Nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Trần Ngọc: Sống để yêu thương…

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Được nghe ca khúc của ông, xem tranh ông vẽ, thấy những việc ông đã làm, tôi cứ hình dung về một nhạc sĩ Trần Ngọc đa tài, luôn tràn đầy năng lượng với cuộc đời và nghệ thuật.

Nhạc sĩ Trần Ngọc suy tư bên những giai điệu.
Nhạc sĩ Trần Ngọc suy tư bên những giai điệu.

Đặc biệt, khi nghe ca khúc “Em như chim câu trắng” - nằm trong danh sách “50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX”, tôi nhận ra được chân lý sống cao đẹp, nhân văn của ông gói gọn trong những câu hát: “Sống để yêu thương/ Giữ đẹp trái đất xanh”.

Nhịp điệu những cây cọ

Nghe tiếng nhạc sĩ Trần Ngọc đã lâu nhưng gần đây tôi mới được gặp ông. Điều mà tôi khâm phục là ông say sưa, tâm huyết với nhiều loại hình nghệ thuật, đó là âm nhạc, hội họa, múa, văn học… mà lĩnh vực nào cũng đạt được những thành công nhất định. Bất ngờ hơn khi nay đã bước vào tuổi xấp xỉ 80 nhưng ông vẫn tham gia giảng dạy âm nhạc và văn hóa kinh doanh.

Đến tư gia của ông, thứ “đập vào mắt” đầu tiên là những bức tranh. Vốn học rộng nên tranh của ông có tính triết lý, mỹ học và chất văn học ẩn trong màu sắc, bố cục, ánh sáng, đường nét… Tính hiện thực trong tranh của ông mang một lối nghĩ, một cách tư duy logic, không sao chép tự nhiên.

Nó mang tính biểu hiện cao, lấy thực tế làm tư liệu vốn sống cho cảm hứng sáng tác để tạo nên một bút pháp, ngôn ngữ, màu sắc, hình tượng, bố cục… độc đáo. Ông dùng thủ pháp hội họa trang trí, kết hợp nhuần nhuyễn với thư pháp khi vẽ khiến tranh của ông khúc chiết nhưng lại khoáng đạt, tự do, thỏa sức diễn đạt ý tưởng. Ông đã kết hợp tinh tế giữa hội họa truyền thống và hiện đại nên tranh của ông đưa người xem vào dòng suy ngẫm đầy tinh thần nhân văn…

Nếu nhìn những bức vẽ này, nhiều người sẽ nghĩ ông đã đến với hội họa từ rất lâu, thế nhưng thực tế lại không phải vậy. Bởi lẽ, một thời gian khá dài ông phải toàn tâm dành mọi nguồn lực chữa bệnh hiểm nghèo cho vợ. Năm 2013, sau khi bà về cõi niết bàn ông mới có điều kiện cầm cọ.

Chỉ sau đó 5 năm ông đã có triển lãm “Nhịp điệu những cây cọ”, giới thiệu 49 tác phẩm hội họa xuất sắc nhất của mình với tư tưởng xuyên suốt là giáo dục con người hướng tới những giá trị tốt đẹp, dẹp bỏ cái xấu, tôn vinh những tổ ấm và sự thủy chung.

Ví dụ, bức “Sức mạnh tơ liễu” ý nói trong cuộc sống có người ở vào địa vị cao nhưng chỉ một chút xiêu lòng trước vẻ đẹp tính nữ mà sa ngã, quên mất những điều quan trọng hơn thì dễ rơi vào tình trạng đổ đốn. Hay bức “Tình ca mặt trăng, mặt trời” gợi người xem nghĩ đến chuyện mặt trăng và mặt trời xa cách nhau. Cái này lặn đi thì cái kia mới xuất hiện.

Nhưng Trần Ngọc không nghĩ theo sự thông thường. Ông bảo, đó là cái đẹp của anh và của em được sẻ chia một cách nhuần nhị. Anh nhường cho em tỏa sáng thì em cũng nhường lại. Em cho anh cái đẹp của em, thì ngược lại, anh cũng cho em cái đẹp của anh. Vì thế chúng ta cùng hạnh phúc…

Âm nhạc vang lên từ cuộc sống

Là người có nhiều năng khiếu, đam mê học thuật, say sưa rèn luyện nên ông đã dành thời gian đi khắp mọi miền đất nước để tìm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, cống hiến những sáng tác ca khúc cho các miền quê đất nước.

Các ca khúc gần đây của ông, như: “Sóng tình biển Hà Tĩnh”, “Đất mẹ yêu thương”, “Bến tình”, “Đắm say em cô gái Mai Châu”… đã được thể hiện qua các giọng ca top 10 “Sao Mai điểm hẹn”.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật có tiếng tại Hà Nội, Trần Ngọc là con trai của nhà viết kịch, viết nhạc Trần Côn, thế nhưng, đến tuổi trưởng thành “cậu ấm” Trần Ngọc lại xung phong đi miền núi công tác để có thời gian học hỏi, trải nghiệm, lĩnh hội các làn điệu dân ca, dân vũ.

Chính những dòng nghệ thuật đó đã “dẫn” ông vào học chuyên ngành Sáng tác - Lý luận - Chỉ huy tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và tiếp tục theo học các trường nghệ thuật khác, như hội họa, múa, sân khấu điện ảnh…

Trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc, Trần Ngọc đã sở hữu hàng trăm ca khúc viết cho các lứa tuổi nhưng ca khúc đầu tay viết cho thiếu nhi “Em như chim câu trắng” vẫn được đánh giá là ca khúc thành công, để lại dấu ấn nhất trong lòng người nghe.

Đây có thể nói là ca khúc “chào hàng” khi ông bén duyên với truyền hình khi về công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội. Bài hát sáng tác năm 1973, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ còn ác liệt với rất nhiều hy sinh, mất mát, ông đã gửi gắm khao khát hòa bình đến với nước nhà, khát khao cuộc sống ấm êm, hạnh phúc đến với mọi nhà.

Người thể hiện ca khúc “Em như chim câu trắng” đầu tiên là ca sĩ Hồng Nhung và cho đến nay qua nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện ca khúc vẫn được các em nhỏ yêu thích.

Chưng cất từ biết bao dòng cảm xúc, từ cuộc sống đầy đớn đau và nước mắt, ông đã viết ca khúc “Em như chim câu trắng” giản dị, sâu lắng. Ca khúc không chỉ đi vào lòng trẻ thơ mà qua đó là lời kêu cứu của trẻ thơ đối với các bậc cha mẹ, phải sống yêu thương hòa thuận.

Ở đó có mạch chảy sống động của tâm hồn, sự khát khao hòa bình, có niềm cổ vũ cho tình yêu thương, đoàn kết. Ở đó, sự suy tư và trở trăn đã ngấm trọn vào những con chữ giản dị, tưởng như giản đơn nhưng lại run rẩy xúc động.

Khi Hồng Nhung cất lên tiếng hát, những giọt nước mắt từ nỗi đau gia đình hay nỗi đau từ cuộc sống của chính tác giả ca khúc đã được vút lên, như bay cùng cánh chim, hòa vào bầu trời cao rộng: “Em mong sao không có nước mắt rơi chia lìa/ Em mong sao trên trái đất hoa thơm nở bốn mùa/ Em mong sao trên trái đất mỗi con người như em đây là chim trắng chim hòa bình…”.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông còn có nhiều ca khúc nổi tiếng khác, như: “Người mẹ sông Hồng”, “Con là hoa của mẹ”, “Đêm đông chờ em”, “Bến đợi”… và hai mảng đặc biệt là sáng tác kịch bản và đạo diễn phim ca nhạc dành nhiều giải cao trong các cuộc liên hoan phim toàn quốc.

Ông còn là nhạc sĩ đầu tiên sáng tạo nên sân khấu học đường với chủ đề “Tuổi thơ cười”, giáo dục cho tuổi thơ về kỹ năng sống, nghệ thuật giao tiếp, nhảy múa. Có thể nói ông hoạt động rất rộng trong lĩnh vực âm nhạc và ông như một người truyền đi thông điệp cao đẹp, nhân văn của âm nhạc.

Cánh chim lạc Việt

Nhạc sĩ Trần Ngọc hướng dẫn các cháu thiếu nhi tập múa hát chuẩn bị cho đêm nhạc “Cánh chim lạc Việt”.

Nhạc sĩ Trần Ngọc hướng dẫn các cháu thiếu nhi tập múa hát chuẩn bị cho đêm nhạc “Cánh chim lạc Việt”.

Là người sống nhân ái, ông đã dùng tiền bán tranh và tiền thu được từ ba đêm nhạc để làm từ thiện. Những ngày này, ông đang cùng Viện Mắt Hà Nội 2 tất bật chuẩn bị cho đêm nhạc thứ 4 của mình tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Đó là chương trình dạ khúc từ thiện “Cánh chim lạc Việt” gồm 3 chương: “Em như chim câu trắng”, “Suối tình chim công”, “Cánh chim lạc Việt”. Đêm nhạc ngoài thể hiện những ca khúc quen thuộc của ông, như: “Em như chim câu trắng”, “Con là hoa của mẹ”, “Những cánh chim công”, “Cánh chim và mặt trời”, “Hạt ngọc tình cha”, “Suối tình chim công”…, còn thể hiện những ca khúc “mới toanh” mà ông viết tặng Viện Mắt Hà Nội 2, như: “Ánh mắt tuổi thơ”, “Sáng mãi đôi mắt ánh sao”, “Rực sáng trái tim vàng”…

Ông gửi gắm thông điệp về một “cánh chim” Việt Nam vững vàng vượt qua sóng gió, hiên ngang tiến bước hội nhập quốc tế, nhất là khi đất nước vừa trải qua những ngày khó khăn của đại dịch Covid-19.

Đêm nhạc còn nhân thêm ý nghĩa nhân văn khi ông và Viện Mắt Hà Nội 2 sẽ kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay góp sức hỗ trợ cho các cháu khuyết tật, khiếm thị học giỏi với thông điệp “Vì đôi mắt sáng tuổi thơ”.

Thời gian biểu diễn đêm nhạc đang đến gần (ngày 21/8), vậy là từ hàng tháng nay, cứ mỗi chiều thứ 7, ông lại đến Viện Mắt Hà Nội 2 hướng dẫn các cháu là con em cán bộ, nhân viên bệnh viện tập múa hát. Các em với nhiều độ tuổi khác nhau, với năng khiếu nghệ thuật khác nhau đã tốn của ông nhiều công sức, thời gian.

Dẫu tuổi cao nhưng ông luôn cố gắng để hướng đến một chương trình biểu diễn để lại ấn tượng trong lòng người xem. Trước nay, ông thường làm đêm nhạc từ thiện một mình nhưng ở lần thứ tư này ông quyết định kết hợp cùng Viện Mắt Hà Nội 2 vì ông thấy được cái tâm của lãnh đạo bệnh viện trong việc lan tỏa những điều tử tế trong xã hội.

Trò chuyện cùng nhạc sĩ Trần Ngọc qua điện thoại cũng như trực tiếp bên ngoài, tôi luôn thấy như được truyền thêm năng lượng. Ở tuổi xấp xỉ 80 nhưng ông vẫn thật sung sức, mạnh khỏe và giàu sức đam mê, sáng tạo.

Ông bảo, bí quyết của ông là sống vô tư, lạc quan, yêu đời, không bon chen, xô bồ. Ông tự viết câu đối và lấy đó làm quan điểm sống của mình: “Tâm sáng tài cao tầm rộng lớn/ Tín vững, tình sâu thịnh ngàn năm”. Ý của ông là làm việc gì cũng phải có cái 4 chữ T, đó là chữ tâm, chữ tài, chữ tín và chữ tình.

Ông tâm niệm, nghệ thuật không phải là sao chép thực tế cuộc sống nhưng từ thực tế sinh động người nghệ sĩ sẽ tạo nên những giá trị của tư duy và nghệ thuật. Nhìn những công việc ông đã và đang làm như: Vẽ tranh, sáng tác nhạc, dạy học… có thể hiểu ông đang cố gắng làm hết sức để có thể để chạy đua với thời gian, với tuổi tác.

Bởi theo ông món quà lớn nhất, hạnh phúc nhất mà người nghệ sĩ có được chính là có một hành trình nghệ thuật, là được đắm mình trong không gian sáng tạo nghệ thuật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ