Nhạc sĩ Doãn Nho tràn đầy nhiệt huyết, đam mê trên phím đàn

GD&TĐ - Với âm nhạc, có thể nói nhạc sĩ Doãn Nho chưa bao giờ hết sôi nổi, nhiệt huyết và đam mê.

Nhạc sĩ Doãn Nho say sưa trên phím đàn. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Nhạc sĩ Doãn Nho say sưa trên phím đàn. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Hiếm ai có được vinh dự như nhạc sĩ Doãn Nho khi vừa có nhiều ca khúc được nhiều người biết đến và mến mộ vừa có những tác phẩm giao hưởng, opera được dàn dựng và công diễn. Mới đây, vở opera “Bài ca tình yêu” của ông công diễn đã gây được tiếng vang trong lòng công chúng.

Dạt dào tình cảm với Bác Hồ

Cách đây 4 năm, khi nhạc sĩ Doãn Nho được Đảng, Nhà nước trao giải thưởng cao quý nhất - Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, tôi đến thăm ông khi mà trên khuôn mặt, trong ánh mắt của người nhạc sĩ già vẫn lấp lánh niềm vui, niềm tự hào.

Nhạc sĩ Doãn Nho kể lại, thuở nhỏ ông từng được ngắm và nghe giọng nói thân thương của Bác Hồ trong Ngày Quốc khánh 2/9 trên Quảng trường Ba Đình. Cũng có lần ông được ngắm Bác khi Người ghé thăm chùa Láng gần nhà ông (làng Cót, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Sau này, khi đã trưởng thành, cả hai vợ chồng ông đều công tác trong Đoàn Ca múa nhạc Quân đội thì đã có không ít lần được tham gia các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong Phủ Chủ tịch.

“Năm 1966, trước khi đoàn chúng tôi đi vào chiến trường Tây Nguyên phục vụ chiến sĩ, cũng được gặp Bác. Hôm ấy Người còn hướng dẫn chúng tôi cách mắc võng, giăng mùng, cách ăn uống thế nào để có đủ sức khỏe còn đi phục vụ anh em chiến sĩ trong chiến trường gian khổ.

Lần cuối được gặp Bác trong Phủ Chủ tịch, thấy Bác yếu quá, cả đoàn văn nghệ sĩ ai cũng xúc động nên lặng đi, nhưng Bác thì cứ cười tươi, giục giã: “Kìa các chú, sao cứ yên lặng thế, hát lên chứ, múa đi chứ!”. Ấn tượng thân thương và những lời căn dặn của Bác, cho đến giờ tôi vẫn không thể nào quên”, nhạc sĩ Doãn Nho nhớ lại.

Cũng chính từ tình cảm được đắp bồi trong những lần gặp vị Cha già kính yêu của dân tộc mà khi ở chiến trường Tây Nguyên nghe lời thơ chúc Tết Mậu Thân 1968 của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sóng phát thanh: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”, nhạc sĩ Doãn Nho đã sáng tác ca khúc “Tây Nguyên mừng đón thơ Bác”.

Chia sẻ về ca khúc đặc biệt này, nhạc sĩ Doãn Nho cho biết, trong thời kỳ gian khổ mà được nghe giọng nói của Bác qua sóng phát thanh thì càng xúc động hơn.

Lời thơ chúc Tết của Bác năm nào như một luồng sinh khí, như lời hiệu triệu để toàn quân, toàn dân ta, trong đó có các lực lượng vũ trang và bà con các dân tộc ở Tây Nguyên cùng đứng lên. Tất cả những văn nghệ sĩ thế hệ ông - những người đã đi chiến trường trong những năm tháng khói lửa đều cảm nhận được điều ấy.

Tây Nguyên - mảnh đất của những con người anh hùng, kiên cường, bất khuất, mảnh đất đã phải hứng chịu biết bao bom đạn, chất độc da cam và cũng là “cái nôi” của những làn điệu dân ca rất nổi tiếng của đồng bào dân tộc H’rê.

Những làn điệu dân ca này là chất liệu để Doãn Nho sáng tác những giai điệu chân thành, tha thiết, khỏe khoắn trong ca khúc duy nhất mà ông “dám” phổ thơ Bác.

Có lẽ ấn tượng nhất của ca khúc là ở phần điệp khúc khi nhạc sĩ đã khéo léo lồng vào lời thơ chúc Tết Mậu Thân 1968 của Người, đem lại không khí hào hùng, như một lời động viên tinh thần đầy tha thiết gửi tới đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Việc sử dụng chất liệu dân ca khi khắc họa hình ảnh Tây Nguyên kết hợp với lời thơ chân thành của Bác đã tạo chiều sâu cho tác phẩm. Do vậy, nhịp điệu ca khúc không nhanh nhưng vẫn rộn ràng, tươi mới.

Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về “Tây Nguyên mừng đón thơ Bác” lại được vang lên khắp các buôn làng và là một trong những ca khúc hay nhất về Bác Hồ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Nhạc sĩ Doãn Nho và tác giả (bìa trái). Ảnh: Đức Anh.

Nhạc sĩ Doãn Nho và tác giả (bìa trái). Ảnh: Đức Anh.

Kể chuyện dời đô bằng âm nhạc

Mặc dù nổi tiếng với nhiều ca khúc, thế nhưng nhạc sĩ Doãn Nho lại cho rằng, đó chỉ là thể loại “xung kích” còn sự nghiệp của ông chủ yếu nằm ở các tác phẩm lớn, trong đó nổi bật là thanh xướng kịch “Hoa Lư Thăng Long - Bài ca dời đô” (cùng với thanh xướng kịch “Trẩy hội đền Hùng”, liên khúc giao hưởng “Chiến thắng” và giao hưởng “Khúc tưởng niệm”) đã vinh dự được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Thanh xướng kịch “Hoa Lư Thăng Long - Bài ca dời đô” là tác phẩm Doãn Nho đã ấp ủ trong 10 năm, như nhiều người vẫn nói rằng, ông đã thành công trong việc kể chuyện dời đô bằng âm nhạc.

Năm 2010, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã công diễn vở thanh xướng kịch này với sự tham gia của gần 150 nghệ sĩ và đây được coi là một trong những hoạt động âm nhạc chính thức của Hội Nhạc sĩ Việt Nam chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hơn nữa, đây cũng là vở thanh xướng kịch mà chính con trai ông, nhạc sĩ, NSƯT Doãn Nguyên là người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng.

Vốn được đào tạo bài bản với học hàm Tiến sĩ Lý luận âm nhạc tại Nhạc viện Kiev (Liên Xô cũ), nhạc sĩ Doãn Nho rất chú tâm sáng tác những tác phẩm lớn ở thể loại khí nhạc - một thể loại đòi hỏi kỹ thuật sáng tác phức tạp nhất và đương nhiên cũng rất “kén” người nghe.

Ngay từ năm 2001, ông đã viết xong chương 1 “Lý Thái Tổ xuống Chiếu dời đô”. Năm 2003, chương này đã được dàn dựng thành công, đến năm 2004 thì tác phẩm được biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Thủ đô và biểu diễn tại Hoa Lư (Ninh Bình) trong dịp kỷ niệm 995 năm ngày vua Lý Thái Tổ dời đô. Theo nhạc sĩ, chương 1 có thể trình diễn như một tác phẩm độc lập ngay cả khi ông đã hoàn thiện tiếp các chương còn lại.

Trong suốt những năm sau đó, lúc nào nhạc sĩ Doãn Nho cũng đau đáu nỗi niềm phải hoàn thiện tác phẩm về câu chuyện dời đô lịch sử ấy. Ông không ngừng tìm tòi, nghiên cứu tài liệu lịch sử, nuôi dưỡng cảm hứng sáng tác, trong đó việc nuôi dưỡng cảm hứng sáng tác trong thời gian dài như vậy là việc làm thực sự không dễ.

“Tôi may mắn có người bạn thân là nhà thơ Tạ Hữu Yên quê ở Hoa Lư (Ninh Bình) rất am hiểu về mảnh đất cố đô. Vì thế, khi có ý định viết tác phẩm này tôi đã gặp Tạ Hữu Yên với ý định nhờ bạn viết lời phần kịch của thanh xướng kịch “Hoa Lư - Thăng Long: Bài ca dời đô”. Vì thế chúng tôi đã cùng có chuyến đi về thăm cố đô Hoa Lư”, nhạc sĩ Doãn Nho nhớ lại.

Trên nền đất cũ, nhạc sĩ Doãn Nho đã hình dung lại cảnh lâu đài thành quách xa xưa, cảnh vua Lý Thái Tổ ban “Chiếu dời đô”, cảnh thần dân trăm họ đưa tiễn đức vua trong lưu luyến. Thế rồi, các chương tiếp theo lần lượt ra đời như: “Rời bến Gềnh Thác”, “Ngược dòng sông Hồng” và “Cập bến Đại La”.

Toàn bộ tác phẩm là một khung cảnh hùng tráng về hành trình dời đô lịch sử của vua Lý Thái Tổ. Đó là, cảnh thuyền rồng của vua rời bến Gềnh Thác thì cũng là lúc bầy hạc trắng từ trong núi Hồi Hạc (địa danh nay thuộc thành phố Ninh Bình) bay tới tiễn đưa khiến nhà vua và quần thần vô cùng hoan hỉ, được dàn dựng thành một cảnh ballet trên nền nhạc xúc động.

Tiếp đó là cảnh thuyền rồng của quan quân ngược dòng sông Hồng gặp sự hiền linh của Thánh Tản Viên, Thánh Chử Đồng Tử, công chúa Tiên Dung, Thánh Gióng và thần Mỵ Nương (dân gian tôn là Mẹ Lúa) chỉ dụ cho vua Lý Thái Tổ biết cách trị nước, mở rộng bang giao, kết hợp chặt chẽ giữa dựng nước và giữ nước.

Thuyền rồng cập bến Đại La đúng lúc dáng Rồng bay lên cũng là đoạn kết được thể hiện bằng ánh sáng cùng múa tạo hình rồng vàng cuộn lên trên nền nhạc và hợp xướng…

Ra mắt vở opera ở tuổi 89

Nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ trong buổi họp báo ra mắt vở Opera 'Bài ca tình yêu'. Ảnh tư liệu.

Nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ trong buổi họp báo ra mắt vở Opera 'Bài ca tình yêu'. Ảnh tư liệu.

Những ngày cuối tháng 12/2022, nhân dịp kỷ niệm kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022), nhạc sĩ Doãn Nho lại được bạn bè, công chúng, giới báo chí nhắc đến nhiều hơn như một “hiện tượng”, đó là ra mắt vở opera “Bài ca tình yêu” ở tuổi 89.

Đây là vở opera đầu tiên ông viết trong ba năm (từ 2011 đến 2014) dựa trên câu chuyện có thật trong giai đoạn từ chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 đến trước chiến dịch Mậu Thân 1968.

Đây cũng là vở opera thứ bảy về người lính Cụ Hồ được công diễn ở Việt Nam. Viết về người lính trong chiến tranh nhưng đặc biệt ông không muốn mang đạn bom, chết chóc vào vở mà muốn khai thác khía cạnh tình yêu của họ.

Nhạc sĩ Doãn Nho nhấn mạnh, vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu” là công trình nghệ thuật có quy mô lớn và giá trị tư tưởng, nghệ thuật sâu sắc, ca ngợi sự hy sinh cao cả, ý chí, truyền thống anh hùng của quân, dân ta.

Ông đã dồn tất cả tâm huyết cùng với sự thăng hoa về cảm xúc khi suy nghĩ về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Opera là âm nhạc của phương Tây nên khi vận dụng để viết “Bài ca tình yêu” mang tính “thuần Việt”, ông đã vận dụng dân ca của người Việt rất nhuần nhuyễn.

Mặc dù là vở nhạc kịch nhưng ông đã khai thác những đặc thù rất riêng của nghệ thuật cải lương, tuồng, chèo, kết hợp giữa dân tộc và hiện đại để phù hợp khán giả, nhất là khán giả trẻ.

90 năm tuổi đời với hành trang đồ sộ mang bên mình là nhiều ca khúc, tác phẩm lớn được phổ biến rộng rãi, sở hữu nhiều giải thưởng cùng nhiều huân, huy chương cao quý, nhạc sĩ Doãn Nho vẫn sung sức, miệt mài trong sáng tác, nghiên cứu, phê bình âm nhạc, đặc biệt ông vẫn rất hăng hái tham gia các cuộc vận động sáng tác, trại sáng tác. Với âm nhạc, có thể nói ông chưa bao giờ hết sôi nổi, nhiệt huyết và đam mê.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đón xem kết quả xsmb siêu chuẩn