Giáo dục giá trị sống cho sinh viên sư phạm

GD&TĐ - Th.s Trần Thị Cẩm Tú - Giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội - cho rằng, giáo dục giá trị sống thông qua rèn luyện nghiệp vụ sư phạm là con đường hiệu quả giúp sinh viên có những hiểu biết, ý thức về việc thành hành nghề đúng đắn, tích cực.

Giáo dục giá trị sống cho sinh viên sư phạm

Giáo dục giá trị sống gắn với giá trị nghề nghiệp

Để tìm hiểu về việc giáo dục giá trị sống cho sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội, Th.s Trần Thị Cẩm Tú đã tìm hiểu trên 190 sinh viên các khoa và 30 giảng viên.

Kết quả cho thấy, hình thức tổ chức giáo dục giá trị sống được giảng viên sử dụng phổ biến nhất là lồng ghép thông qua các giờ học trên lớp; sau đó là qua các buổi sinh hoạt, câu lạc bộ, phong trào sinh viên.

Hoạt động giảng dạy giá trị sống như một môn học hay hoạt động thực hành nghề ít được giảng viên lựa chọn. Đặc biệt, biện pháp tăng cường giáo dục giá trị sống trong hoạt động ngoại khóa và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm còn ít được áp dụng.

Th.s Trần Thị Cẩm Tú cho rằng, giáo dục giá trị sống thông qua rèn luyện nghiệp vụ sư phạm sẽ giúp sinh viên có hiểu biết, tinh thần trách nhiệm, ý thức về việc thực hành nghề đúng đắn và tích cực.

Với đặc thù riêng của nghề sư phạm - dùng nhân cách để giáo dục nhân cách - thì việc sinh viên được trải nghiệm các giá trị sống và thay đổi hành vi bản thân theo hướng tích cực là một cách rèn luyện tốt.

Giáo dục gái trị sống cho sinh viên sư phạm thông qua rèn luyện nghiệp vụ sư phạm có thể qua việc giảng dạy các bộ môn nghiệp vụ sư phạm như Tâm lý học, Giáo dục học, Phương pháp giảng dạy bộ môn…, và thông qua rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên, thực tập sư phạm…

Lồng ghép giáo dục giá trị sống qua bộ môn nghiệp vụ sư phạm

Nâng cao hiệu quả giáo dục giá trị sống cho sinh viên sư phạm, Th.s Trần Thị Cẩm Tú cho rằng, việc lồng ghép giá trị sống vào giảng dạy các bộ môn là biện pháp hiệu quả.

Tuy nhiên, cách làm này cần đảm bảo các nguyên tắc: Lồng ghép nhưng không làm thay đổi nội dung môn học; khai thác nội dung giáo dục chọn lọc, có tính tập trung; phát huy cao độ hoạt động tích cực và sự trải nghiệm của người học.

Lồng ghép giảng dạy giá trị sống qua các môn nghiệp vụ sư phạm, theo Th.s Trần Thị Cẩm Tú, đầu tiên cần xác định mục tiêu và nội dung giáo dục giá trị sống có thể lồng ghép.

Ví dụ, trong môn Giáo dục học, giáo viên có thể lựa chọn các phần: Giáo dục và sự phát triển nhân cách: Tính quy luật và nguyên tắc dạy học, Nguyên tắc giáo dục, Công tác chủ nhiệm lớp, Nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và giải quyết các tình huống sư phạm… để thực hiện lồng ghép.

Tiếp theo, cần thiết kế bài học với sự đa dạng hóa các phương pháp dạy học và tạo cơ hội để sinh viên được trải nghiệm, suy ngẫm về các giá trị; đồng thời xây dựng bầu không khí học tập an toàn, thân thiện dựa trên nền tảng các giá trị.

Ví dụ, khi giảng dạy phần Giao tiếp sư phạm, giảng viên tổ chức cho sinh viên đóng vai các tình huống nảy sinh trong quá trình giáo dục. 

Thông qua trải nghiệm, sinh viên không chỉ có được kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống mà còn giúp họ hình thành xúc cảm, thái độ và hành vi giao tiếp tích cực, dựa trên các giá trị như: Tôn trọng, đồng cảm, không phán xét, biết chia sẻ…

Cuối cùng là kiểm tra, đánh giá chú trọng vào sự phản hồi củ người học về mặt nhận thức và thái độ.

Giáo dục giá trị sống qua thực tập sư phạm

Giáo dục giá trị sống thông qua rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, theo Th.s Trần Thị Cẩm Tú , thực chất là việc tổ chức cho sinh viên có cơ hội trải nghiệm theo cơ chế hình thành giá trị. Thông qua việc tham gia các hoạt động rèn luyện, sinh viên được lĩnh hội các giá trị ẩn chứa trong từng hoạt động.

Ví dụ, thông qua việc rèn kỹ năng tìm hiểu đặc điểm của học sinh trong công tác chủ nhiệm lớp, sinh viên sẽ trải nghiệm giá trị yêu thương, khoan dung, tôn trọng…

Khi sinh viên thực tập sư phạm thông qua các hoạt động giáo dục, họ sẽ được trải nghiệm giá trị đoàn kết, hợp tác khi làm việc nhóm, kiên trì, năng động, sáng tạo…

Tuy nhiên, khi giáo dục giá trị sống thông qua hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, Th.s Trần Thị Cẩm Tú chú ý: Phải xác định các giá trị cần giáo dục thông qua từng hoạt động; khai thác hết các giá trị ẩn chứa trong hoạt động rèn luyện;

Xây dựng các tình huống và đa dạng các hoạt động để sinh viên có cơ hội trải nghiệm càng nhiều càng tốt;

Đảm bảo cơ chế hình thành giá trị thông qua cấp độ nhận thức, thái độ, xúc cảm và thể hiện bằng hành vi;

Đánh giá sự rèn luyện của sinh viên và kết quả giáo dục giá trị sống bằng kỹ năng mà sinh viên thể hiện. Nghĩa là để chuyển tải các giá trị đó, trong quá trình rèn luyện họ đã có những hành vi, việc làm cụ thể như thế nào…?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ