Cảm xúc dâng trào sau cuộc trò chuyện bất ngờ
Nhạc sĩ, nhà giáo Đào Hữu Thi từng là người lính chiến đấu tại Trường Sơn. Những tháng năm gian khổ đã trở thành nguồn cảm hứng để ông sáng tác những bài hát làm sống dậy miền ký ức kiêu hùng của những người lính gửi trọn thanh xuân cho Trường Sơn.
Rời quân ngũ, nhạc sĩ Đào Hữu Thi lại trở về trong vai trò người thầy giáo, nguyên là chủ nhiệm bộ môn âm nhạc, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Trong 20 năm dạy học, ông đã có nhiều đóng góp trong việc giảng dạy truyền bá kiến thức cho nhiều thế hệ học trò, đồng thời cũng là khoảng thời gian ông cho ra đời nhiều ca khúc về thầy cô và mái trường.
Ca khúc “Em là cô giáo vùng cao” được nhạc sĩ Đào Hữu Thi sáng tác năm 2018 đã mang đến những cảm xúc ấn tượng với người nghe. Với sự trình bày của ca sỹ Vi Hoa, người học trò của ông tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, ca khúc được đông đảo khán thính giả đón nhận nhiệt tình. Ca khúc đã đạt giải thưởng tại cuộc thi Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Nhạc sĩ Đào Hữu Thi kể lại, bối cảnh sáng tác ca khúc khi ông và học trò có chuyến đi thực tế sáng tác tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc, nơi có cột cờ Lũng Cú.
Đường lên Hà Giang vùng vĩ hiểm trở, bỗng nhạc sĩ thấy một hình ảnh một cô gái trên đường với dáng người nhỏ nhắn xinh xắn, liền ô tô đỗ lại hỏi thăm. Cuộc trò chuyện của nhạc sĩ với cô gái trong suốt một giờ đồng hồ và cô cho biết mình là cô giáo, đang dạy học trên bản xa.
Trong cuộc trò chuyện với nhạc sĩ, cô giáo cho biết quê ở dưới xuôi, lên vùng cao dạy học. Cũng giống các cô giáo vùng cao khác, cô rất nhớ nhà, buồn khi phải xa người thân, xa gia đình. Nhưng tình yêu với học trò đã níu giữ cô ở lại. Động lực để cô gắn bó với ngôi trường miền núi chính là ánh mắt của học trò, hình ảnh đã được nhạc sĩ khéo léo đưa vào ca khúc.
Ca khúc Em là cô giáo vùng cao
Ca từ trau chuốt, cảm động
Sau cuộc nói chuyện với cô giáo, nhạc sĩ đã phác thảo ra những ca từ của bài hát với nội dung ca khúc kể về một cô giáo miền xuôi lên vùng cao dạy học: Em là cô giáo vùng cao, em dạy học ở bản gần bản xa. Quê em ở mãi dưới xuôi. Em lên đây cùng đàn em thơ ngây sớm tối, dạy trẻ em líu lo cái chữ, tiếng chưa tròn nét chữ nghiêng nghiêng.
Những hình ảnh về học trò vùng cao và quá trình dạy học của cô giáo cũng được thể hiện sâu đậm, rõ nét trong ca từ: Học trò quen làm nương xếp đá, cái chữ em đâu đã quen gì. Cô giáo trẻ, bạn cùng rừng. Cô giáo trẻ, bạn cùng núi. Mùa xuân về hoa nở. Mùa đông về giá lạnh em đâu có sá gì. Em đem cái chữ về cho bản, cho em thơ học chữ quê hương.
Cùng với đó, người nghe có thể cảm nhận được những khó khăn, vất vả của cô giáo vùng cao trong quá trình dạy học: Sương chiều che lối đường em về. Kia vực thẳm, kia bản làng mờ xa. Đêm đêm chợt nhớ dưới xuôi. Em bâng khuâng ngọn đèn khuya bên trang giáo án. Một miền quê bóng ai thấp thoáng. Lũy tre làng lao xao giữa trưa hè. Đàn cò bay lượn trên sóng lúa. Nỗi nhớ ôi nỗi nhớ quê nhà.
Và nhạc sĩ đã mang niềm vui vào trong bài hát với niềm biết ơi cô giáo của học trò: Ánh mắt trẻ gọi về bản, ánh mắt trẻ gọi về núi. Niềm vui dạy em nhỏ lời ca rộn núi rừng. Dẫu nắng sớm mưa chiều chân em vẫn bước về khắp nẻo. Em nâng niu vần chữ yêu thương. Em là cô giáo vùng cao. Ai nhớ có công em chèo đò. Đò đầy ơn nghĩa dài lâu, có em cô giáo vùng cao đưa đò.
Nhạc sĩ Đào Hữu Thi cho biết, ca khúc về giáo dục, về thầy cô, mái trường luôn là niềm cảm hứng của ông nhiều năm nay. Hình ảnh những thầy cô giáo vùng cao vượt qua nhiều khó khăn gian khổ để dạy học trò, chấp nhận nhiều thiệt thòi, gian khổ là quá xứng đáng có tác phẩm âm nhạc cũng như tác phẩm nghệ thuật nói chung để ca ngợi.
Trong những ca khúc viết về những hi sinh vất vả của thầy cô chỉ có bài “Cô gái Tày cầm đàn lên đỉnh núi” được nhiều người biết đến, nhưng bối cảnh sáng tác đã quá lâu rồi. Còn hình ảnh những thầy cô giáo vùng cao những năm gần đây lại có quá ít tác phẩm, trong khi đó đối tượng cần ca ngợi lại có rất nhiều.
Nhạc sĩ mong muốn Cuộc thi sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường sẽ được duy trì lâu dài, tổ chức hàng năm để có những tác phẩm ấn tượng, sâu sắc hơn về chủ đề này. Đề tài về thầy cô luôn là bất tận vì ai cũng có thời đi học, ai cũng có cảm xúc chân thành với thầy cô và mái trường. Điều quan trọng là phải có động lực để các nhạc sĩ sáng tác.
Nhạc sĩ Đào Hữu Thi sinh năm 1944 tại Hà Nội, tốt nghiệp chuyên ngành Sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội. Ông từng là Đội trưởng Đội Văn công xung kích, Bộ Tư lệnh 473 Trường Sơn, cán bộ sáng tác âm nhạc của Đoàn Văn công Giải phóng. Năm 1988, ông chuyển ngành về làm giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sỹ Đào Hữu Thi đã viết nhiều tác phẩm ở các thể loại, trong đó có những tác phẩm viết cho giao hưởng, khí nhạc được đánh giá cao, được trao tặng nhiều giải thưởng. Với 9 năm sống, chiến đấu và hoạt động nghệ thuật ở Trường Sơn, nhạc sĩ Đào Hữu Thi đã sáng tác hàng trăm ca khúc về Trường Sơn, được bạn bè, đồng nghiệp gọi là “Nhạc sỹ của Trường Sơn”. Nhạc sĩ Đào Hữu Thi cũng sáng tác rất nhiều ca khúc về các thầy cô giáo, về mái trường để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán thính giả.