Nhiều sinh viên mới ra trường rất thiếu và yếu các "kỹ năng mềm" |
Doanh nghiệp muốn sử dụng phải đào tạo lại
85% trong số 100 doanh nghiệp được lấy ý kiến điều tra về khả năng đáp ứng của sinh viên mới tốt nghiệp với yêu cầu công việc cho biết, trình độ kiến thức chuyên môn của các nhân viên ở mức khá (63%); khả năng phát triển sự nghiệp cũng ở mức khá (55%), tuy nhiên, kinh nghiệm làm việc chỉ ở mức trung bình (63%).
Các doanh nghiệp này cũng cho biết, học phải mất trung bình 3-6 tháng để đào tạo lại nhân viên mới ra trường mới có thể đáp ứng được yêu cầu tối thiểu. Ở một số công ty, 77% số ứng viên được tuyển dụng cần phải đào tạo lại trên 3 tháng; 15% cho rằng cần đào tạo lại từ 1-3 tháng.
Cá biệt, có công ty cho rằng phải mất tới 2 năm để đào tạo lại sinh viên mới ra trường đáp ứng yêu cầu của công ty. Kết quả điều tra cũng cho thấy, nhu cầu cho nhân viên đi học các khóa ngắn hạn của các doanh nghiệp tương đối nhiều, đặc biệt là các khóa học trang bị về các kỹ năng mềm cho nhân viên.
Theo một nghiên cứu của TS. Trịnh Thùy Anh – Trường ĐH Mở TP.HCM, dự báo, trong vài năm tới, thành phố HCM sẽ cần hàng trăm nghìn lao động có trình độ, trong đó, năm 2010, ngành Tài chính – Ngân hàng cần 75.000 người; ngành Du lịch – Khách sạn cần 28.500 người; ngành Công nghệ thông tin - Điện tử cần hơn 90.000 người…
Đặc biệt, năm 2010, Trung tâm tài chính này cần 500 cán bộ quản lý điều hành, vận chuyển Metro và Motorail; năm 2015-2020, nhu cầu nhân lực cho nghề này là 2.500 nhân viên.
Cũng theo TS. Trịnh Thùy Anh, các công ty, nhất là công ty nước ngoài đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên và cán bộ quản lý cấp trung. Với tốc độ phát triển nhanh như hiện nay thì tình trạng thiếu hụt nhân lực có trình độ cao, có kỹ năng quản trị ngày càng trầm trọng, nhất là các vị trí chủ chốt trong công ty.
Nhân lực trình độ cao đặc biệt thiếu trong các ngành nghề: Maketting – bán hàng – quảng cáo; nhóm ngành Tài chính – Ngân hàng; nhóm ngành Dịch vụ – Du lịch – Hành chính… Các ngành này chiếm khoảng 40% tổng nhu cầu lao động trên thị trường và mức tăng trưởng phải đạt khoảng 50%/ năm mới đáp ứng được nhu cầu.
Nhìn nhận lại chất lượng dạy – học
TS. Trịnh Thùy Anh cho rằng, sự yếu kém về trình độ kiến thức chuyên môn, kỹ năng cũng như năng lực, phẩm chất lao động, tinh thần trách nhiệm, sự trung thực của sinh viên, nguyên nhân xuất phát từ khả năng thích ứng của chương trình đào tạo QTKD tại TP.HCM đối với các nhu cầu xã hội còn hạn chế, thể hiện ở đội ngũ giảng viên yếu về chất lượng, thiếu về số lượng; chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy chưa cập nhật, cách tổ chức dạy học còn nhiều hạn chế; mối quan hệ giữa trường đại học và thị trường lao động còn yếu.
Mặc dù chương trình khung ngành QTKD do Bộ GD&ĐT ban hành cho phép các trường linh động khoảng 50% số môn học tùy thuộc vào trường, nhưng trong thực tế, chương trình của các trường không khác nhau nhiều. Phần lớn đều có một số chuyên ngành thuộc ngành đào tạo QTKD như chuyên ngành Maketing, Kinh doanh quốc tế, Quản trị tài chính, Kinh doanh Khách sạn – Nhà hàng.
Theo một số chuyên gia giáo dục, chương trình đào tạo QTKD tại các trường ĐH TP.HCM chưa được xây dựng trên nguyên tắc lấy sinh viên làm trung tâm, chưa coi trọng nhu cầu người học và của xã hội.
Chương trình hiện tại được cho là khá nặng nề, cứng nhắc, thiếu tính thực tiễn, chiếm quá nhiều thời gian lên lớp về lý thuyết, rất ít giờ bài tập, rất ít giờ hoạt động ngoại khóa, ít giờ tự học, tự nghiên cứu.
So với các ngành đào tạo khác, ngành học QTKD được cho là tương đối được đổi mới và cập nhật, tuy nhiên vẫn còn thiếu hụt so với yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, khi giảng viên áp dụng phương pháp chủ động lại gặp quá nhiều khó khăn về phương tiện thiết bị giảng dạy, thư viện còn hạn chế hoặc sinh viên thụ động…
Vấn đề thực hành, thực tập, rèn luyện kỹ năng thực tế chưa được quan tâm đúng mức. Các thư viện chưa bố trí những phòng học nhóm, chưa có không gian đủ rộng để sinh viên có thể giao lưu trao đổi bài ngoài giờ học; các giảng viên cũng không bắt buộc sinh viên phải làm bài tập theo nhóm, chấm điểm theo nhóm…
Đầu tư cơ sở vật chất cho ngành học QTKD thường rất ít so với các ngành học khác như Kỹ thuật, Công nghệ… Các phòng học ở một số đại học chưa trang bị đầy đủ thiết bị giảng dạy hiện đại như máy overhead hay computer projector, mặc dù đầu tư vào các trang thiết bị trên không tốn kém nhiều so với các trang thiết bị thực hành của các ngành học kỹ thuật, không ngoài khả năgn của các trường đại học nếu quyết tâm thực hiện…
Giải quyết thực trạng này, TS. Trịnh Thùy Anh cho rằng, ngoài tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, đầu tư cải thiện cơ sở vật chất phục vụ dạy – học như đổi mới chương trình đào tạo, cải thiện quá trình tổ chức giảng dạy và học tập, nâng cao năng lực giảng viên thì tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục cũng góp phần nâng cao chất lượng dạy – học tại nhà trường.
Đan Thảo