Nhạc sĩ Thao Giang làm tất cả để âm nhạc dân tộc thăng hoa

GD&TĐ - Nhiều năm dồn tâm huyết dạy đàn, dạy hát cho các em, sắp lịch biểu diễn, thu âm bài hát, nhạc sĩ Thao Giang dường như không có giây phút nghỉ ngơi.

Nhạc sĩ Thao Giang say sưa truyền đạt kiến thức cho học trò.
Nhạc sĩ Thao Giang say sưa truyền đạt kiến thức cho học trò.

Những lần đến Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam ở đình - đền Hào Nam (Hà Nội), tôi vẫn thấy người nhạc sĩ già say sưa, tâm huyết truyền dạy kiến thức âm nhạc dân tộc cho học trò. Hỏi ra mới biết, Trung tâm này đã tồn tại và phát triển được 17 năm với biết bao công sức, trí tuệ của nhạc sĩ, Giám đốc Thao Giang.

Từ lạ lẫm đến mê đắm

Nhạc sĩ Thao Giang đến với xẩm nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung nhờ chữ “duyên”. Năm 8 tuổi, một lần đi qua số nhà 32 Nguyễn Thái Học (ngày ấy là trụ sở của Trường Âm nhạc Việt Nam), ông thấy có rất đông bạn bè xếp thành hàng dài để thi tuyển vào lớp sơ cấp khóa 1 của trường.

Vốn tính tò mò lại có chút năng khiếu ca hát, ông mạnh dạn vào thi. Chẳng một chút chuẩn bị nhưng khi nhạc sĩ Tạ Phước, khi ấy là Hiệu trưởng nhà trường, là một trong 4 thành viên giám khảo (Tạ Phước, Lê Yên, Doãn Mẫn, Tô Vũ) hỏi ông biết hát không, ông đã tự tin trả lời “có” và say sưa với giai điệu của hai ca khúc “Kết đoàn”, “Giải phóng Điện Biên”.

“Thầy Tạ Phước nghe xong thì hỏi địa chỉ nhà tôi ở đâu. Thật không ngờ là vài hôm sau có giấy gọi nhập học gửi đến nhà. Vào học nhưng tôi lại không hề biết chơi một loại nhạc cụ nào, thế là được nhà trường xếp vào học đàn nhị”, nhạc sĩ Thao Giang nhớ lại.

Lạ từ cái tên đến cách chơi, thế rồi âm thanh đàn nhị đi vào tâm trí ông một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, trở thành niềm đam mê từ lúc nào không hay. 11 năm theo học đàn nhị, ông nhận thấy loại đàn này mặc dù âm thanh rất hay, da diết nhưng vẫn có một số hạn chế.

Bởi thế, ông đã cùng các bạn trong lớp cải tiến hộp cộng hưởng, cần, vĩ kéo của loại đàn này với mong muốn âm sắc phải trầm ấm hơn, riêng biệt hơn và đặc biệt là phải dung hòa được với âm thanh từ các loại đàn khác khi chơi trong một dàn nhạc.

Khi có cây đàn mới rồi, ông lại suy nghĩ phải có một tác phẩm dành riêng cho nó. Nghĩ là làm, ông tiếp tục theo học sáng tác từ các thầy Lê Yên, Tô Vũ. Kiên trì, tâm huyết, ông đã sáng tác nhiều bài hát cho đàn nhị, trong đó “Kể chuyện ngày mùa” là một tác phẩm mẫu mực làm thay đổi định kiến về cây đàn nhị Việt Nam thế kỷ XX.

Tác phẩm khai thác chất liệu của làn điệu chèo “Lới Lơ” với giai điệu trữ tình, tiết tấu linh hoạt, đặc biệt trong phần solo kỹ thuật có những đoạn mô tả âm thanh thôn quê rất sinh động, hấp dẫn, đồng thời làm nổi bật kỹ thuật của người nghệ sĩ.

Đánh giá về tác phẩm này, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Hoạch cho biết: ““Kể chuyện ngày mùa” diễn tả cảnh mùa màng nông thôn, nào là động tác gánh lúa, gặt lúa, kết hợp tiếng chim kêu, gà gáy… sinh động.

Tác phẩm nói lên một vụ mùa bội thu và đồng thời toát lên sự sảng khoái của người nông dân khi thành quả lao động đạt được. “Kể chuyện ngày mùa” được Đài Tiếng nói Việt Nam giữ lại băng khi thu lần đầu tiên. Rất ít tác phẩm sau này vượt qua được tác phẩm đó. Các đoàn đi biểu diễn ở nước ngoài đều biểu diễn tác phẩm đó”.

Tìm hướng đi mới cho âm nhạc dân tộc

Nhạc sĩ Thao Giang.

Nhạc sĩ Thao Giang.

Sau ngày đất nước thống nhất, nhạc sĩ Thao Giang may mắn được tháp tùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Thị Bình ra nước ngoài để giới thiệu về văn hóa dân tộc nước nhà.

Đi đến mỗi quốc gia, ông cảm nhận được tình cảm của bạn bè quốc tế dành cho con người, văn hóa Việt Nam, đặc biệt là âm nhạc Việt Nam bởi nó mang hồn cốt của dân tộc. Vì thế mà ông càng ra sức sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng các loại hình âm nhạc truyền thống, trong đó nhiều loại có nguy cơ thất truyền.

Là nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc sâu sát, kỹ lưỡng, nhạc sĩ Thao Giang trăn trở khi thấy nhiều trường đại học chủ yếu đi vào nghiên cứu âm nhạc cơ bản mà không đi sâu vào ứng dụng, bởi thế mà năm 2005 ông đã cùng Giáo sư Phạm Minh Khang thành lập Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam (thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam).

Trung tâm ra đời, bên cạnh việc giảng dạy âm nhạc dân tộc miễn phí còn quy tụ các nghệ sĩ ở khắp mọi miền Tổ quốc cùng bàn bạc tìm hướng đi cho âm nhạc truyền thống, góp phần làm phong phú thêm kho tàng âm nhạc nước nhà.

“Trung tâm được Hội Nhạc sĩ Việt Nam giao 3 nhiệm vụ: Sưu tầm, nghiên cứu; truyền dạy, đào tạo; biểu diễn, giới thiệu tác phẩm âm nhạc truyền thống, và cho đến nay, chúng tôi tự hào vì đã thực hiện được ba điều ấy”, nhạc sĩ Thao Giang hồ hởi cho biết.

Nhạc sĩ Thao Giang xác định rõ, muốn phát triển âm nhạc dân tộc phải chú trọng đến yếu tố con người, bồi dưỡng chuyên môn cho thế hệ trẻ, bởi ông sớm nhận ra rằng các nghệ nhân am hiểu âm nhạc truyền thống đang ngày một già, còn thế hệ trẻ thì không nhiều người có kiến thức sâu sắc.

Đối với ông, hai yếu tố giữ gìn và kế thừa phải luôn đi đôi với nhau, thế hệ “già” và “trẻ” cần phải cùng nhau đồng lòng, chung sức. Chính vì thế, trong suốt 16 năm qua, trung tâm đã kết hợp với Khoa Di sản âm nhạc của Học viện Âm nhạc Huế đào tạo hàng chục cử nhân và thạc sĩ có đầy đủ kiến thức, trình độ, phẩm chất và sự tâm huyết trong việc tiếp nối mạch nguồn âm nhạc truyền thống.

Tuy nhiên, để có được thành công ngày hôm nay, Trung tâm đã vượt qua biết bao khó khăn. “Những ngày đầu chúng tôi chẳng có gì, trụ sở không, nhân viên không, trang phục không... Thế rồi nỗ lực của chúng tôi đã được đền đáp xứng đáng khi được người dân dần dần đón nhận”, nhạc sĩ Thao Giang bày tỏ.

Nhạc sĩ Thao Giang nhớ lại: “Trung tâm sưu tầm, nghiên cứu những dòng âm nhạc dân gian bị thất truyền và phục dựng lại, truyền dạy và đào tạo âm nhạc một cách chính quy. Dạy cho quần chúng, các câu lạc bộ rồi những người yêu thích dòng nhạc dân tộc để phổ cập rộng rãi cho công chúng.

Năm 2010, Trung tâm được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo một số chuyên ngành như hát xẩm, hát trống quân, ca trù, hát văn, quan họ và một số nhạc cụ dân tộc. Kết quả là năm 2015 chúng tôi đã cho tốt nghiệp được lứa đầu tiên gồm 20 cử nhân.

Chúng tôi đã cùng các nhạc sĩ tâm huyết với âm nhạc dân tộc đã mở những lớp truyền dạy âm nhạc dân tộc miễn phí. Sự chỉ bảo tận tình của các thầy đã truyền lửa, giúp cho nhiều thế hệ học trò hăng say học tập. Nhiều học trò giờ đã giảng dạy ở ngay Trung tâm và ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước”.

“Gánh xẩm Thao Giang”

Trong nhiều loại hình âm nhạc dân tộc mà nhạc sĩ Thao Giang tâm huyết, có lẽ xẩm là loại hình khiến người ta nhắc đến ông nhiều hơn cả bởi “gánh xẩm Thao Giang” đã trở thành “thương hiệu” trong chương trình “Hà thành 36 phố phường” - diễn ra vào các tối thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần trong khu vực phố cổ Hà Nội.

Mỗi buổi diễn của Trung tâm luôn thu hút đông đảo khán giả, trong đó có những khán giả trẻ tuổi, và điều đó làm ông tin rằng, công chúng không quay lưng với nghệ thuật cổ truyền. Theo ông, hát xẩm là loại hình âm nhạc hết sức độc đáo, bất cứ đối tượng nào cũng nghe được.

Xẩm gần gũi, thân thiện, cấu trúc âm nhạc đơn giản, nội dung các bài xẩm cũng phong phú, thể hiện được nhiều vấn đề của xã hội, góc cạnh tâm hồn người Việt. Trong hát xẩm, nhạc cụ rất đơn giản, chỉ có nhị, đàn bầu nên đi đâu cũng mang đi được, trong khi môi trường diễn xướng thì đa dạng, có thể từ đường phố đến những sân khấu chuyên nghiệp.

Nhạc sĩ Thao Giang cho biết: “Năm 2005 chúng tôi đưa hát xẩm ra biểu diễn ở phố Hàng Ngang. Dù hôm đó tổng duyệt nhưng khi khán giả đông nghịt, nghe thích luôn, nghe say sưa, bản thân những người duyệt cũng bỡ ngỡ. Sau này chúng tôi diễn hát xẩm ở Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Buồm… xung quanh khu vực phố cổ, sau đó xuống chợ Đồng Xuân để biểu diễn cho rộng rãi.

Từ đó suốt nhiều năm, cuối tuần nào cũng biểu diễn xẩm. Tới nay, hát xẩm đã đi vào đời sống nhân dân trong cả nước, nó đã đi vào sân khấu, xiếc, điện ảnh, chèo, tuồng, cải lương, ca nhạc mới”.

Nhiều năm dồn tâm huyết dạy đàn, dạy hát cho các em, khi lại sắp lịch biểu diễn, thu âm bài hát, nhạc sĩ Thao Giang dường như không có giây phút nghỉ ngơi. Nhìn lại hành trình dài theo xẩm, ông phần nào hài lòng với những việc mà mình cùng Trung tâm đã làm được, đặc biệt là việc đưa hát xẩm kết hợp với các loại hình nghệ thuật khác như chèo - tuồng - cải lương, kịch... Ông luôn tâm nguyện ngày nào trời Phật còn cho sức khỏe, ông vẫn còn tiếp tục với sự nghiệp gìn giữ, phát huy giá trị âm nhạc dân tộc.

Ông cho rằng, có nghề trong tay mà không có ý thức gìn giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ là có tội với cha ông. Cũng chính vì suy nghĩ ấy mà ông luôn trăn trở trong việc tiếp cận với âm nhạc dân gian để tìm ra quy luật riêng của nó, qua đó đóng góp vào sự nghiệp giữ gìn bản sắc âm nhạc nước nhà, bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật mà chỉ cần chơi một đến hai nhịp là người ta có thể nhận ra đó là âm nhạc Việt Nam.

Gần đây, sức khỏe của ông có phần đi xuống, ông phải ở nhà dưỡng bệnh. Thế là lần lượt nhiều thế hệ học trò ở khắp mọi nơi đến thăm ông rồi đăng ảnh lên Facebook với tình cảm nồng ấm, gần gũi, thân thiết.

Dù ốm mệt nhưng qua ánh mắt người ta còn thấy được niềm tin và khát khao trong người nhạc sĩ còn rất lớn lao. Với riêng tôi, tôi vẫn nhớ mãi lời khẳng định của ông mỗi khi có dịp được tiếp xúc: “Làm tất cả để âm nhạc dân tộc được thăng hoa”.

Có thể nói hiện nay âm nhạc mới, âm nhạc nước ngoài đang phát triển mạnh mẽ ở nước ta, thế nhưng âm nhạc dân tộc vẫn đang có chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả. Làm cho âm nhạc dân tộc phát triển chắc chắn không chỉ là nhiệm vụ của các nhạc sĩ, nhà nghiên cứu như nhạc sĩ Thao Giang, mà là trách nhiệm của tất cả chúng ta - những người con nước Việt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.