Thầy giáo trẻ với tấm lòng thiện nguyện

GD&TĐ - Đã từ nhiều năm nay, ngoài công việc giảng dạy, thầy giáo Nguyễn Quang Đại, giáo viên môn Ngữ văn, trường THPT Thanh Ba (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) đã tích cực tổ chức các hoạt động thiện nguyện. Hoạt động đó của thầy đã phần nào chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cuộc sống...

Thầy Đại (áo kẻ) trao quà cho người nghèo khi tổ chức thiện nguyện
Thầy Đại (áo kẻ) trao quà cho người nghèo khi tổ chức thiện nguyện

Sau ba năm đứng trong quân ngũ, thầy giáo Nguyễn Quang Đại (sinh năm 1980) học khoa Ngữ văn, trường ĐHSP Hà Nội 2 và tốt nghiệp năm 2007. Xuất phát từ truyền thống gia đình, với tấm lòng yêu thương, đồng cảm, luôn sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, ngay từ khi là bộ đội, sinh viên, thầy Đại đã tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện do đơn vị, lớp, khoa và Đoàn trường tổ chức. Sau khi tốt nghiệp ĐHSP, thầy Đại tiếp tục tham gia các hoạt động này và đến năm 2015, hoạt động thiện nguyện mới được thầy tổ chức liên tục cho đến nay.

Với suy nghĩ, cuộc sống xung quanh mình có nhiều người, nhiều hoàn cảnh cơ cực, khó khăn, bệnh tật, nhiều em nhỏ mồ côi, nhiều người già không nơi nương tựa cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng để họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, thầy giáo Đại đã tự nguyện, tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện tại địa phương nơi mình sống và công tác, tại các tỉnh vùng cao như: Sơn La, Hà Giang...

Thầy giáo Nguyễn Quang Đại (thứ 3 từ phải sang) trao quà cho người nghèo khi tổ chức thiện nguyện
 Thầy giáo Nguyễn Quang Đại (thứ 3 từ phải sang) trao quà cho người nghèo khi tổ chức thiện nguyện

Để các hoạt động thiện nguyện được tổ chức đúng mục đích và có ý nghĩa, trước khi tiến hành, thầy Đại đi khảo sát các đối tượng khó khăn cần sự giúp đỡ sau đó tuyên truyền, kêu gọi trực tiếp hoặc qua trang mạng xã hội để mọi người cùng chung tay giúp đỡ tinh thần, vật chất, kinh phí cho hoạt động.

Thầy Đại chia sẻ, muốn tổ chức được các hoạt động thiện nguyện, trước hết cần có tấm lòng đồng cảm, sẻ chia chân thành với những người gặp khó khăn. Người đứng ra tổ chức cần tận tình, tận tâm, chân thật thì sẽ được mọi người ủy thác. Đồng thời, khi kêu gọi mọi người cùng góp sức, góp kinh phí hay vật chất thì cần công khai rõ ràng, minh bạch và trao đến tận tay người trong diện được giúp đỡ. Từ đó nhận được sự tin tưởng của mọi người. Bản thân thầy Đại mỗi khi tổ chức thiện nguyện cũng tự nguyện trích một phần lương của mình để tổ chức.

Nhờ cách làm này, trong những năm qua, mỗi lần tổ chức thiện nguyện, thầy giáo Nguyễn Quang Đại đã được đông đảo đồng nghiệp, học sinh và các nhà hảo tâm ủng hộ bằng tinh thần và vật chất để có được những món quà giúp đỡ người nghèo. Đặc biệt, gia đình và nhà trường nơi thầy công tác rất ủng hộ việc làm của thầy Đại vì đó là những việc làm có ý nghĩa đối với cuộc sống, với những hoàn cảnh cơ nhỡ cần sự sẻ chia.

Mỗi lần tổ chức thăm hỏi, tặng quà tại các địa phương là mỗi lần để lại cho thầy giáo Nguyễn Quang Đại những trải nghiệm về cuộc sống, con người. Đặc biệt, có những kỷ niệm không thể nào quên khi thầy và bè bạn lặn lội lên vùng cao thiện nguyện. Thầy Đại kể rằng, có lần, đi đến vùng lũ Sơn La, đường đi rất nguy hiểm, xe chở nặng hơn 100 suất quà trị giá 1 triệu/suất. Bất ngờ, xe bị mất phanh trôi dốc, cả đoàn được một phen mất vía. May lần đó không xảy ra tan nạn. “Mặc dù có những chuyến đi khá nguy hiểm do đường đèo dốc nhưng lửa thiện nguyện vẫn không hề tắt mà càng tăng thêm lòng nhiệt tình và khát khao được sẻ chia” - thầy Đại nói.

Thiện nguyện để sẻ chia, để chung tay cùng cộng đồng giúp đỡ những những gia đình, những hoàn cảnh còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống là hoạt động đã và đang được toàn xã hội tổ chức ở khắp mọi nơi. Đó cũng là điều thôi thúc và trở thành lẽ sống tự nguyện của thầy giáo trẻ Nguyễn Quang Đại. Bởi lẽ, đó là những việc làm tử tế để cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn, cho mọi người gần gũi và yêu thương nhau hơn. Đó như một lẽ giản dị mà thánh thiện trong ca từ của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...”.

Tính đến nay, nhờ liên tục tổ chức thiện nguyện hằng năm, với sự chung tay của mọi người, thầy Nguyễn Quang Đại đã giúp đỡ được gần 30 hoàn cảnh tại địa phương và các tỉnh vùng cao Hà Giang, Sơn La với số tiền gần 300 triệu đồng.

Khi hỏi về các hoạt động thiện nguyện giúp ích gì cho bản thân trong cuộc sống, công việc, đặc biệt là dạy học? Thầy Đại chia sẻ: “Tổ chức thiện nguyện bản thân mình luôn cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, có nhiều dẫn chứng sinh động về con người, cuộc sống xung quanh để giáo dục các em học sinh biết yêu thương, biết chia sẻ với những người nghèo khổ xung quanh mình”. Thầy Đại cho biết, hè năm 2017 vừa qua, thầy có thành lập đội thiện nguyện mang tên 747 gồm 10 em học sinh nhiệt tình, đi quyên góp, chia sẻ và hoạt động khá hiệu quả tại địa phương.

Mọi hoạt động thiện nguyện do thầy Đại tổ chức đều hướng tới mục đích nhằm giúp những người nghèo khổ vơi đi một phần nhỏ khó khăn trong cuộc sống, giúp họ lạc quan hơn vì họ thấy và tin rằng xung quanh họ vẫn còn nhiều người tốt, nhiều người tử tế. Vì thế hãy vươn lên hoàn cảnh và sống có ích cho xã hội…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.