân, thái độ, niềm tin, về sự trung thực, về tự do...

Giáo dục giá trị không thể đạt được nếu chúng ta chỉ tập trung dạy kiến thức và lo lắng rằng học sinh không thuộc bài thơ, không trình bày đúng cách, không giải được bài toán, không đạt được điểm cao...

Giáo dục giá trị cũng khó được quan tâm, nếu chúng ta chỉ đánh giá những gì các em học được, mà không đánh giá những gì các em làm, các em thể hiện, sự tiến bộ trong lối sống, biểu hiện ủng hộ hay phản đối có chính kiến, nhưng hành động ngoài nhà trường.

Giáo dục giá trị càng khó đạt được, nếu các giá trị thật của cuộc sống cứ “lẫn lộn”, người lớn cũng không có hiểu biết hay cũng không thể hiện những thành tố của nó, xây dựng và biểu hiện nó trong đời thường.

Trong chia sẻ đầu tiên tôi xin nói về hai khái niệm: Động cơ học tập và Tự nhận thức trong học tập.

Sách chương trình Toán PoMath học cho trẻ.
Sách chương trình Toán PoMath học cho trẻ.

Xây dựng động cơ học tập

Trong bối cảnh giảng dạy và học tập, động cơ bao gồm việc học tập của học sinh, mức độ nỗ lực, sự cam kết và sự bền bỉ. Nói một cách khác, động cơ là sự tham gia học tập có mục đích để nắm vững kiến thức hoặc các kỹ năng, chẳng hạn học sinh học tập nghiêm túc thì coi trọng các cơ hội học tập. Một học sinh không rõ động cơ học tập thì thường học không thành công, hờ hững với việc học, chỉ học khi bị cưỡng bức, bị ra lệnh, hoặc học không biết để làm gì (dù em đó hài lòng, chẳng than vãn gì về việc học).

Chúng ta tưởng rằng câu hỏi: Học để làm gì là vô nghĩa. Vì chúng ta thấy việc học là cả đời, chúng ta học ngay cả những lúc chúng ta KHÔNG HỌC. Nhưng trong trường hợp này, chúng ta đang nói đến việc học ở nhà trường, việc học của những người có nhiệm vụ chính là HỌC. Do đó, chúng ta nên làm cho học sinh có động cơ học tập đúng đắn của họ và để sau này họ biết chọn cách học, nội dung học, mong đợi kết quả phù hợp với mục tiêu của họ.

Nhận thức về quá trình học tập

Tự nhận thức và tự trọng mang tính đa chiều (Marsh & Craven, 2008). Mỗi chúng ta đều có thể tự mô tả mình mạnh/yếu ở từng lĩnh vực và đó chính là tự nhận thức, hay hình ảnh tự thân. Ngoài ra, chúng ta luôn có ý thức tự tôn, tự trọng, tự khẳng định trong mỗi lĩnh vực.

Chẳng hạn, một học sinh tự nhận thức về bản thân mình là cao và gầy, nhưng em đó cảm thấy rất thoải mái với điều đó và chấp nhận mô tả này; một học sinh khác cũng có thể tự nhận thức như vậy, nhưng em đó cảm thấy mình thấp kém hoặc cảm thấy thiếu tự tin hoặc có tự trọng thấp. Sự tự nhận thức là một yếu tố quan trọng trong việc xác nhận mục tiêu của mỗi người. Ai không có tự nhận thức thì rõ là không thể biết mình là ai, mình sẽ như thế nào? Và vì vậy, sẽ rất khó chờ đợi con người trưởng thành từ họ, có thể làm chủ cuộc đời, làm chủ tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ