Cô giáo dạy tiếng Pháp và những thay đổi từ điều nhỏ nhất

GD&TĐ-Những năm qua, cô giáo Vũ Mai Vy (SN 1981) GV dạy tiếng Pháp, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (tỉnh Phú Yên) đã có nhiều phương pháp dạy học tốt giúp học sinh thay đổi tư duy và thói quen học ngoại ngữ của mình.

Cô Vy (ngoài cùng bìa phải) chỉ bài cho học sinh.
Cô Vy (ngoài cùng bìa phải) chỉ bài cho học sinh.

Với cô Vy, giáo viên không chỉ đơn thuần là người cầm tay chỉ dạy học sinh mà là người làm mới phương pháp dạy học, giúp học sinh thay đổi và tiến bộ từ những điều nhỏ nhất.

Thay đổi từ những điều nhỏ nhất

Cô Vy cho biết, niềm đam mê làm cô giáo của cô Vy bắt đầu từ lúc nhỏ. Sở dĩ ba mẹ của cô đều là những giáo viên.

“Thời bé, dù hoàn cảnh của giáo viên rất khó khăn, nhưng ba mẹ không vì khó khăn mà từ bỏ nghề. Dù khó khăn vất vả nhưng ba mẹ mình không ngại khó khăn, đến từng nhà động viên phụ huynh cho con đi học, cặm cụi dạy chữ cho từng học trò để các anh chị có được kiến thức để tiếp tục quay lại với với con đường học hành.

Mình cảm thấy nghề giáo là một nghề rất cao cả, tiếng gọi thầy cô là một điều rất thiêng liêng. Mình ước mơ trở thành cô giáo từ đấy”, cô Vy tâm sự.

Cô Vy trong một lần trò chuyện cùng học sinh
Cô Vy trong một lần trò chuyện cùng học sinh

Nuôi nấng ước mơ của mình, cô bé Vy ngày nào đã đỗ tốt nghiệp cử nhân Tiếng Pháp, Trường đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng vào năm 2003.

Năm 2005 cô Vy dạy học tại Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên). Năm 2007 cô chuyển công tác về Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh cho đến ngày nay.

Từng trải qua quãng thời gian khó khăn về hoàn cảnh khi đi học, cũng như khó khăn về việc tiếp cận môn ngoại ngữ của học sinh. Khi ra trường, đứng ở vị trí một giáo viên, cô Vy luôn tâm huyết với nghề, với học trò. Với cô Vy, học trò là lẽ sống và là động lực để mình luôn cố gắng vì các các em, luôn muốn bên cạnh các em để các em vượt qua sự mặc cảm trong quá trình học.

Cô Vy cho hay, vì tiếng Pháp là môn học khá mới mẻ đối với học sinh khi bước chân vào cấp 3, hơn nữa lại là ngoại ngữ 2 nên đa số các em không mấy húng thú với môn học này.

“Do đó, trong quá trình giảng dạy, phải tìm nhiều hình thức truyền giảng cho thật sinh động, lôi cuốn các em, ví dụ như thiết kế bài giảng bằng giáo án điện tử, dạy từ vựng bằng hình ảnh, các mẫu câu bằng các trò chơi, động viên khuyến khích học sinh tham gia phát biểu bằng điểm cộng...”, cô Vy chia sẻ.

Học sinh giao lưu, sinh hoạt văn nghệ chào mừng ngày 20/3- ngày Quốc tế Pháp ngữ
Học sinh giao lưu, sinh hoạt văn nghệ chào mừng ngày 20/3- ngày Quốc tế Pháp ngữ

Bên cạnh đó, cô Vy luôn nỗ lực trong nghiên cứu, tìm tòi các phương pháp dạy mới và học hỏi từ đồng nghiệp để truyền thụ kiến thức cho học sinh, giúp các em đam mê học môn Tiếng Pháp.

“Muốn học sinh học tốt tiếng Pháp và các môn ngoại ngữ thì điều đầu tiên chúng ta là giáo viên phải thay đổi từ những việc nhỏ nhất trong lúc giảng dạy, không khô khan và cứng nhắc, lúc đó học sinh sẽ tiếp thu bài tốt hơn”, cô Vy chia sẻ.

Trau dồi kiến thức để nâng cao chất lượng dạy học

Điều khiến cô Vy nhớ nhất trong quãng thời gian giảng dạy của mình chính là lúc cô vừa về trường THPT Trần Quốc Tuấn.

“Lúc này tôi về được giao chủ nhiệm một lớp chọn, tuy nhiên trong lớp có một học sinh thường xuyên nghỉ học, hay vi phạm nội quy của trường. Năm lớp 10, nhận giấy khen học sinh tiên tiến, bạn xé giấy khen trước mặt giáo viên”, cô Vy nhớ lại.

“Mình tìm đến tận nhà để xem vì sao bạn hay vi phạm nội quy mới biết, ba mẹ đi làm ăn xa, bạn là con trai đầu, sau còn 3 cô em gái, đứa nhỏ nhất mới 2 tuổi. Bạn ấy vừa đi học, vừa chăm em lại phải gánh vác công việc đồng áng. Nhưng giáo viên chủ nhiệm lớp 10 chưa hiểu hết hoàn cảnh của bạn.

Tôi đã huy động bạn bè tặng sách vở, liên hệ các thầy cô giáo của trường, xin cho bạn đi học thêm để lấy lại những kiến thức đã mất. Các thầy cô và các bạn rất nhiệt tình giúp đỡ. Ngoài ra, tôi sẵn sàng giúp đỡ bạn ấy trong việc học, những buổi học kỹ năng…điều đó khiến bạn học sinh ấy cảm nhận được tình yêu thương, bạn đã cố gắng để vươn lên và đạt được thành quả như ý muốn”, cô Vy cười nói.

Học sinh đang làm mô hình tên lửa nước do cô Vy hướng dẫn.
Học sinh đang làm mô hình tên lửa nước do cô Vy hướng dẫn. 

Không chỉ chuyên về ngoại ngữ, giúp các em học sinh học tốt về tiếng Pháp, cô Vy còn nghiên cứu các đề tài, sáng kiến kinh nghiệm trong dạy học, giúp học sinh trong trường có những kỹ năng sống, kỹ năng mềm.

Cụ thể, năm học 2019-2020, cô Vy là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, với sáng kiến cấp tỉnh về “Phát triển kỹ năng mềm cho học sinh thông qua việc định hướng thành lập các nhóm hoạt động xã hội”, và cũng với mô hình này, cô Vy đã nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT về phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”…

Ngoài những giải thường trên, từ năm học 2009-2010, 2010-2011, 2017-2018 cô Vy liên tục đạt chiến sĩ thi đua cơ sở, sáng kiến cấp ngành. Năm học 2018-2019 chiến sĩ thi đua cơ sở, sáng kiến cấp ngành, bằng khen của UBND tỉnh Phú Yên.

Cô Vy cho rằng, những sáng kiến trên sẽ giúp học sinh củng cố, rèn luyện các kỹ năng mềm, kỹ năng sống cần thiết trong giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày. Đồng thời giúp các em tự tin hơn khi thể hiện năng lực của bản thân, bản lĩnh hơn khi đối phó với các vấn đề xảy ra trong quá trình học tập, sinh hoạt.

“Ngoài ra còn giúp các em xác định được kỹ năng nào là kỹ năng cơ bản, cần thiết cho bản thân trong sinh hoạt gia đình, ngoài xã hội. Tuy nhiên, để làm tốt điều này, giáo viên phải là người cầm trịch. Chính vì vậy phải trao dồi kiến thức, nâng cao chất lượng dạy học và thay đổi từ những điều nhỏ nhất trong cách tiếp cận dạy học. Lúc đó chúng ta sẽ giúp học sinh tiến bộ tốt hơn”, cô Vy chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ