Nhà trường phối hợp phụ huynh giảm áp lực kỳ thi vào lớp 10

GD&TĐ - Hà Nội chưa công bố thời gian và có hay không môn thi thứ 4 cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. 

Phụ huynh và học sinh Hà Nội trong kỳ thi vào lớp 10 năm 2022. Ảnh: Thế Đại
Phụ huynh và học sinh Hà Nội trong kỳ thi vào lớp 10 năm 2022. Ảnh: Thế Đại

Tuy nhiên, từ đầu năm học, nhiều trường THCS đã phối hợp với phụ huynh lên kế hoạch giúp học sinh lớp 9 học tập hiệu quả và chọn trường phù hợp.

Nhà trường chủ động phương án

Cô Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa), chia sẻ: “Hơn 2 năm dịch Covid-19 phải học trực tuyến, một số em bị hổng một phần kiến thức nền tảng chương trình lớp 7, 8, trong đó nhiều kiến thức phục vụ cho chương trình lớp 9. Vì vậy, đầu năm học nhà trường đã có kế hoạch phân hóa trình độ học sinh; các tổ, nhóm chuyên môn họp thống nhất lựa chọn những mảng kiến thức trọng tâm cần bổ sung…”.

Đối với giáo viên giảng dạy lớp 9, trường yêu cầu bố trí, sắp xếp thời gian ôn tập, củng cố cho học sinh dưới nhiều hình thức như lồng ghép trong các tiết học theo thời khóa biểu, bồi dưỡng riêng cho học sinh yếu, kém. Cùng đó, phối kết hợp với cha mẹ động viên học sinh củng cố kiến thức, sẵn sàng hướng dẫn học trực tuyến khi các em cần hỗ trợ…

Hàng tháng, Trường THCS Bế Văn Đàn còn tổ chức khảo sát chất lượng ba môn Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh để học sinh nắm được khả năng thực tế, từ đó có hướng phấn đấu. Đây cũng là một kênh tham khảo để phụ huynh cùng con em lựa chọn nguyện vọng đăng ký vào trường THPT phù hợp.

“Chúng tôi luôn lưu ý phụ huynh sát sao, quan tâm con để xác định rõ năng lực, từ đó có định hướng phù hợp. Tuy vậy, cũng lưu ý bố mẹ không tạo áp lực, căng thẳng trong quá trình ôn thi cuối cấp...”, cô Yến trao đổi.

Tại Trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) buổi sáng, cho học sinh học theo chương trình chính khóa, buổi chiều học dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Cô Hồ Thuận Yến – Hiệu trưởng nhà trường - cho rằng qua các buổi chiều tự học, sẽ giúp thầy cô nắm bắt tâm lý, hỗ trợ và đồng hành hiệu quả hơn với học sinh. Trường cũng tổ chức kiểm tra, sàng lọc, phân chia học sinh thành các nhóm và dựa vào đó bồi dưỡng riêng, tư vấn chọn trường phù hợp...

Cô Đinh Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên (quận Hai Bà Trưng) - cho biết: “Đầu năm học, trường đã lập kế hoạch ôn tập cụ thể cho học sinh cuối cấp. Ngoài dạy học nội dung chính khóa, giáo viên còn tập trung ôn tập ba môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Cuối tháng 3, sau khi công bố môn thi thứ 4, trường tiếp tục đẩy mạnh ôn sâu các môn thi này…”.

Theo cô Phương Anh, đề thi vào lớp 10 chủ yếu là kiến thức cơ bản nên ý thức tự học của trò quyết định lớn hiệu quả học tập. Do đó, “ở giai đoạn nước rút, học sinh nên căn cứ vào chuyên đề nhà trường hướng dẫn để hệ thống lại kiến thức, nắm cốt lõi vấn đề. Việc ôn tập tránh “dồn toa” gây áp lực, kém hiệu quả...”.

Học sinh lớp 9 Trường Lương Thế Vinh ôn thi vào lớp 10. Ảnh: Hải Nguyễn

Học sinh lớp 9 Trường Lương Thế Vinh ôn thi vào lớp 10. Ảnh: Hải Nguyễn

Gia đình không gia tăng áp lực

Có con học lớp 9, chị Nguyễn Thị Dung (quận Hoàng Mai) tập trung dành thời gian để hỗ trợ, đưa đón con đi học. Chị Dung cho biết: “Hiện, con đang cấp tốc học ba môn Toán, Ngữ Văn và Tiếng Anh, nên ngoài thời gian học trên lớp, gia đình còn thuê gia sư dạy kèm buổi tối. Do chưa biết môn thi thứ 4, nên con vừa học, vừa ngóng, cả gia đình không tránh khỏi áp lực...”. Chị Dung hy vọng Sở GD&ĐT Hà Nội sớm công bố môn thi thứ 4 để học sinh tập trung ôn luyện.

Thay vì chạy đua giành “tấm vé” vào một trường THPT công lập, chị Bùi Ánh Tuyết (quận Hai Bà Trưng) quyết định tìm cho con một trường ngoài công lập sau khi tốt nghiệp THCS. Chị Tuyết chia sẻ: “Những năm qua, nhiều phụ huynh nhận thấy kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập tại Hà Nội khó hơn thi đại học. Để có suất vào trường công lập tốp đầu, không chỉ các con mà bố, mẹ cũng áp lực theo. Nhiều gia đình con học lớp 8 đã tìm lò luyện, trung tâm, thuê gia sư dạy, ôn. Thế nhưng, không ít học sinh dù nhiều năm liền đạt loại khá, giỏi vẫn trượt vào các trường tốp đầu…”.

Với suy nghĩ này, và mong muốn tránh áp lực, gia đình chị Tuyết đã chọn môi trường học giúp phát triển năng lực, thế mạnh riêng để con theo học. Mặt khác, qua tìm hiểu nhiều trường ngoài công lập có chất lượng đào tạo tương đối tốt khiến chị Tuyết thêm an tâm với quyết định “chuyển hướng” học ngoài công lập của gia đình.

Đang là giáo viên, đồng thời ở vai trò phụ huynh, cô Đinh Thị Thủy - Trường Phổ thông Liên cấp Phenikaa - cho hay: “Đối với chương trình thi lớp 10, đề thi được ra theo hướng kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh. Do đó, trong quá trình học, học sinh phải thoát khỏi tư duy học vẹt, học thuộc; Cần chủ động học, nắm chắc kỹ năng để trình bày dạng bài tập…”.

Cũng từng chứng kiến không ít học sinh miệt mài học thuộc, nhưng khi vào phòng thi, do áp lực tâm lý vẫn bị nhầm lẫn. Vì vậy, cô Thủy gợi ý học sinh sử dụng sơ đồ tư duy để khái quát kiến thức. Thay vì tạo áp lực, phụ huynh nên đồng hành, tạo tâm lý thoải mái, giúp học sinh vượt qua căng thẳng.

“Phụ huynh cần phối hợp với giáo viên để hỗ trợ hiệu quả học sinh trong quá trình học và ôn. Đặc biệt không ép con học thêm nhiều nơi dẫn đến áp lực, mệt mỏi và lãng phí tiền bạc; Cần theo sát lực học để định hướng con vào các trường phù hợp năng lực…”, đây cũng là lưu ý của cô Đinh Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên gửi đến cha mẹ để hạn chế những áp lực từ thi cử.

“Để giảm bớt áp lực, lo lắng cho học sinh cuối cấp, trường đã yêu cầu giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm sát sao, quan tâm, động viên, khích lệ học sinh để các em có tâm thế học tập và ôn thi tốt nhất”, cô Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa) cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.