Nhận diện bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới

GD&TĐ - Bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới có thể xảy đến với bất kỳ người nào, độ tuổi nào. Đây là một bệnh lý ít biểu hiện triệu chứng nên thường phát hiện muộn, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nguy cơ thuyên tắc mạch phổi rất dễ tử vong. Phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại gặp bác sĩ Nguyễn Anh Quân, khoa Q3B Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai để tìm hiểu về căn bệnh này.  

Bệnh nhân điều trị tại khoa Q3B Viện Tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai
Bệnh nhân điều trị tại khoa Q3B Viện Tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai

Nhận diện nguy cơ để phát hiện sớm bệnh

Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu ở chi dưới hay còn gọi là viên tắc tĩnh mạch sâu là tình trạng tắc nghẽn tĩnh mạch ở một số bộ phận như vùng đùi, cẳng chân, khoeo chân, tĩnh mạch chậu do sự hình thành cục máu đông gây lấp lòng mạch.

Bác sĩ Nguyễn Anh Quân cho biết, bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu ở chi dưới có thể xảy ra ở hầu hết các độ tuổi.

Có thể chia thành 3 nhóm chính: Nhóm xảy ra với những người làm việc trong điều kiện phải đứng, ngồi, đi tàu xe, máy bay hoặc bị chấn thương nặng, tai biến, ung thư, hay phẫu thuật khiến bệnh nhân phải nằm bất động nhiều giờ; Nhóm bệnh nhân có tổn thương mạch máu khi tiêm chích; Nhóm các bệnh nhân có các bệnh lý tăng đông như bệnh về thận, bệnh thiếu hụt yếu tố đông máu…

Ngoài 3 nhóm chính thì bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu ở chi dưới còn xảy ra ở những người có bệnh sử gia đình, tuổi cao, béo phì, phụ nữ có thai…

Ở Việt Nam mỗi năm có 100 - 200 nghìn bệnh nhân mắc bệnh này. Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu ở chi dưới có 3 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn cấp tính xảy ra 2 tuần đầu. Bệnh nhân vào viện với triệu chứng, chân sưng nhiều, nặng chân, tức, đau dọc theo đường đi của tĩnh mạch, nổi tĩnh mạch ngoại biên…

Giai đoạn 2 là giai đoạn bán cấp từ khoảng ngoài 2 tuần đến 6 tháng: Giai đoạn này chân bớt phù nề hơn. Giai đoạn 3 là giai đoạn mãn tính, biến chứng hay gặp nhất và nguy hiểm nhất chiếm tới 50% số bệnh nhân là chuyển sang hội chứng hậu huyết khối để lại biến chứng nặng nề loét, đau nhức, giới hạn vận động chi dưới có thể gây tàn tật. Có 10% tử vong trong các ca thuyên tắc mạch phối không triệu chứng do bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu ở chi trước đó.

Điều trị sớm và phòng ngừa làm giảm nguy cơ biến chứng

Theo bác sĩ Nguyễn Anh Quân, bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở chi dưới là bệnh hết sức nguy hiểm có khả năng biến chứng nếu không điều trị kịp thời nhưng bệnh này lại chưa được quan tâm đúng mức. Ngay cả đội ngũ y, bác sĩ ở các bệnh viện thuốc các khoa không phải khoa tim mạch cũng chưa hiểu đầy đủ về bệnh này nên không đánh giá nguy cơ thuyên tắc tĩnh mạch cho bệnh nhân để chỉ định dùng thuốc chống đông hoặc vật lý trị liệu dự phòng trong quá trình điều trị.

Người nhà và bản thân bệnh nhân cũng ít hiểu biết về bệnh này nên khi chăm sóc bệnh nhân không giúp bệnh nhân vận động, rời giường nằm càng sớm càng tốt. Đây là cách phòng tránh quan trọng cho những bệnh nhân sau phẫu thuật hoặc phải điều trị các bệnh nặng dài ngày nhưng lại dễ bị bỏ qua.

Đối với những người làm việc trong điều kiện phải đứng, ngồi lâu như giáo viên, thợ may, thợ cắt tóc… hay những người đi tàu xe, máy bay thời gian lâu thì nên dùng vớ ép (vớ áp lực, vớ thun giãn, vớ y khoa). Nếu ngồi ghế máy bay, tàu xe thì mọi người tập thể dục tại chỗ bằng cách nâng và hạ thấp gót chân. Kê cao chân khi nằm ngủ, tập thể dục đều đặn, uống nhiều nước, giữ cân nặng và không hút thuốc… cũng làm giảm nguy cơ gây tắc tĩnh mạch ở chi dưới.

Ngoài việc phòng ngừa thì chẩn đoán và điều trị sớm bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu ở chi dưới vẫn là yếu tố quan trọng. Phương pháp chụp tĩnh mạch cản quang trước đây được xem như tối ưu trong chẩn đoán bệnh thì giờ đây y học ngày càng hiện đại đã được thay thế bằng các kỹ thuật không hoặc ít xâm lấn hơn. Trường hợp nghiêm trọng bệnh nhân bị thuyên tắc mạch phổi, đe dọa đến tính mạng thì phẫu thuật là lựa chọn cần thiết.

Bên cạnh triệu chứng chân sưng nhiều, nặng chân, tức, đau dọc theo đường đi của tĩnh mạch, nổi tĩnh mạch ngoại biên… thì 50% bệnh nhân mắc thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới không có dấu hiệu, triệu chứng nên rất khó phát hiện bệnh sớm, vì thế các bác sĩ khuyến cáo những người có nguy cơ mắc bệnh nên chủ động thăm khám định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời giảm được nguy cơ biến chứng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ