Nhà văn Văn Lê: Viết về chiến tranh hay phải lý giải sức mạnh thần thánh của dân tộc

Nhà văn Văn Lê: Viết về chiến tranh hay phải lý giải sức mạnh thần thánh của dân tộc

(GD&TĐ) - Văn Lê là một nhà văn mà độc giả nước ngoài được biết đến rất nhiều cùng với Bảo Ninh. Tuy nhiên, so với các nhà văn thế hệ chống Mỹ, Văn Lê là một tên tuổi ít được giới truyền thông chú ý. Mà chính ông cũng né tránh ồn ào. Nhưng sự sáng tạo, sức làm việc của ông ít ai theo kịp. Những vấn đề xoay quanh nền văn học viết về chiến tranh cách mạng và lịch sử là những vấn đề ông quan tâm quanh cuộc trò chuyện này. 

Chiến tranh là tập hợp của những cái ngẫu nhiên, bất ngờ. Quy luật của chiến tranh là “mạnh được yếu thua”. Tuy nhiên để lý giải về chiến thắng 30/4, theo ông các nhà văn trẻ hôm nay có thể viết hay về chiến tranh trong không khí hòa bình được không? Và, nếu viết họ cần phải làm gì? 

Nhà văn Văn Lê: Viết về chiến tranh hay phải lý giải sức mạnh thần thánh của dân tộc ảnh 1

- Hiện nay, các thế hệ nhà văn trẻ vẫn có thể viết hay, viết chững chạc về đề tài chiến tranh cách mạng. Trước tiên họ không chịu trách nhiệm về chiến tranh, không mấy vướng bận bởi những ràng buộc của chiến tranh, do vậy mà họ có được cái nhìn công bằng hơn, minh bạch hơn về chiến tranh. Mặt khác, họ được tiếp cận chiến tranh, từ nhiều góc độ, nhiều nguồn tư liệu khác nhau, nhiều chiều kích khác nhau, giúp cho họ có được một cái nhìn toàn diện hơn về chiến tranh cách mạng. Họ lại có điều kiện được nghe những câu chuyện kể về chiến tranh một cách bình tĩnh, chân thực nhất. Vấn đề còn lại là cách tiếp cận lịch sử và cảm hứng lịch sử của họ như thế nào. Từ đó phân tích, các sự kiện, tìm ra cái gốc của mọi vấn đề. Kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, ta đã giành phần thắng. Điều đó khẳng định tính hơn hẳn của ta. Nhưng để lý giải tính hơn hẳn bằng văn chương lại không đơn giản như thế. 

 Theo ông, lớp nhà văn trẻ sẽ phải giải thích cụ thể về chiến thắng này như thế nào?

- Có thể nói, sau chiến dịch Mậu Thân, lực lượng ta tổn thất hết sức nặng nề. Đối phương đã tái chiếm tới hơn 80% vùng giải phóng. Các đơn vị chủ lực, địa phương không còn nơi đứng chân, phải rút khỏi địa bàn dạt sang nước Campuchia anh em. Vậy mà mấy năm sau, chúng ta đã gượng dậy được. Chúng ta không chỉ giúp cách mạng Campuchia phát triển mà còn trở về giải phóng được đất nước. Đây chính là sự thần bí của chiến tranh cách mạng, sự thần bí của dân tộc Việt. Sự thần bí này theo các nhà nghiên cứu thì chính là sức mạnh của văn hóa! Theo tôi, suy nghĩ đó không sai, nhưng chưa đủ bởi sự thần thánh này không thể giải thích bằng một sự thần bí khác, trừu tượng và siêu hình được. Vấn đề đặt ra, theo tôi chính là phải suy nghĩ để tìm ra câu trả lời là vì sao, bằng cách nào, với sức mạnh như thế nào mà chúng ta đã chiến thắng? Tôi được biết có không ít trường hợp nhiều chiến sĩ của ta đã từ chối thành tích, để không giết thêm một hoặc vài người lính đối phương. Để lý giải về hiện tượng “nhạy cảm” này trong chiến tranh là một điều hết sức phức tạp. Hiện tượng ấy là bản tính người hay chỉ là những khoảnh khắc lóe sáng của nhân tính? Phải gọi như thế nào đó để giúp cho người xem không cảm thấy hồ đồ, trịch thượng là vấn đề của nhà văn.

Đề tài chiến tranh cách mạng vẫn là cảm hứng dồi dào để các nhà văn trẻ khai thác
Đề tài chiến tranh cách mạng vẫn là cảm hứng dồi dào để các nhà văn trẻ khai thác

Theo ông, vậy thì phải gọi như thế nào cho đúng với cái tên của nó?

- Tôi nghĩ đó là lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn chính là sự khác biệt giữa những con người. Nếu một ngày nào đó, con người mất đi lòng trắc ẩn thì nhân loại sẽ sụp đổ. Viết về chiến tranh cách mạng, các nhà văn trẻ không phải giải tỏa những uẩn ức ở ngay trong lòng mình. Họ viết là để nhắc lại quá khứ, suy nghĩ về quá khứ - Nền tảng và giá trị của muôn thuở. Viết về chiến tranh, tôi nghĩ, không phải để khơi gợi niềm đau, cổ súy hận thù, tôn vinh công trạng mà là để củng cố đạo đức, củng cố lẽ phải của cuộc sống. 

Trong số các tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh cách mạng  mà ông công bố, ông cảm thấy tâm đắc nhất là tác phẩm nào? 

- Người viết bao giờ cũng yêu những đứa con tinh thần của mình. Mình yêu, nhưng người đọc có yêu hay không lại là một chuyện khác. Với tôi, có lẽ sau cuốn “Nếu anh còn được sống” và “Hai người còn lại trong rừng”, thì cuốn “Mùa hè giá buốt” có được những thành công nhất định. 

Nghe nói, sau khi thành công với kịch bản phim “Long Thành cầm giả ca”, ông lại hoàn thành bộ phim truyện truyền hình 40 tập “Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh”. Tôi cũng nghe nói, sau tiểu thuyết “Mỹ Nhân”, ông đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết lịch sử “Thần thuyết của người Chim” viết về thời đại Hùng Vương? 

- Của đáng tội, lịch sử dân tộc là một đề tài luôn cuốn hút tôi, chiến tranh cách mạng là một phần nhỏ trong nguồn lịch sử vĩ đại ấy. Việc tồn tại và phát triển của dân tộc ta trước các thế lực xâm lăng hùng mạnh, chẳng đã nói lên sự thần bí của dân tộc đó sao! Trở lại câu hỏi, vậy thì, bằng cách nào, với sự chịu đựng như thế nào, sự vươn lên như thế nào mà dân tộc ta đã tồn tại và tồn tại một cách kiêu hãnh? Tìm cách để lý giải những vấn đề mang tính lịch sử đã ám ảnh tôi. Vâng, tôi thú nhận là đã hoàn thành bộ phim truyện lịch sử “Lễ Thành hầu”, và đã nhường quyền sản xuất cho hãng phim Cửu Long cách đây hai năm. Nghe nói đã được thẩm định, nhưng chưa có tiền làm. Tôi cũng vừa viết xong cuốn tiểu thuyết lịch sử “Thần thuyết của người Chim”. Khi đặt bút viết cuốn sách này, tôi muốn có dịp để suy nghĩ một cách có thể về thời đại các vua Hùng.

Chiến tranh là cuộc đối đầu của sức mạnh và của những bộ óc. Để viết về chiến tranh hay hơn, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới, các nhà văn trẻ hẳn phải có cách tiếp cận chiến tranh riêng, có nghệ thuật diễn đạt riêng, nhưng không thể không giải quyết vấn đề này. Nói như thế, liệu tôi có hàm hồ không nhỉ?

Phạm Xuân Trường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.