Nhạc sĩ Dân Huyền: 'Cây cổ thụ' dân ca vẫn xanh

GD&TĐ - Nhạc sĩ Dân Huyền được nhiều khán, thính giả biết đến qua những sáng tác mang âm hưởng dân ca sâu lắng, da diết từ nhiều miền của Tổ quốc.

Nhạc sĩ Dân Huyền (ngồi thứ 8, từ phải sang) vinh dự được đón Bác Hồ tại Nhà máy Ô tô 1-5, đêm 19/12/1963.
Nhạc sĩ Dân Huyền (ngồi thứ 8, từ phải sang) vinh dự được đón Bác Hồ tại Nhà máy Ô tô 1-5, đêm 19/12/1963.

Nhạc sĩ Dân Huyền, nguyên Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền Đài Tiếng nói Việt Nam được nhiều khán, thính giả biết đến qua những sáng tác mang âm hưởng dân ca sâu lắng, da diết từ nhiều vùng miền của Tổ quốc.

Ông cũng chính là người đã khởi xướng và vun trồng Câu lạc bộ (CLB) Đàn và hát dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam giữa lòng Thủ đô suốt hơn 20 năm qua.

Nhanh nhạy cập nhật công nghệ

Nhạc sĩ Dân Huyền.

Nhạc sĩ Dân Huyền.

Mỗi khi cần xin ý kiến về một đề tài văn hóa, văn nghệ hay tìm người đọc trước bản thảo bài báo còn lăn tăn vài chỗ, tôi lại tìm đến ông. Mặc dù tôi và ông thuộc hai thế hệ cách xa nhau.

Chính sự uyên bác trong các lĩnh vực âm nhạc, thơ ca, báo chí… cùng sự giản dị, khiêm nhường của một người nổi tiếng mà giữa tôi và ông dường như không có khoảng cách. Đến với ông lúc nào tôi cũng thấy sự cởi mở, chân thật, gần gũi, thân thiện như người thân trong gia đình.

Còn nhớ lần đầu tiên gặp ông, tôi đã thực sự ấn tượng về một “cụ già” gầy gò nhưng rất nhanh nhẹn, tươi cười, hòa nhã. Do thời gian không có nhiều nên tôi định xin số điện thoại của ông để trò chuyện sau nhưng lại bất ngờ khi ông đưa ra card visit được in trang trọng và khẽ nói: “Facebook của cậu là gì?”.

Thế rồi, từ ngày làm “bạn” trên Facebook với ông, tôi đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi ngày ngày ông vẫn “cập nhật trạng thái”. Đó có thể là những bức ảnh gặp gỡ bè bạn hay những bài thơ hoặc những ca khúc qua tiếng hát của các nghệ sĩ quen thuộc gắn với từng ngày lễ kỷ niệm của đất nước.

Nhìn vào số lượng tác phẩm ấy có thể nói ông sáng tác đa dạng, thường xuyên ở nhiều thể loại và cũng cho biết ông rất biết cách quảng bá tác phẩm của mình đúng thời điểm.

Các sáng tác của ông luôn xoay quanh chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, con người Việt Nam từ mọi vùng miền Tổ quốc và đặc biệt các ca khúc ấy gần như đều được ông “khoác” trên mình chất liệu dân ca truyền thống tiêu biểu như “Bên lăng Bác Hồ”, “Lắng tiếng quê hương”…

Là người sống xa quê nên lúc nào ông cũng đau đáu nỗi nhớ quê da diết bằng những ca khúc: “Hỏi người có nhớ quê chăng”, “Quê hương chín nhớ mười mong”, “Câu nhớ gửi người thương”, “Từ ngõ nhà ta”…

Nếu để ý thì những năm gần đây mỗi khi có một nhạc sĩ cao tuổi về với đất mẹ là ông lại có một bài viết trên Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV.VN). Bài viết như một nén tâm nhang với những kỷ niệm, chi tiết “độc” mà chỉ có ông, người sống cùng thời với họ mới có thể biết và viết được.

Bởi những người cùng thời với ông phần nhiều đã về với tiên tổ, một số khác thì cũng đã ốm yếu, trí nhớ giảm sút. Ví dụ khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mất, ông đã viết “Nhớ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý”; nhạc sĩ Thanh Phúc mất, ông viết “Vĩnh biệt Thanh Phúc - người nhạc sĩ quân đội tài hoa”; nhạc sĩ Phong Nhã mất, ông viết “Nhạc sĩ Phong Nhã - người dành trọn sự nghiệp sáng tác nhạc cho thiếu nhi”…

Qua những bài viết này, độc giả đã hình dung ra cả một thời bao cấp đầy khó khăn, vất vả, thiếu thốn nhưng điều đó không cản được tinh thần, sự lạc quan và lòng yêu nghề của những người nhạc sĩ tài hoa. Họ đắm đuối dâng cho đời những lời ca nốt nhạc đẹp nhất, hay nhất, tuyệt vời nhất mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Điều đáng nói không chỉ sử dụng vi tính vào việc chơi Facebook mà ông còn dùng để sáng tác nhạc. Đó hẳn là điều không dễ với một “cụ ông” đã ở tuổi U90. Với phương châm “Muốn biết thì hỏi, chưa giỏi thì học”, ông đã kiên trì học tin học bởi nó không chỉ giúp ứng dụng cho nghề nghiệp mà còn là niềm vui, làm hạn chế sự lão hóa của bộ óc.

Để dân ca sống mãi

Nhạc sĩ Dân Huyền trong một chương trình truyền hình ghi hình tại Quảng trường Ba Đình.

Nhạc sĩ Dân Huyền trong một chương trình truyền hình ghi hình tại Quảng trường Ba Đình.

Khoảng tháng 7/1996, khi phong trào nghe hát dân ca trên Đài Tiếng nói Việt Nam ngày càng rộng khắp thì Phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền liên tiếp nhận được thư đề nghị của khán, thính giả được nghe lại những bài hát mà họ yêu thích, hơn nữa là mong muốn được trực tiếp các nghệ sĩ đến lớp giảng dạy.

Vốn là nhà nghiên cứu dân ca lâu năm, nhạc sĩ Dân Huyền cho đây là một ý tưởng hay cần được triển khai lập tức. Nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Đài cùng sự giúp đỡ các nghệ sĩ thuộc Chi hội Văn nghệ Dân gian Đài Tiếng nói Việt Nam và các đồng nghiệp trong Phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền mà sáng ngày 5/7/1997, CLB Đàn và hát dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam ra đời.

Niềm vui cứ thế nhân lên, bởi trong buổi gặp gỡ để Hát cho nhau nghe của CLB đã có sự góp mặt của nhiều gương mặt không chỉ là người Kinh mà còn có đồng bào dân tộc thiểu số, du khách quốc tế.

CLB đã được nhiều báo, đài đưa tin động viên với những dòng tít: “Hay một ta cho nó lên hay hai, đẹp ba ta cho nó lên đẹp bốn”, “Với không khí âm nhạc như thế này, ai dám bảo dân ca và nhạc cổ truyền Việt Nam là lỗi thời!?”; “Một tụ điểm âm nhạc cổ truyền hấp dẫn giữa lòng Hà Nội”…

“Bằng mọi giá thầy và trò chúng ta phải giữ dân ca và quyết không xa nó” - khẩu khí của người cầm cờ, nhạc sĩ Dân Huyền đã tạo động lực tinh thần lớn lao cho các học viên tích cực đóng góp tiền bạc, công sức, hiện vật… để CLB có thể duy trì.

Nhạc sĩ Dân Huyền chia sẻ: “Trong dân ca Việt Nam không chỉ có một yêu, một nhớ, một thương mà còn đủ cả mười yêu, mười nhớ, mười thương”. Vì thế mà trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của các chương trình ca nhạc trên sóng phát thanh - truyền hình thì đàn và hát dân ca vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng.

Qua hơn hai thập niên, CLB đã tập hát và biểu diễn hơn 300 bài hát dân ca thuộc nhiều thể loại như: Chèo, cải lương, ca Huế, hát Văn... Và cho đến nay, CLB đã có khoảng gần 100 học viên sinh hoạt.

Thông qua các buổi tập hát của CLB được ghi âm phát lại trên sóng đã tạo nên một không khí âm nhạc sôi nổi có ý nghĩa xã hội hóa trong việc giữ gìn và phát huy vốn âm nhạc cổ truyền dân tộc trong thời đại mới. Nhiều học viên không chỉ tự khẳng định mình về khả năng văn nghệ mà còn trở thành những “hạt nhân” trong hoạt động văn nghệ ở cơ sở.

Qua đây, Phòng Dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam cũng phát hiện thêm nhân tố mới thường xuyên sáng tác và cộng tác cho Đài. Cũng không ít học viên sau trở thành sinh viên các trường đại học có chuyên ngành âm nhạc trên địa bàn Thủ đô.

Những kỉ niệm với Bác Hồ

Toàn bộ trang 4 báo Thủ đô Hà Nội ngày 23/4/1966 của nhạc sĩ Dân Huyền đã được Bác Hồ đọc và trao Huy hiệu của Người cho nhân vật bài viết.

Toàn bộ trang 4 báo Thủ đô Hà Nội ngày 23/4/1966 của nhạc sĩ Dân Huyền đã được Bác Hồ đọc và trao Huy hiệu của Người cho nhân vật bài viết.

Nhạc sĩ Dân Huyền có nhiều kỉ niệm với Bác Hồ. Kỉ niệm sâu sắc nhất là ông đã viết báo, được Bác Hồ đọc và trao tặng huy hiệu của Người cho các nhân vật trong bài viết của mình. Ông cũng là người sáng tác ca khúc đầu tiên về lăng Bác Hồ...

Trong niềm bồi hồi xúc động, ông nhớ về ngày 19/12/1963, Bác Hồ đến thăm Nhà máy Ô tô 1-5, nơi có phong trào “Ham học, ham làm”. Bác đã đến hỏi thăm từng người về công việc, rồi động viên mọi người cố gắng làm việc thật tốt.

Dân Huyền lúc ấy mới 25 tuổi, khuôn mặt trắng trẻo, trẻ măng đã được Bác Hồ tiến đến bắt tay và hỏi thăm xuất xứ gia đình. Khi biết cùng quê, Bác ồ lên một tiếng rồi nói: “Đồng hương rồi, cháu cố gắng nhé!”.

Vốn là người thích làm thơ, ông đã làm riêng một bài để ghi nhớ sự kiện này với tựa đề “Nhớ Bác”: “Nhớ sao một tối trăng tròn/ Bác về trong tiếng máy giòn giữa ca/ Hỏi thăm thợ trẻ, thợ già/ Đếm từng chiếc máy, xem đà máy quay/ Nhắc ai buộc lại dây giày/ “Có an toàn mới có ngày công cao”/ Thợ già Bác chỉ vào râu:/ “Càng già càng học càng giàu sức trai”/ Thợ trẻ Bác vỗ vào vai:/ “Chăm làm ham học, chớ hoài tuổi xuân”/ Đã là giai cấp công nhân/ Tiên phong mọi mặt Kiệm, Cần, Chính, Liêm/ Bác nhắc: “Thêm mấy ngọn đèn/ Để lớp thêm sáng, học viên dễ nhìn”/ Ôi sao lời Bác ân tình/ Bác mang theo nắng Ba Đình vào đêm/ Ánh đèn bổ túc sáng thêm/ Từng trang kiến thức nhân lên vạn lần/ Nhớ câu “Ham học, chăm làm”/ Ấm lời Bác dạy, mát bàn tay con/ Bác đi vào những trang hồng/ Nối dòng lịch sử anh hùng đầy hoa/ Bác còn chắp cánh cho ta/ Và đang bắt nhịp bài ca Kết đoàn”.

Còn một câu chuyện lý thú nữa, đó là nhạc sĩ Dân Huyền đã viết 3 bài báo về 4 nhân vật trên Báo Thủ đô Hà Nội (nay là Báo Hà Nội Mới). Đó đều là những nhân vật hết lòng vì công việc chung, không quản khó khăn vất vả và đạt được danh hiệu tiên tiến xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì miền Nam ruột thịt” của Nhà máy Ô tô 1-5.

Sau đó, vào ngày 15/5/1966, ông vui mừng nhận được tin từ Bộ Giao thông Vận tải và UBND thành phố Hà Nội báo tin từ Văn phòng Phủ Chủ tịch do ông Cù Văn Chước ký với nội dung truyền tải ý kiến của Bác Hồ về việc khen thưởng các nhân vật trong bài báo của ông.

Thú vị từ bút danh

Nhạc sĩ Dân Huyền tên thật là Phạm Ngọc Dần (từ tên Dần ông tách dấu huyền thành bút danh Dân Huyền). Riêng về cái tên của ông cũng đã là câu chuyện trường kỳ và hài hước.

Chả là hồi ông là Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền Đài Tiếng nói Việt Nam với một khối lượng công việc đồ sộ như vậy thế mà ông lại đề xuất mở thêm chuyên mục “Đố vui dân ca - chúng ta giải đố” phát sóng từ tháng 9/1998 và dừng lại vào năm 2007.

Nhiều người thầm nghĩ chắc ở chuyên mục “Đố vui dân ca - chúng ta giải đố” phải có từ ba, bốn người trở lên thì mới khai thác từ kho băng âm thanh để tổng hợp lại rồi đối chiếu với đáp án đúng sai của thính giả để công bố và khen thưởng.

Mỗi đợt thính giả gửi thư đi thì lại nghe thông báo thay đổi tên người nhận. Đầu tiên thì gửi thư về cho biên tập viên Phạm Ngọc Huyền, sau là biên tập viên Uyên Hồng (đọc ngược là Ông Huyền) và cuối cùng là gửi thư về cho biên tập viên Đào Chung Thủy (tên vợ ông và hai con).

Nhiều năm hân hạnh được quen biết và thân thiết nhạc sĩ Dân Huyền, ngẫm lại tôi mới thấy ở ông hiện lên tư chất của một thầy đồ xứ Nghệ, rất uyên bác, thẳng thắn nhưng không hề “gàn”, bởi ông luôn rất cầu thị, lắng nghe góp ý của người khác, mặc dù người ấy có là ai, bao nhiêu tuổi và làm gì.

Bước vào tuổi 84 khi nhiều người đã nghĩ đến sự nghỉ ngơi, sống vui vầy bên con cháu thì nhạc sĩ Dân Huyền vẫn bận rộn và đau đáu với những công việc để dân ca có sức sống lâu bền trong đời sống hôm nay.

Với ông, dân ca không chỉ là nghề nghiệp mà còn là cả một sự nghiệp mà ở đó luôn đòi hỏi người nhạc sĩ cần dày công vun vén, đắm đuối, tâm huyết và trách nhiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ