“Lệch” giá trị sống
Nhiều học sinh cho rằng trở thành người giàu có mới là giá trị đích thực cuộc sống. Do đó các em phấn đấu để có tiền bằng mọi giá, kể cả việc buôn lậu, trộm cắp, trấn lột...
Cũng không ít học sinh lấy danh vọng làm thước đo giá trị nên cố gắng học tập thật tốt để tìm cho mình chức vị nào đó khi bước vào cuộc sống. Nhưng khi chức vị mất đi, hoặc bị tước bỏ các em “trắng tay” thấy cuộc sống vô giá trị.
Có học sinh lại coi sự nhàn hạ là giá trị sống nên trốn tránh trách nhiệm, lười lao động, chọn những công việc nghề nghiệp không vất vả. Các em không làm được gì cho bản thân và xã hội. Lại có bạn trẻ suy nghĩ hút thuốc lá, biết yêu sớm, cầm đầu băng nhóm học sinh... mới thực sự là “người hùng” và có giá trị.
Hoặc gần hơn trong việc học, nhiều học sinh học không vì đam mê mà để thi đỗ, kiếm tiền. Tâm lý hưởng thụ, vị kỷ cũng được đẩy lên cao tạo nên sự lệch “chuẩn” như: đánh giá sự tự tin qua quần áo hàng hiệu, mỹ phẩm xịn, giá trị cá nhân là thể hiện cái tôi, bất chấp dư luận, thậm chí đi ngược lợi ích cộng đồng.
Cô Nguyễn Hồng Hải, giáo viên Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: Bên cạnh những học trò ngoan, hiểu biết về giá trị sống thì cũng không ít học sinh đang thay đổi theo chiều hướng tiêu cực.
Và nguyên nhân dẫn tới biến đổi đó có thể bắt đầu từ sự bùng nổ của game online mang mục đích thương mại, từ những suy nghĩ ứng xử thực dụng, lệch chuẩn của gia đình, người thân.
Thậm chí, những hình mẫu mà học sinh theo đuổi, thần tượng là những người có cách ứng xử, ăn mặc, trang điểm khó chấp nhận. Vì vậy, giáo dục để học sinh, sinh viên nhận diện đúng đâu giá trị đích thực cuộc sống là điều vô cùng cần thiết và không hề dễ dàng.
Nền tảng vào đời
Theo bà Trish Summerfield, giám đốc Chương trình giáo dục giá trị sống tại Việt Nam từng trao đổi: Ngày nay, giới trẻ tập trung nhiều vào việc học cách để làm, chuẩn bị cho mưu sinh tương lai.
Song bên cạnh kỹ năng sống quan trọng, các bạn trẻ cần biết nên sống ra sao. Có nghĩa là làm thế nào để ứng phó trước nhiều tình huống, quản lý cảm xúc, học cách giao tiếp, ứng xử với mọi người, giải quyết mâu thuẫn trong mối quan hệ và thể hiện bản thân một cách tích cực, lành mạnh.
“Nếu không có nền tảng giá trị sống rõ ràng và vững chắc thì dù được học nhiều kỹ năng, học sinh cũng không biết cách ứng xử hợp lý, mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội. Từ đó các em không biết cách tôn trọng bản thân và người khác.
Có nền tảng giá trị sống học sinh sẽ không bị lôi cuốn bởi những giá trị vật chất trong việc định hình mục đích sống. Giá trị sống giúp các em cân bằng mục tiêu vật chất trong suy nghĩ, cách sống…”, cô Nguyễn Thị Khánh, cựu giáo viên Trường THPT Hoàng Diệu (Hà Nội).
Việc dạy kỹ năng sống trong các nhà trường hiện nay dù đã tiến hành song mới chỉ là phần ngọn. Các gia đình cần trang bị nhiều hơn nữa cho học sinh từ sớm để có thể nhận thức và tôn vinh được giá trị sống tốt đẹp. Chỉ có như vậy mới thôi thức các em hành động đúng, vượt qua khó khăn trở ngại bản thân và ngoại cảnh để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Các chuyên gia tâm lý giáo dục còn nhìn nhận, vai trò của nhà trường trong việc giáo dục giá trị sống là chưa thể đủ và gia đình là nhân tố quan trọng không thể thiếu.
Mặt khác việc tư vấn, cung cấp kiến thức về giá trị sống không chỉ cần làm đối cho học sinh mà với cả bậc phụ huynh. Bởi chỉ khi nào cha mẹ biết dạy con thế nào là đúng thì việc giáo dục giá trị sống từ “ngôi trường đầu tiên” là gia đình mới hiệu quả.
TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội) trao đổi: Nếu cho rằng, chỉ cần kiến thức phong phú, kỹ năng sống hoàn hảo là học sinh đã có thể giải quyết mọi vấn đề trong tương lai thì điều đó chưa đủ.
Thực tế đã chỉ ra chỉ khi nào học sinh được giáo dục giá trị sống thì khi ấy các em mới có được những định hướng giá trị đạo đức nhân văn, nghề nghiệp đúng đắn.
Và trên nền tảng đó thế hệ trẻ mới có thể hình thành được những kỹ năng sống cơ bản phù hợp với yêu cầu của xã hội và chuẩn mực của cộng đồng. Giáo dục giá trị sống là nền tảng, kỹ năng giúp học sinh, sinh viên bước vào đời.