Nhạc sĩ Hoàng Giai: 'Kho tư liệu' về âm nhạc thiếu nhi

GD&TĐ - Vinh dự 6 lần được gặp Bác Hồ, nhạc sĩ Hoàng Giai - nguyên Trưởng khoa Thiếu nhi Trường Đoàn Trung ương, đã sáng tác hàng trăm ca khúc thiếu nhi.

Nhạc sĩ Hoàng Giai trong buổi trao đổi với hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội.
Nhạc sĩ Hoàng Giai trong buổi trao đổi với hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội.

Có năng khiếu âm nhạc, vinh dự 6 lần được gặp Bác Hồ, nhạc sĩ Hoàng Giai, nguyên Trưởng khoa Thiếu nhi Trường Đoàn Trung ương (nay là Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) đã sáng tác hàng trăm ca khúc thiếu nhi.

Ông còn sưu tầm, biên soạn 3 cuốn sách có giá trị về âm nhạc dành cho thiếu nhi như “Em mơ gặp Bác Hồ”, “100 ca khúc đặc sắc thiếu nhi với Bác Hồ” và “Màu áo chú bộ đội”. Ông hy vọng qua tác phẩm của mình sẽ góp phần giáo dục để các em có tâm hồn trong sáng, chăm ngoan, học giỏi.

Không “giấu” nghề

Năm nay đã xấp xỉ tuổi 90 nhưng mỗi khi gặp hay trò chuyện qua điện thoại với nhạc sĩ Hoàng Giai, tôi luôn thấy sự say sưa, nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng ở ông. Trong những buổi báo cáo tác phẩm mới của Hội Âm nhạc Hà Nội, nơi ông là hội viên, người ta luôn thấy người nhạc sĩ già với dáng đi nhanh nhẹn, khoan thai.

Là người thẳng thắn và thực lòng muốn giúp đỡ những hội viên mới, những người sáng tác còn “non” tay nên ở những buổi báo cáo tác phẩm ấy, ông luôn có những ý kiến góp ý xác đáng, chân tình. Không ít người mới sáng tác đã trưởng thành hơn từ những lời góp ý, động viên của ông.

Gần đây, tôi đã được nhạc sĩ Nguyễn Hồng Vân, nguyên là sĩ quan Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), một hội viên mới của Hội kể về sự ra đời của ca khúc “Cô chú công an với mái trường” đã được Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an ngợi khen và được Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đến tận nhà tặng quà của Bộ trưởng Tô Lâm kèm bức thư khen của Cục Cảnh sát giao thông.

“Khi tôi kể ý tưởng sáng tác bài hát này với nhạc sĩ Hoàng Giai, ông đã không ngừng động viên, khuyến khích, hối thúc tôi khi có ý tưởng là hãy ra bài luôn. Càng để lâu thì các ý tưởng khác chồng chéo lên, người sáng tác sẽ mất luôn cảm xúc. Hơn nữa đây là bài hát về thiếu nhi mà nhạc sĩ Hoàng Giai lại là người cả đời đau đáu về mảng đề tài này”, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Vân kể.

Định hình tên tuổi

Tuyển tập sách 'Mầu áo chú bộ đội'.

Tuyển tập sách 'Mầu áo chú bộ đội'.

Nhạc sĩ Hoàng Giai cho biết, ông yêu âm nhạc từ bé. Giai đoạn 1951 - 1953, ông được cử đi học sư phạm tại Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc) và được thầy Nguyễn Hữu Hiếu - người chỉ huy đầu tiên của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, trực tiếp dạy nhạc.

Cùng lứa với ông còn có Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam). Có năng khiếu âm nhạc lại được người thầy tài năng chỉ bảo tận tình, Hoàng Giai đã trưởng thành nhanh chóng. Từ khi về nước, ông vừa làm công tác giáo dục vừa sáng tác nhạc cho thiếu nhi.

“Suốt 6 năm liên tiếp kể từ năm 1956 trong Hội nghị cải cách giáo dục ở Đông Dư (huyện Gia Lâm) cho đến năm 1961 tại Đại hội Đoàn toàn quốc, tôi may mắn được gặp Bác, được nhìn thấy Bác bằng xương bằng thịt và điều gì đó cứ thôi thúc tôi viết về đề tài thiếu nhi, bởi như nhạc sĩ Phong Nhã từng viết “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”. Năm 1961 tôi đã sáng tác ca khúc đầu tay “Măng non trưởng thành”. Và cho đến nay đã 60 năm trôi qua nhưng chưa ngày nào tôi thôi suy nghĩ, trăn trở về chủ đề này”, nhạc sĩ Hoàng Giai nói.

Thế nhưng, phải hơn 30 năm sau đó, khi đã ở độ “chín” của tài năng thì sự ra đời của ca khúc “Hoa lê trắng” mới thực sự khẳng định tên tuổi của nhạc sĩ Hoàng Giai trong đề tài thú vị này. Bài hát này đã được ghi nhận qua thử thách của thời gian và hiện đã được in trong sách giáo khoa Âm nhạc lớp 3.

Ông kể, tháng 8/1993, ông được cử lên Hà Giang tập huấn và thấy choáng ngợp trước cảnh núi non hùng vĩ nên đã sáng tác ca khúc “Hà Giang quê hương em”. Ca khúc này sau đó đã được giải Nhất trong cuộc thi Hoa phượng đỏ của tỉnh.

Hôm lên nhận giải, Giám đốc Cung Thiếu nhi tỉnh Hà Giang động viên ông viết một bài để tỉnh sử dụng cho Liên hoan “Tiếng hát tuổi thơ và nhân dân” sắp tới. “Tôi trăn trở suốt mấy đêm rồi một suy nghĩ lóe trong đầu là Hà Giang có hoa lê trắng rất nổi tiếng, vậy tại sao mình không viết về nó để nói về trẻ thơ với tâm hồn sáng trong, thơ ngây. Vì sáng tác cho thiếu nhi nên tôi chủ ý viết ngắn, lời ca dễ thuộc, dễ nhớ, nhưng lại phải mang thông điệp sâu xa là các em thiếu nhi sau này sẽ làm chủ đất nước, làm “rực sáng dải đất biên cương””, nhạc sĩ Hoàng Giai nhớ lại.

Đánh giá về ca khúc này, Đại úy, nhạc sĩ Dương Trọng Thành (giảng viên Khoa Quản lý văn hóa, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) cho biết: “Ca khúc với giai điệu tươi tắn, hồn nhiên; ca từ trong sáng giàu hình ảnh đất rừng miền núi phía Bắc khi mùa xuân về; tiết tấu rộn rã, nhịp nhàng, tốc độ vừa phải phù hợp với tư thế của các em thiếu nhi khi biểu diễn. Bài hát viết ở giọng rê trưởng mang màu sắc sáng sủa, tầm cữ phù hợp với chất giọng thiếu nhi. Với giai điệu, lời ca như vậy sẽ giúp nhiều cho việc sử dụng chất liệu múa, nếu múa minh họa cho bài hát cũng rất hiệu quả”.

Nếu như ca khúc “Hoa lê trắng” là nỗi lòng của người nhạc sĩ gốc Hà Nội tặng các em thiếu nhi thì hành khúc “Hát mừng những búp măng non” được ông trân trọng dành tặng cán bộ phụ trách thiếu nhi. Bài hát này chỉ có 4 câu, cũng rất dễ nhớ, dễ thuộc: “Chúng tôi tự hào người phụ trách thiếu nhi/ Tay giương cao cờ đỏ sao vàng, vai tung bay phấp phới khăn quàng/ Búp măng non bên lũy tre làng, đón ánh bình minh/ Tâm hồn trong sáng chúng tôi luôn sẵn sàng” mà như đúc kết, hàm chứa được cả nỗi niềm, tâm tư cũng như tinh thần của người cán bộ phụ trách thiếu nhi.

Không chỉ biết đến với những ca khúc về thiếu nhi, ông còn tỏ ra có duyên với những ca khúc về người trưởng thành. Năm 2020, thời điểm dịch Covid-19 tạm lắng xuống, nhạc sĩ Hoàng Giai lên thăm thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) và sáng tác ca khúc “Sa Pa huyền thoại” được Hội Âm nhạc Hà Nội đánh giá là ca khúc hay nhất của ông về người trưởng thành.

Bài hát được viết với nhịp điệu vừa, tha thiết mang âm hưởng dân ca Tây Bắc đã thực sự “vẽ” lên một thành phố sương mờ lung linh, huyền ảo, là nơi gặp gỡ đất trời. Với các địa danh được nhắc đến, như: Thác Bạc, Cầu Mây, dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, đỉnh Fansipan “nóc nhà của Đông Dương”..., ông đã khẳng định đây là một địa danh huyền thoại, mang vẻ đẹp thần kỳ, bí ẩn.

Dù Sa Pa đã được nhiều nhạc sĩ sáng tác nhưng Hoàng Giai vẫn tìm được nét nhạc riêng biệt, độc đáo, giàu cảm xúc mà bất cứ ai nghe qua cũng phải lưu luyến, bồi hồi.

Vườn hoa đầy hương sắc

Nhạc sĩ Hoàng Giai (thứ 2 từ phải sang) trong buổi sinh hoạt tại Hội Âm nhạc Hà Nội.

Nhạc sĩ Hoàng Giai (thứ 2 từ phải sang) trong buổi sinh hoạt tại Hội Âm nhạc Hà Nội.

Không chỉ chuyên tâm công tác dạy học và sáng tác, nhạc sĩ Hoàng Giai còn dày công tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm các ca khúc hay về thiếu nhi để giúp bạn đọc có cái nhìn tổng thể, xuyên suốt về cả quá trình phát triển của âm nhạc thiếu nhi nước nhà.

Ở đó ông đã chia ra 3 mảng với 3 tập sách: “Em mơ gặp Bác Hồ” (Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, năm 2005), “100 ca khúc đặc sắc thiếu nhi với Bác Hồ” (Nhà xuất bản Âm nhạc, năm 2011) và “Mầu áo chú bộ đội” (Nhà xuất bản Dân Trí, năm 2019). Đó phải khẳng định là công việc kỳ công, cần nhiều thời gian, công sức, cần có kiến thức và sự am hiểu nhất định.

Riêng tập sách “Mầu áo chú bộ đội”, ông cùng nhạc sĩ, nhà báo Phan Phương (bút danh Fan Fương) đã sưu tầm và tuyển chọn 100 ca khúc hay về chủ đề chú bộ đội với thiếu nhi.

Ở tập sách này, nhóm tác giả đã chia thành 10 chương: “Noi gương ông cha đánh giặc giữ nước”, “Em yêu bộ đội”, “Trang sử Điện Biên”, “Hát mừng bộ đội giải phóng”, “Quà tặng chú bộ đội”, “Yêu anh chiến sĩ biên cương”, “Em sẽ là anh lính hải quân”, “Hoan hô bộ đội quân binh chủng”, “Theo bước các anh”, “Tổ quốc nhớ ơn”.

Viết lời tựa cho cuốn sách, Đại tá, nhạc sĩ, Tiến sĩ Doãn Nho đã trân trọng ghi: “Có thể nói 100 bài ca trong tập ca khúc thiếu nhi “Mầu áo chú bộ đội” đã làm nên một vườn hoa đầy hương sắc nói lên tình cảm và tấm lòng của các cháu gửi tới các chú bộ đội vô vàn thương yêu, cũng như tình cảm của các chú bộ đội dành cho các cháu thiếu nhi yêu quý”.

Sáng tác cho thiếu nhi cần ngắn gọn

Nhạc sĩ Hoàng Giai (ngồi giữa) và các hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội.

Nhạc sĩ Hoàng Giai (ngồi giữa) và các hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội.

Có thể thấy rõ hai công việc luôn song hành cùng sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Giai là sáng tác và dạy học. Với ông đó là hai công việc luôn mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mình và đặc biệt lại đều hướng đến đối tượng là các tầng lớp thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Ông luôn quan niệm, sáng tác cho thiếu nhi không thể dài dòng mà cần ngắn gọn, mạch lạc mang thông điệp rõ ràng, có tác dụng tích cực với việc hình thành nhân cách của trẻ thơ. Còn trong dạy học, ông luôn cố gắng truyền lại kiến thức đã học, đã tích lũy đến người nghe một cách dễ hiểu nhất.

Tất nhiên để làm được điều này, ông phải hiểu thật kỹ vấn đề và vận dụng từ thực tế cuộc sống của mình. Và điều quan trọng ở 2 nghề trên thì người thầy/người sáng tác phải làm việc bằng cái tâm trong sáng, tấm lòng tha thiết với đất nước, với sự nghiệp phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc.

Nếu nghe kỹ những ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Giai có thể thấy được nó cũng giống như con người của ông vậy, luôn giản dị, mộc mạc, chân tình, lời lẽ dễ nghe, dễ hiểu và cũng dễ thuộc. Ông giản dị, tận tình, chu đáo với tất cả mọi người.

Với tôi, ông là một người nhạc sĩ, người thầy đáng kính, một tấm gương nỗ lực vươn lên trong công việc. Còn nhớ lần đầu tiên gặp ông, ông đã tặng tôi cuốn sách của nhà văn, nhà báo lão thành Phan Quang (nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam) và dặn: “Cháu hãy cố gắng đọc kĩ để học hỏi cách viết của một bậc tiền bối trong nghề viết nhé!”.

Và có thể nói cuốn sách ấy đã là tài sản “gối đầu giường” của tôi trong những trang viết. Món quà nhỏ nhưng thực sự ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm, động viên của một bậc tiền bối với những người viết trẻ. Từ đó tôi có thêm động lực, niềm tin vào công việc viết lách đầy gian khó nhưng cũng rất đỗi tự hào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ