Tràn lan tác phẩm kém chất lượng
Dưới sự tác động và ảnh hưởng của văn hóa hội nhập, nhiều dòng nhạc trẻ đã du nhập vào Việt Nam. Giới trẻ Việt đã hào hứng đón nhận sự mới mẻ, trẻ trung của các tác phẩm Vpop, Rock, Dance, Ballad hay R&B… Những chất liệu và các tác phẩm âm nhạc này đã làm phong phú thêm món ăn tinh thần trong thẩm mỹ âm nhạc của công chúng. Tuy nhiên một sự thật đang phô diễn ngay trong thị trường âm nhạc Việt Nam, đó là sự xuất hiện nhan nhản những sản phẩm “nhạc rác” thiếu văn hóa nhưng vẫn được một bộ phận công chúng tung hô.
Những sản phẩm âm nhạc nhảm nhí phải kể đến là “Phiếu bé ngoan” (Yanbi), “Tan ka ka” (Ganja), “Em không hối tiếc” (Hương Giang Idol), hay “Như cái lò” (Sambi) đã khiến đa số công chúng nghe nhạc định danh như một thảm họa. Không thể chấp nhận những ca từ kiểu như: “8 tiếng, tan ka, vác xác thân mệt mỏi về nhà/Quấn điếu Ganja, mơ màng buông mình xuống sofa/Ai ja ja ja, đêm nay ta với ta phòng ngập khói Ganja”(Ca khúc Tan ka ka) khi mà tác giả diễn tả một kiểu ăn chơi nghiện ngập đầy tiêu cực. Ca từ không có gì mới mẻ, thậm chí dễ dãi cổ súy cho thị hiếu tầm thường.
Hay ca khúc “Như cái lò” lời ca lại cố súy cho một lối sống buông tuồng, đi ngược lại những phạm trù đạo đức của người á đông: “Hôm nay sao trời nóng bức quá/Em đang cần 1 ly nước đá/Đừng bắt em phải ra ngoài đường/Em chỉ cần có 4 bức tường/Có điều hòa và 1 cái giường/Nếu ra đường chỉ thấy nóng như cái lò…”. Sản phẩm âm nhạc này gợi tới những liên tưởng dung tục trên nền âm nhạc cũng như cách thể hiện chỉ nhằm mục đích câu like của nhạc sĩ, ca sĩ và nhà sản xuất.
Vì đâu nên nỗi
Trao đổi về vấn đề này, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh, Trưởng ban kiểm tra Hội Âm nhạc Hà Nội nhận xét: Nhạc trẻ hiện nay là một nồi lẩu thập cẩm đan xen giữa cái tốt, cái xấu, giữa chuyên nghiệp và không chuyên nhưng đều bị ảnh hưởng bởi 4 yếu tố đó là: lực lượng sáng tác, lực lượng biểu diễn, công chúng thưởng thức và những người làm công quản lý văn hóa nghệ thuật. Khi 4 yếu tố này được kết hợp nhuần nhuyễn với nhau hoặc buông lỏng, hoặc không ăn khớp sẽ tạo nên hiện trạng âm nhạc mà chúng ta thấy hiện nay.
Lực lượng sáng tác bao gồm các nhạc sĩ được đào tạo bài bản chuyên nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng văn hóa nghệ thuật, hoặc cao hơn từ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Bản thân các nhạc sĩ này được đào tạo bài bản về phương pháp sáng tác nhất là các nhạc sĩ nổi tiếng thời kỳ trước đó. Sau này cũng có lớp các nhạc sĩ trẻ được đào tạo bài bản từ nước ngoài, tuy nhiên về bản lĩnh âm nhạc chưa thể bằng những nhạc sĩ gạo cội xưa. Vì vậy việc đào tạo các thế hệ nhạc sĩ kế cận cũng có phần hạn chế hơn.
Điều đáng nói ở đây là ở những nhạc sĩ “tự phong”, họ không được đào tạo chuyên nghiệp. Những nhạc sĩ này cũng tập sáng tác và nhờ PR, nhờ các công nghệ hiện đại trong phòng thu tạo ra những sản phẩm âm nhạc. Lực lượng nhạc sĩ này khá đông, họ chạy theo thị trường cùng những thị hiếu nhất thời nào đó. Và chính từ những nhạc sĩ “tự phong” này sinh ra những tác phẩm âm nhạc không được trau chuốt, kém chất lượng.
Ở góc độ lực lượng biểu diễn, cũng có những ca sĩ được đào tạo bài bản trong các trường nhạc hoặc các trường văn hóa nghệ thuật. Các ca sĩ này sẽ được đào tạo chuyên sâu về hát nhạc cổ điển, nhạc thính phòng hoặc nhạc nhẹ. Họ đều là những ca sĩ có năng lực thẩm mỹ cao. Vì vậy khi chọn lựa một tác phẩm để thu thanh, hay biểu diễn họ luôn cân nhắc và lựa chọn kỹ lưỡng. Điều này khác xa với những ca sĩ “tự phong”.
“Những ca sĩ “tự phong” hoặc những ca sĩ bước ra từ những cuộc thi (trình độ và chất lượng của các cuộc thi cũng chỉ ở một mức độ nào đó). Họ ảo tưởng về bản thân và những ca sĩ này không thể so sánh với những ca sĩ chuyên nghiệp được đào tạo một cách chính quy. Những ca sĩ này chấp nhận hát những dòng nhạc mang tính thị trường và được sự PR của ban tổ chức hay nhà sản xuất. Thậm chí họ còn tự tạo ra scandal, phần lớn các ca sĩ tự phong này nổi tiếng chủ yếu là do scandal”. Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh