Tác phẩm còn là nguồn cảm hứng để nhiều nghệ sĩ chuyển thể thành kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh, truyện tranh hay ca khúc.... Với "Búp sen xanh", nhà văn đã đem đến cho bạn đọc những trang viết sinh động nhất về thời thơ ấu và tuổi trẻ của Bác Hồ...
Phóng viên chuyên đề Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Sơn Tùng xung quanh cuốn sách này.
-Thưa nhà văn,"Búp sen xanh" có số lần tái bản và lượng in kỷ lục. Theo ông, yếu tố nào đã khiến cuốn sách lôi cuốn bạn đọc đến như vậy?
+ "Búp sen xanh" không chỉ là câu chuyện về thời thơ ấu của một lãnh tụ, mà đó là giai đoạn hình thành nhân cách Bác Hồ, các yếu tố hun đúc nên một con người cả đời đau đáu vì dân, vì nước. Tôi đã giúp người đọc có một cái nhìn bao quát về một vùng đất, về một gia đình nề nếp gia phong có truyền thống khoa bảng, cho đến cả những tấm gương sáng đã ảnh hưởng đến Bác.
Chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người trước khi họ bước vào đời. Thấy cây và thấy cả rừng, thấy quả và thấy cả nhân, thấy sự vĩ đại nhưng cũng thấy cả những nét đời thường gần gũi của Bác Hồ. Bác là kết tinh của một nền văn hóa, của nhiều thế hệ lớp trước và là khát vọng của cả một dân tộc đang dò dẫm tìm con đường giải phóng cho chính mình.
- "Búp sen xanh" là một tác phẩm văn học, nhưng lại dựa trên những tư liệu có thật về cuộc đời của nhân vật lịch sử nổi tiếng: Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc thù của văn học là hư cấu, sáng tạo. Nhà văn vui lòng cho biết quan niệm sáng tác tiểu thuyết lịch sử, danh nhân, sao cho vừa không làm sai sự thật lịch sử, lại vừa tạo ra sức hấp dẫn?
+ Tôi quan niệm khi viết về nhân vật lịch sử nào thì phải đảm bảo đúng sự việc, sự kiện ấy. Nhưng không chỉ ghi chép đơn thuần mà phải hóa thân. Muốn vậy, phải am hiểu hoàn cảnh lịch sử và xác định được vai trò nhân vật lịch sử lúc đó thì mới có thể viết có hồn và truyền cảm cho người đọc.
Tôi đã phải khảo sát hoàn cảnh xã hội, giai đoạn lịch sử, khảo sát cả gia cảnh, phả hệ từ đời ông cha, bố mẹ của nhân vật. Khảo sát kỹ rồi lại phải khảo chứng. Tóm lại, để viết về một vĩ nhân đòi hỏi quy chiếu lịch sử phải đúng, đúng với nhân vật ấy, giai đoạn lịch sử ấy.
Khi cuốn sách ra đời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã mời tôi tới ăn cơm, hỏi một số chuyện. Bác Đồng nói: "Văn học là phải có hư cấu, hư cấu là nghệ thuật, chứ không phải bịa, nhưng đây, tôi muốn hỏi thật, nhân vật út Huệ có thật không?"... Rồi bác Đồng hỏi về hai bài thơ “Khi lên đèo Ngang” và “Vịnh hòn non bộ” trong tác phẩm có phải do tôi sáng tác không? Tôi thưa, út Huệ là nhân vật có thật, chỉ hư cấu về phần gia cảnh. Thực ra, nhân vật út Huệ là con một ông quan bị bãi triều (được hư cấu thành ông Già Đờn, là một nhà điền chủ lớn ở đất lục tỉnh).
Có hư cấu từng đoạn, chứ sự kiện là hoàn toàn chân xác. Ngay như những bài thơ, câu đối trong "Búp sen xanh" cũng hoàn toàn là của Bác Hồ, đã được kiểm chứng bởi rất nhiều người... Sau đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã rất xúc động và đích thân viết lời tựa cho "Búp sen xanh" trong lần tái bản lần thứ hai...
- Hẳn là ông không thể quên cảm xúc ban đầu của mình khi cầm bút viết về Người. Chương đoạn nào làm ông cảm động nhất?
+ Tôi nghĩ mọi tình cảm của tôi đều bắt đầu từ sự kính trọng. Nhưng nếu chỉ kính trọng và có nhiều tư liệu thì vẫn chưa đủ, mà phải thật sự yêu quý một tài năng, một nhân cách. Đã có nhiều đoạn tôi viết trong nước mắt, như đoạn Bác ở Huế. Đó là Tết Tân Sửu (1901), mẹ mất, cha đi vắng chỉ còn một mình cậu bé Côn với em nhỏ chưa đầy một tuổi... Nhiều người đọc đến đoạn này cũng đã rơi nước mắt.
Khi viết, tôi đã hình dung ra hình ảnh Bác Hồ còn nhỏ tuổi, đầy mơ ước như bao trẻ em khác, mơ áo mới, với tiếng pháo ngày Tết lại phải đi sau quan tài mẹ. Rồi hình ảnh Người ngồi bế em trước bàn thờ mẹ quạnh quẽ và đơn độc trong ba ngày Tết Tân Sửu. Ngay những người bạn của Bác ở Huế, khi kể lại cho tôi câu chuyện này cũng đã không cầm được nước mắt.
- Trong tác phẩm "Búp sen xanh" không chỉ có không gian làng Sen, làng Chùa, thành Vinh, mà trải dài theo đất nước: Kinh đô Huế, Bình Định, Phan Thiết, Sài Gòn với rất nhiều nhân vật và các mối liên hệ. Vậy việc tìm kiếm tài liệu để viết về thời kỳ Người ở vùng đất này chắc ông đã phải dành rất nhiều thời gian và công sức?
+ Đúng vậy, đó là cả một quá trình dài, kiên trì và tỉ mỉ. Ngay từ sau Cách mạng Tháng Tám, tôi đã có ý thức thu thập tài liệu và ghi chép cẩn thận những câu chuyện liên quan đến cuộc đời Bác Hồ. Khi ấy, tôi công tác tại Tỉnh đoàn Nghệ An, tôi thường đến quê Bác nhiều lần, nhất là ở làng Hoàng Trù thường gọi là làng Chùa nơi khởi nguyên và thành tạo gia đình Bác để khai thác chuyện bà con tại đây.
Và tôi đã đến làng Sen gặp gỡ cụ Nguyễn Thị Thanh và cụ Nguyễn Sinh Khiêm, chị gái và anh ruột của Bác Hồ để tìm hiểu về gia thế và tuổi thơ của Người. Lúc ấy, tôi chưa có ý thức lấy tài liệu để viết sách, mà đơn giản là vì tuổi trẻ thích tìm tòi, khám phá, và hơn hết là vì tình yêu, sự ngưỡng mộ đối với Bác.
Đến năm 1948, tôi mới có ý thức trong việc ghi chép các tư liệu về Bác tỉ mỉ hơn. Gặp bất cứ ai là người cùng thời với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, với Bác Hồ, quen biết bà Thanh, ông Khiêm, là tôi đều hỏi chuyện, ghi chép lại. Sau khi bị thương nặng tại chiến trường miền Nam (1971) phải ra Bắc điều dưỡng, tôi mới có thời gian để bắt tay vào thực hiện đề tài mà mình đã ấp ủ từ gần 30 năm trước.
Ngay khi miền Nam vừa giải phóng, tôi vội vã thu xếp một chuyến đi xuyên Việt, đến những nơi từng in dấu chân của Bác để sưu tầm tư liệu. Đó thực sự là cả một hành trình tươi nguyên trong ký ức để sau này tôi đưa vào "Búp sen xanh".
- Thưa nhà văn, cuộc hành trình xuyên Việt này có được sự giúp đỡ nào hay do ông tự túc?
+ Năm 1975, tôi đã cho ra mắt cuốn "Nhớ nguồn" rồi, nhiều người và đồng nghiệp cũng đã biết tôi đang tìm kiếm các tư liệu về Bác. Đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác và đồng chí Hà Huy Giáp, khi đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa đã đến thăm tôi, muốn tạo điều kiện cho tôi vào Nam bằng máy bay quân sự và chu cấp một số tiền tài trợ cho quá trình thu thập tài liệu.
Nhưng tôi nghĩ đây là chuyến đi mò kim đáy biển, chưa biết kết quả thế nào, mà tôi bị thương tật nên đi đâu cũng phải có một người thân đi kèm, như vậy lại càng tốn kém. Nếu nhận tiền tài trợ mà lại không tìm được gì thì rất mang tiếng. Nghĩ thế nên tôi không dám nhận, mà có gì trong nhà thì bán đi để lấy tiền lộ phí.
- Là người sinh ra ở xứ Nghệ, hẳn ông cũng có nhiều thuận lợi trong việc tìm hiểu về tâm tư, tình cảm của Bác?
+ Việc được cùng quê với Bác là một điều rất thuận lợi cho tôi, trước hết là về phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói, những thổ ngữ, tiếng lóng và tâm tư, tính cách con người xứ Nghệ. Ngay như lớp cha ông và bạn bè của Bác Hồ, với tôi cũng thật gần gũi, thân thuộc.
Họ như người cha, người chú của mình, ở xóm bên, làng cạnh vậy. Cả những câu dân ca, bài vè, ví dặm rồi tên làng, tên xã, tên núi, tên sông, tôi cũng đưa vào tác phẩm một cách tự nhiên và chân thực.
- Khi "Búp sen xanh" ra mắt bạn đọc, ông nhận được những phản hồi gì từ phía độc giả và kỷ niệm nào làm ông nhớ nhất?
+ Tác phẩm “Búp sen xanh” vừa ra đời đã được đông đảo độc giả thiếu nhi ghi nhận và rất nhiều thư bạn đọc, đủ các tầng lớp khác nhau, từ người dân bình thường đến những trí thức, những nhà khoa học, những nhà cách mạng có tên tuổi đã nhiệt liệt hoan nghênh, ủng hộ và bày tỏ tình cảm của mình với tác phẩm.
Điều đó đã động viên, khích lệ, giúp tôi có thêm niềm tin để viết tiếp những tác phẩm về Bác Hồ kính yêu. Đặc biệt từ các vị lãnh đạo đến anh chị em cán bộ, nhân viên Nhà xuất bản Kim Đồng là điểm tựa của “Búp sen xanh” để nở tiếp những mùa sen. Tôi cũng đã có trên 500 cuộc nói chuyện về tác phẩm "Búp sen xanh" cũng như về cuộc đời hoạt động của Bác.
- Xin cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện này