Nhạc sĩ Lê Mây 'phăng phăng' sáng tác ở tuổi 80

GD&TĐ - Với nhạc sĩ Lê Mây, viết như lẽ sống cuộc đời nên chỉ khi nào ngừng thở mới ngừng bút.

Nhạc sĩ Lê Mây hướng dẫn ca sĩ hát ca khúc do ông sáng tác.
Nhạc sĩ Lê Mây hướng dẫn ca sĩ hát ca khúc do ông sáng tác.

Ở tuổi 80, trong khi nhiều người trí tuệ và sức khỏe đã không còn tinh anh, sung sức, thì nhạc sĩ Lê Mây lại cho thấy khả năng sáng tác, cường độ làm việc và sức sáng tạo của ông vẫn dồi dào như xưa... Với ông, viết như lẽ sống cuộc đời nên chỉ khi nào ngừng thở mới ngừng bút.

Công dân Thủ đô ưu tú

Thời điểm năm 2019, UBND TP Hà Nội trao danh hiệu cao quý “Công dân Thủ đô ưu tú” cho nhạc sĩ Lê Mây đã khiến tên tuổi của ông là “từ khóa” mà nhiều người tìm kiếm hơn.

“Công dân Thủ đô ưu tú” là phần thưởng danh giá bởi để nhận được danh hiệu này nhạc sĩ Lê Mây phải vượt qua những tiêu chí rất khắt khe. Ông là nhạc sĩ duy nhất được nhận danh hiệu lần này và là nhạc sĩ thứ 4 được nhận một danh hiệu cao quý của Thủ đô trao thường niên trong suốt 10 năm qua, sau các nhạc sĩ Phạm Tuyên (năm 2011), Hoàng Vân (năm 2012) và Phú Quang (năm 2014).

Trong 4 nhạc sĩ được nhận danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” ngoài nhạc sĩ Phạm Tuyên (gốc Hải Dương) thì các nhạc sĩ Hoàng Vân, Phú Quang đều là những người con Hà thành, còn nhạc sĩ Lê Mây lại sinh ra và lớn lên tại xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.

Nói về danh hiệu cao quý ấy, ông lại khiêm tốn cho rằng: “Nói là sung sướng thì không phải đến mức ấy, bởi mình làm việc một cách bình thường và thành phố công nhận những đóng góp của mình một cách cũng hết sức bình thường. Ở đời việc gì đến thì sẽ đến, thuận lẽ tự nhiên, chứ đừng nên quá vồ vập, mong chờ. Chi bằng hãy cứ làm việc một cách nghiêm túc, say sưa nhưng âm thầm, lặng lẽ. Tuy nhiên, nếu nói danh hiệu này mang lại niềm vui và phấn khởi thì đó là khi bài hát của mình cũng “lọt tai” nhiều người cũng như có cơ hội được tồn tại trong lòng người yêu nhạc”.

Được biết, ngoài “Hà Nội linh thiêng hào hoa” thì các ca khúc “Nắng rơi” (thơ Nguyễn Lưu), “Cà phê chiều Yên Phụ” (thơ Đặng Hà My), “Phía Tây thành phố”, “Những hàng cây trên đường Hà Nội” là căn cứ để UBND thành phố “nâng lên đặt xuống” trong đợt xét chọn lần này.

“Phía Tây thành phố” là ca khúc ông viết trong cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và đã đoạt giải B chung cuộc. Bài hát được ông viết ngay tại ngôi nhà mình đang sinh sống ở thôn Cao Trung, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức (Hà Nội), gửi gắm nỗi niềm của một “vị khách” phố Hiến với mảnh đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến nhưng lại không đi theo lối mòn xưa cũ với những mái ngói thâm nâu, phố phường tấp nập.

Bài hát không nói một chữ nào về Hà Nội nhưng khi giai điệu cất lên người nghe vẫn thấy hình ảnh một Hà Nội đang vươn mình mở rộng, phát triển về phía Tây.

Trăn trở về số lượng ca khúc viết về phía Tây Hà Nội, nhạc sĩ Lê Mây mong muốn các nhạc sĩ hãy tiếp tục sáng tác về vùng đất này.

“Hiện nay, mảng ca khúc về Hà Nội trong nội thành đã quá nhiều nhưng ở phía Tây thì còn là một khoảng trống lớn. Tại sao không hưởng ứng cuộc vận động giãn dân ra phía Tây. Tôi đã mua đất ở đây từ năm 1997, năm 2009 xây căn nhà kiên cố, năm 2010 tôi đã nghe ca khúc “Hà Nội linh thiêng hào hoa” lần đầu tiên được phát trên sóng truyền hình chào đón Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, thế thì tại sao không coi đây là quê hương của mình. Cách đây vài cây số hỏi Lê Mây, người dân đều biết đến, tôi dường như đã là công dân của Hoài Đức”, nhạc sĩ Lê Mây khẳng định.

“Xuất khẩu” thành… bài hát

Bản nhạc ca khúc 'Chiếc áo mùa thu'.

Bản nhạc ca khúc 'Chiếc áo mùa thu'.

Chỉ sau mấy năm được UBND TP Hà Nội vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú” thì trong đợt xét duyệt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt này, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước đã thông qua hồ sơ của ông với 5 ca khúc: “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” (thơ Phùng Ngọc Hùng), “Hà Nội linh thiêng, hào hoa”, “Ba Vì thiên thanh”, “Đảo chìm” và “Hóa vàng” (thơ Thủy Hướng Dương - Lê Mây).

Thật khó để hỏi nhạc sĩ Lê Mây tâm đắc ca khúc nào nhất, bởi đó đều là những “đứa con” mà ông “dứt ruột đẻ ra”, nhưng theo cảm nhận của tôi thì “Hà Nội linh thiêng, hào hoa” chính là ca khúc mà ông cảm thấy hài lòng nhất, chẳng thế mà trên thương hiệu “Rượu nhàu Lê Mây”, tôi thấy ông cho in tên của ca khúc này.

Đó cũng là một căn cứ nhưng quả thực xét về sự đầu tư công sức thì đây là ca khúc mà ông “thai nghén” trong suốt 3 năm để hưởng ứng cuộc vận động sáng tác của Hội Âm nhạc Hà Nội hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nếu như nhạc sĩ Phan Nhân viết về Hà Nội với hai từ rất đắt: “Niềm tin” và “hy vọng” (bài hát “Hà Nội niềm tin và hy vọng”) thì ông cũng đã chọn hai từ không thể phù hợp hơn là “linh thiêng” và “hào hoa” như sự tổng kết về một thành phố nghìn năm tuổi trải qua bao thăng trầm của lịch sử.

Trong số 5 ca khúc này thì ngoài “Hà Nội linh thiêng, hào hoa”, còn lại đều là những ca khúc được ông sáng tác rất nhanh. “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” được ông sáng tác trước đêm diễn ra Hội nghị quốc tế bàn về quyền trẻ em Việt Nam và điều kỳ lạ là ngay sáng hôm sau, khi ông hát thì cả hội trường đã cùng đứng dậy đồng thanh ca khúc này.

“Đảo chìm” là một trong 7 ca khúc được ông viết “chớp nhoáng” trong chuyến công tác Trường Sa năm 2009, trong thời gian vỏn vẹn chỉ 8 ngày. Vì thế mà nhạc sĩ Phạm Tuyên đã có lần thốt lên rằng: “Lê Mây là nhạc sĩ... xuất khẩu thành bài hát”. Song, tôi nghĩ rằng, để có những phút giây thăng hoa “xuất khẩu” thành bài hát ấy, đòi hỏi ở người nhạc sĩ “xứ nhãn lồng” cả một quá trình học tập, rèn luyện bền bỉ, nghiêm túc không ngừng nghỉ.

Cũng trên tinh thần sáng tác nhanh và nhiều ấy, nhạc sĩ Lê Mây còn được biết đến là người có nhiều ca khúc hay về các địa phương như: “Thành phố tôi yêu” (về Đà Nẵng); “Hà Tĩnh kiên trung” (thơ Đậu Hoài Thanh), “Ngược dòng sông Mã”, “Đôi mắt Thủy Nguyên” (thơ Đỗ Mai Hòa), “Bắc Ninh - Kinh Bắc”, “Một ngày Hải Dương”...

Tuy sáng tác về nhiều vùng quê nhưng ông cương quyết khẳng định: “Dân ca Nghệ Tĩnh hay, dân ca Huế hay, nhưng “bê” nó vào để sáng tác bài hát cho Hưng Yên, Thái Bình và nhiều tỉnh khác thì chẳng còn gì để nói!”.

Ý của ông là nhạc sĩ muốn sáng tác cho tỉnh nào thì phải biết đào sâu suy nghĩ, khai thác chất liệu dân ca của địa phương ấy, không để “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Để nhạc sĩ sống được bằng nghề

Bản nhạc ca khúc “Mãi nhớ Cao Bằng”.

Bản nhạc ca khúc “Mãi nhớ Cao Bằng”.

Thời điểm tháng 10/2020, khi nhạc sĩ Lê Mây thông báo trên trang Facebook cá nhân là nhịp tim của ông bị yếu, mỗi phút chỉ đập tối đa 40 nhịp và chuẩn bị cấy máy trợ tim, nhiều người tỏ ra lo lắng cho sức khỏe của ông. Nhưng rồi, ông lại tếu táo rằng: “Mình xin đổi cái máy 40 tuổi chứ máy 18 tuổi dễ gây phiền hà...”.

Và quả thực sau lần lên bàn mổ ấy, ông đã không những trở lại mà còn “lợi hại hơn xưa”. Bằng chứng là chỉ trong thời gian chưa đến một năm, ông đã sáng tác nhiều ca khúc được giới thiệu trên sóng truyền hình, như: “Chùa Chuông” (thơ Nguyễn Khắc Hào) giới thiệu trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, “Vải trứng Hưng Yên” (thơ Nguyễn Khắc Hào) giới thiệu trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hưng Yên, “Corona! Ở nhà” giới thiệu trên sóng Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.

Đặc biệt, trong cuộc vận động sáng tác “Hát lên Việt Nam” do Đài Tiếng nói Việt Nam phát động chào mừng thành công Đại hội XIII của Đảng, ông còn trình làng ca khúc “Hát lên Việt Nam ơi” qua tiếng hát đầy sôi động của ca sĩ Mai Trang.

Ở tuổi 80, nhạc sĩ Lê Mây bảo, mình phải cố gắng viết để hòa nhập vào cuộc sống mới, trong đó tiết tấu, nhịp điệu vừa có hồn dân tộc nhưng lại có nhịp điệu trẻ của cuộc sống thì tác phẩm mới “sống” được.

“Lâu nay người ta cứ viết lâm ly, lấy sụt sùi của người nghe để làm tiêu chí. Tôi không làm thế. Đặt bút viết, tôi muốn người nghe có thêm động lực. Đứng lên. Đi về phía trước. Thảnh thơi. Nở những nụ cười...”.

Ông cũng từng tuyên bố như nói hộ lòng của nhiều nhạc sĩ: “Nhạc sĩ là cống hiến. Được người ta hát là sướng lắm rồi! Đã không được tiền mà còn thường xuyên bù lỗ! Phải thay đổi thôi. Bài hát là hàng hóa. Hay thì nhiều tiền. Hay vừa vừa thì bớt đi. Loàng xoàng thì quy ra... thóc. Chấm dứt thời đại cho không, biếu không để chúng tôi sống được bằng nghề”.

Thấy nhạc sĩ Lê Mây đã ở tuổi 80 mà vẫn “phăng phăng” trên con đường sáng tác, tôi hỏi ông “bí quyết” để nuôi dưỡng niềm đam mê, thì lại nhận được câu trả lời của ông: “Thực ra mình không có việc gì làm thì làm âm nhạc, thậm chí làm âm nhạc để sống. Tất cả cuộc sống mình hiện nay đều phụ thuộc vào ngòi bút của mình. Mình có điều chắc chắn là mình đã vật lộn và học hành một cách rất nghiêm chỉnh, không chỉ học trong sách vở mà còn không ngừng học tập từ đời sống, từ đồng nghiệp và kể cả từ những người trẻ để lối viết không bị cũ đi”.

Nhạc sĩ Lê Mây là người thường xuyên có cách quảng bá sản phẩm âm nhạc của mình qua trang Facebook cá nhân. Cứ mỗi khi sáng tác ca khúc nào ông đều chụp bản viết tay ca khúc ấy và đưa lên Facebook như để “báo cáo” với mọi người.

Gần đây, ông liên tục viết những ca khúc, như: “Mãi nhớ Cao Bằng” (thơ Nguyễn Khắc Hào), “Chiếc áo mùa thu” (thơ Đỗ Trung Lai), “Về miền mây trắng” (thơ Đỗ Văn Vĩnh), “Em cắt tiền duyên” (thơ Chử Thu Hằng)… và sắp tới hứa hẹn đó đều là những bản thu chất lượng, đủ thấy ông đang đi trên con đường riêng nhưng không cô đơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.