Nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam 'đắm chìm' trong văn hóa Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Có lẽ ở tuổi 74 mới tổ chức đêm nhạc cho riêng mình như Linh Nga Niê Kdam là một điều đặc biệt, nếu không muốn nói là thực sự hiếm có.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và nhạc sĩ Đức Trịnh chúc mừng đêm nhạc của nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam. Ảnh: NVCC
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và nhạc sĩ Đức Trịnh chúc mừng đêm nhạc của nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam. Ảnh: NVCC

Linh Nga Niê Kdam làm nhiều việc, như vừa sáng tác nhạc, lại viết văn rồi nghiên cứu văn hóa, làm báo… nhưng tựu trung lại những sáng tạo nghệ thuật ấy đều hướng đến “từ khóa” duy nhất, đó là Tây Nguyên.

Tây Nguyên đại ngàn đã sinh ra nữ nghệ sĩ đa tài này và cũng đã thôi thúc bà đi sâu vào thế giới của văn hóa, con người và vùng đất này bằng cảm xúc mãnh liệt nhất.

Một niềm tin không phai mờ

Nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam với nhóm du lịch cộng đồng Ê Đê Buôn Ma Thuột. Ảnh: NVCC.

Nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam với nhóm du lịch cộng đồng Ê Đê Buôn Ma Thuột. Ảnh: NVCC.

Tại Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) vừa qua, nhiều khán giả đã vô cùng ấn tượng khi được nghe ca sĩ Ygaria - con trai “huyền thoại của âm nhạc Tây Nguyên” Y Moan Enuôl - trong trang phục truyền thống của người Ê Đê vừa chơi đàn ghi ta vừa thể hiện ca khúc “Niềm tin trong tôi” của nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam.

Dĩ nhiên là tác giả của ca khúc nổi tiếng này, nữ nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam đã vô cùng xúc động, tự hào vì điều đó.

Bà bảo, xem phần thể hiện này bà nhớ 2 người, một là cha mình - bác sĩ Y Ngông Niê KDam (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội), một là học trò của bà - cố NSND Y Moan Enuôl, người đã thể hiện rất thành công ca khúc này.

“Tôi nhớ đây là bài hát cuối cùng mà Y Moan ghi hình. Hôm đó ở ngã 6 thành phố Buôn Ma Thuột, đồng chí Tòng Thị Phóng (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội) đến xem và rất xúc động”, nữ nhạc sĩ nhớ lại.

Ca khúc “Niềm tin trong tôi” đã được nữ nhạc sĩ tài hoa sáng tác từ cách đây 32 năm khi Liên Xô sụp đổ, khi mà nhiều đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam trong đó có bà mang một chút hoang mang, lo lắng. Thời điểm đó, bà đã đem lo âu tâm sự với người cha của mình.

Người chiến sĩ cộng sản dạn dày đã trấn an người con rằng: “Con hãy nhớ ba, anh chị em và con đều là đảng viên. Chúng ta phải giữ một niềm tin với Đảng…”.

Chính điều đó đã là mạch nguồn cảm xúc để bà viết nên những giai điệu đầu tiên của “Niềm tin trong tôi”: “Khi cha nói với con về Đảng/ Rạng ngời một niềm tin trong ánh mắt/Khi cha nói với con về Đảng/Ngời sáng một niềm tin bao la/Khi phong ba, lúc yên bình/ Đảng vẫn bên ta cùng đi/Đảng giữ cho ta trọn niềm tin…”.

Bài hát như lời thủ thỉ tâm tình của cha với con, của anh với em bằng một niềm tin sắt đá về con đường, sự nghiệp của Đảng sẽ soi sáng, lãnh đạo đất nước vượt qua muôn vàn gian khó.

Điều độc đáo là bà đã sử dụng chất liệu âm nhạc của Tây Nguyên để mỗi khi giai điệu vang lên người nghe đã thấy một sự hào sảng, hào hùng nhưng không kém phần da diết, một cái “chất” không thể lẫn của người Tây Nguyên.

Niềm tin không thể phai mờ trong nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam có lẽ đã được bồi đắp, vun vén từ những tháng ngày ấu thơ khi bà được theo cha lên chiến khu Việt Bắc, được gặp Bác Hồ kính yêu rất nhiều lần.

Ấn tượng trong bà về Bác Hồ là “ông Bụt” có tình yêu thương bao la đối với con trẻ. Lớn lên, làm diễn viên ở Đoàn Ca múa Tây Nguyên, sự quan tâm tỉ mỉ của Bác dành cho nghệ sĩ, hình ảnh vị lãnh tụ đặc biệt càng in sâu vào tâm khảm của bà.

Tài năng nghệ thuật cùng tình yêu vô bờ với Bác Hồ đã là chất liệu để bà sáng tác ca khúc “Bác Hồ là sao Bắc Đẩu” được khán giả Tây Nguyên và cả nước đón nhận. Đó cũng là tiếng lòng, là tình cảm của người con Tây Nguyên dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Đêm nhạc ở tuổi 74

Nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam với bà con dân tộc Bana. Ảnh: NVCC.

Nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam với bà con dân tộc Bana. Ảnh: NVCC.

Có lẽ ở tuổi 74 mới tổ chức đêm nhạc cho riêng mình như Linh Nga Niê Kdam là một điều đặc biệt, nếu không muốn nói là thực sự hiếm có.

Đêm nhạc “Tình ca Linh Nga Niê Kdam” diễn ra vào cuối năm 2022 tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk thêm phần đặc biệt hơn nữa khi có sự góp mặt của nhiều nhạc sĩ tên tuổi từ Hà Nội vào, họ là những người vừa là cấp trên, vừa là bạn thân thiết của nhạc sĩ, như: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; nhạc sĩ Nguyễn Cường...

Cũng tại đêm nhạc ấm cúng, gần gũi và thân tình đó, Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh đã “tiết lộ” rằng khi ông còn công tác tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam chính là một bước nhịp cầu kết nối, giúp nhà trường tuyển sinh các học viên ở khu vực Tây Nguyên.

Cụ thể, đã có gần 60 học sinh người các dân tộc Tây Nguyên đã được “bà mối” Linh Nga giới thiệu vào học tại ngôi trường danh giá này và rất nhiều nghệ sĩ trong số đó đã thành danh, như: Y Ga Ria, Hồ Quang Hiếu, H’Zi Na B.Y ă…

Truyền thụ kiến thức ca hát cũng là một điều bà rất tâm đắc. Từ phát hiện và dẫn dắt các nghệ sĩ Tây Nguyên như Y Moan, Siu Black, Y Phôn Ksor… đến hiện giờ vào tuổi “xưa nay hiếm” hằng tuần bà vẫn lên lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk, nơi nhạc sĩ Linh Nga từng giữ cương vị chủ tịch, cũng đã dành những lời nhận xét ghi nhận công lao của bà dành cho văn học nghệ thuật tỉnh nhà.

Thay mặt Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk, nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội, cho biết trong đêm nhạc: “Sống, yêu và nồng nhiệt là những gì mà nhạc sĩ Linh Nga đã dành cho cuộc đời, cho âm nhạc. Nhiều nhạc phẩm sáng tác về con người và vùng đất Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng của bà đã vang lên khắp nơi trên diễn đàn âm nhạc.

Những giai điệu sâu lắng mà nồng nàn, trân quý và thiết tha đã khiến bao trái tim thổn thức, thắp thêm ngọn lửa yêu vùng đất Tây Nguyên huyền thoại. Những nhạc phẩm của nhạc sĩ Linh Nga đã góp phần vào sự nghiệp phát triển âm nhạc Tây Nguyên nói chung, nền âm nhạc Đắk Lắk nói riêng”.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường, Trần Tiến không chỉ là người đặc biệt với Tây Nguyên, mà còn là người đặc biệt với cá nhân nhạc sĩ Linh Nga. “Nhạc sĩ Nguyễn Cường là thầy dạy sáng tác đầu tiên của tôi. Tôi vẫn hay gọi đùa thầy “kiếp trước là người Tây Nguyên”.

Năm 1982, khi tôi mang ca khúc đầu tay “Mưa cao nguyên” đến báo cáo nhạc sĩ Nguyễn Cường, ông đã lập tức xé ngay đoạn đầu của bài hát rồi bảo “như thế là được rồi” và cho đến tận bây giờ thanh niên Tây Nguyên vẫn yêu thích và hát bài hát này.

Còn nhạc sĩ Trần Tiến là bạn học cùng Khoa Thanh nhạc ở Nhạc viện Hà Nội với tôi. Năm 1980, theo lời mời của Đoàn Ca múa Đắk Lắk, nhạc sĩ Trần Tiến và Nguyễn Cường vào Đắk Lắk sáng tác.

Đợt đó nếu như nhạc sĩ Nguyễn Cường viết “Hơ Ren lên rẫy”, “Xôn xang mênh mang cao nguyên Đắk Lắk”, “Ơi M’Drắk” thì nhạc sĩ Trần Tiến chưa viết được bài nào. Sau đó vài năm nhạc sĩ Trần Tiến mới có “Chiếc vòng cầu hôn” rồi “Ngọn lửa cao nguyên” và tìm đến gặp tôi bảo: ‘Tôi trả nợ đây’”, nhạc sĩ Linh Nga nhớ lại.

Một phần máu thịt

Nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam say sưa truyền lại kiến thức cho học trò. Ảnh: NVCC.

Nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam say sưa truyền lại kiến thức cho học trò. Ảnh: NVCC.

Trong tâm hồn và trí óc Linh Nga luôn dành cho mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, dẫu bà sinh ra ở Tuyên Quang và sinh sống ở Hà Nội đến 24 năm (1955 - 1979). Dòng máu của người Ê Đê, của đại ngàn Tây Nguyên đã thôi thúc bà tìm về nguồn cội của chính dân tộc, quê hương mình.

Bằng tất cả sự sáng tạo đồ sộ trong con người nhỏ bé, bà đã dành hết cho Tây Nguyên với mong muốn nhiều người sẽ biết đến mảnh đất này nhiều hơn. Còn riêng với những người con Tây Nguyên, bà mong muốn thông qua tác phẩm của mình mọi người sẽ yêu thương, trân trọng những giá trị quý báu của quê hương mình hơn.

Trong thời gian giữ cương vị Phó Giám đốc Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Nguyên, nhạc sĩ Linh Nga đã có nhiều đóng góp trong việc đưa dân ca và âm nhạc Tây Nguyên lên sóng phát thanh, phục vụ nhu cầu thưởng thức âm nhạc của bà con các buôn làng.

Cùng với đó, bà cũng dành nhiều thời gian và tâm huyết tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa vùng đất, văn hóa tộc người. Những công trình nghiên cứu văn hóa của bà như: “Nghệ thuật diễn xướng Tây Nguyên”, “Lễ hội cộng đồng của người Tây Nguyên”, “Lễ cúng hồn lúa của người Sê Đăng”, “Văn học các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên”, “Nghệ thuật múa dân gian” (các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên), “Văn hóa Tây Nguyên - giàu và đẹp”...

Tất cả những công trình của bà đều là sự chắt lọc, tìm tòi để lưu lại những nét tinh túy, những cái hay, cái đẹp, giá trị văn hóa của tộc người, của vùng đất bằng trái tim thiết tha, mặn nồng, bằng trách nhiệm lớn lao, cao cả của người con Tây Nguyên.

Dẫn lời vị linh mục Jacques Dournes rằng: “Nếu phải hiểu để có thể yêu thì lại phải yêu để mà có thể hiểu”, nhạc sĩ Linh Nga cho rằng, Tây Nguyên với nền văn hóa đa dạng, phong phú và đầy huyền bí luôn cuốn hút những ai đặt chân đến với nơi này.

Khi bước vào sưu tầm văn hóa Tây Nguyên, bà bị “đắm chìm”, bị thôi miên “quên” cả sáng tác âm nhạc, dẫu bà được đào tạo bài bản về thanh nhạc và sáng tác tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Hiện nay, trong các người con của bà, cô con gái út công tác tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk đang tiếp nối công việc nghiên cứu, sưu tầm văn hóa.

Với Linh Nga Niê Kdam, dẫu nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, giảng dạy - sáng tác âm nhạc, viết văn hay viết báo, thậm chí hỗ trợ bà con các dân tộc thiểu số làm du lịch cộng đồng, đều là công việc thường xuyên, liên tục và trường kỳ gắn với Tây Nguyên, để gìn giữ, trao truyền lại cho thế hệ sau, như bà từng chia sẻ: “Tây Nguyên là một phần máu thịt, là cuộc sống và sự nghiệp của tôi, gắn bó chặt chẽ với văn hóa truyền thống, trọn vẹn cả buồn vui lẫn hạnh phúc”.

Để ghi nhận những cống hiến của bà với sự nghiệp văn hóa nghệ thuật, năm 2003 Chủ tịch nước đã tặng Huân chương Lao động Hạng Ba, năm 2010 Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk trao giải thưởng “Tôn vinh sự nghiệp cống hiến cho văn học nghệ thuật Đắk Lắk” (cùng với nhạc sĩ Kpă Púi và nhạc sĩ Nguyễn Cường).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ