Hải Phòng:

Phụ huynh, nhà trường như ngồi trên lửa trước kỳ thi vào lớp 10

GD&TĐ - Sau khi có phương án thi vào lớp 10 THPT năm 2023 - 2024, các trường THCS tại Hải Phòng dồn sức hoàn thành chương trình; lên kế hoạch ôn tập.

Cô trò Trường THCS Quốc Tuấn, huyện An Lão trong giờ học.
Cô trò Trường THCS Quốc Tuấn, huyện An Lão trong giờ học.

Tuy nhiên, nhiều trường THCS khu vực ngoại thành gặp vướng mắc khi bố trí số tiết dạy thêm, ôn tập và thu phí khi mức trần quy định quá thấp.

Mong đề thi Tiếng Anh “dễ thở”

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023 - 2024 tại Hải Phòng gồm 3 bài thi: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Bài thi môn Toán và Ngữ văn theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút, thang điểm là 10, hệ số 2; bài thi môn Ngoại ngữ theo hình thức trắc nghiệm. Nội dung đề thi các môn Toán, Ngữ văn như cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2022 - 2023. Tuy nhiên với môn Tiếng Anh, năm nay, sở tăng thời gian thi lên 60 phút (năm trước là 45 phút), với 40 câu hỏi, thang điểm 10, hệ số 1.

Đối với tuyển sinh vào Trường THPT chuyên Trần Phú sẽ thực hiện theo Thông tư số 20/VBHN-BGDĐT ngày 30/5/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên.

Từ khi biết thông tin các môn thi vào lớp 10, Hoàng Tuấn Anh (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) rất phấn khởi vì chỉ thi 3 môn. Với môn Ngoại ngữ, nam sinh học tiếng Anh nên đăng ký thi môn này. Tuy nhiên, năm nay đề thi môn Tiếng Anh tăng thời gian lên 60 phút, số lượng câu hỏi cũng tăng khiến Tuấn Anh lo lắng sẽ có nhiều câu hỏi khó mang tính phân loại. “Em cũng như các bạn trong lớp mong muốn đề thi môn học này nhẹ nhàng và sát với chương trình học lớp 9”, nam sinh bày tỏ.

Cô Bùi Thị Minh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường THCS Quốc Tuấn, huyện An Lão chia sẻ, khi có thông tin về phương án thi vào lớp 10 THPT năm học 2023 - 2024, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên dạy các môn thi xây dựng kế hoạch ôn tập.

Nhà trường cũng thông tin cụ thể về sự thay đổi trong cấu trúc đề thi môn Tiếng Anh với giáo viên, học sinh và phụ huynh. Với điều kiện ngoại thành còn nhiều khó khăn, trong khi học sinh lớp 9 năm nay bị ảnh hưởng nhiều nhất của dịch bệnh nên nhà trường rất trăn trở về chất lượng, đặc biệt là môn Tiếng Anh.

Chờ giải pháp

Năm học 2022 - 2023, Trường THCS Nam Sơn, huyện An Dương có 200 học sinh lớp 9. Theo cô Hiệu trưởng Phạm Thị Thuý Anh, thời điểm này, nhà trường đang dạy theo đúng tiến độ chương trình. Trong các buổi dạy thêm, học sinh được ôn tập các kiến thức cơ bản. Tuy nhiên, với các trường THCS khu vực ngoại thành chỉ dám tổ chức 2 buổi (8 tiết/tuần). Vì thế, thời gian ôn luyện cho học sinh không có nhiều.

Nguyên nhân do Nghị quyết 02 của HĐND TP quy định mức thu phí dạy thêm, học thêm với các môn văn hoá ở các trường THCS khu vực huyện là 10 nghìn đồng/tiết. Tuy nhiên, tại Điều 2 của Nghị quyết 02, về nguyên tắc thực hiện có nêu: Các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tối đa không vượt quá mức trần học phí được quy định Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Trong đó, quy định học phí với bậc THCS khu vực nông thôn tại Nghị định 81 áp dụng cho năm học 2022 - 2023 là 100 - 270 nghìn đồng/học sinh/tháng.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Theo chia sẻ của một số hiệu trưởng Trường THCS huyện Thuỷ Nguyên, An Dương, những năm học trước, khi chưa có Nghị quyết 02, các trường THCS thường tổ chức dạy thêm từ 12 - 16 tiết/tuần, tuỳ theo khối lớp, đội ngũ và cơ sở vật chất tương ứng. Với học sinh lớp 9, để đảm bảo chất lượng ôn thi vào 10, đơn vị triển khai 16 tiết dạy thêm/tuần và thu mỗi tiết 7 nghìn đồng/học sinh theo quy định về dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, khi Nghị quyết 02 được triển khai khiến các trường THCS khu vực ngoại thành gặp khó khăn về việc bố trí số tiết dạy và thu kinh phí dạy thêm, vì mức trần quy định học phí của khu vực nông thôn thấp hơn nhiều so với khu vực thành thị.

“Vì áp lực chất lượng thi vào lớp 10 mà nhiều trường vẫn dạy như cũ, mức thu sẽ thoả thuận với phụ huynh trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, ngành chưa có hướng dẫn nên nhiều trường chỉ dám tổ chức dạy thêm 8 tiết/tuần và thu 270 nghìn đồng/tháng. Nhiều phụ huynh lo lắng khi thời gian chính thức ôn thi vào lớp 10 chỉ có một tháng, trong khi tại trường trẻ không được học thêm đủ tiết để củng cố kiến thức. Do đó, một số phụ huynh chạy đôn đáo đi tìm giáo viên ngoài nhà trường để ôn luyện cho con, lúc đó chất lượng khó bề kiểm soát”, một hiệu trưởng chia sẻ.

Theo chia sẻ của cô Bùi Thị Minh Nguyệt, Trường THCS Quốc Tuấn thực hiện dạy thêm 2 buổi, tương đương với 8 tiết/tuần. Với mức thu không quá 270 nghìn đồng/tháng, tính ra mỗi học sinh chỉ đóng hơn 8 nghìn đồng/tiết. Nhưng nếu dạy 16 tiết/tuần như trước để đảm bảo chất lượng ôn tập, nhà trường cũng không dám thu vượt quy định, như vậy thiệt thòi cho giáo viên.

Về vấn đề này, ông Vũ Trọng Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Lão, Hải Phòng cho hay, phòng đã họp với cốt cán chuyên môn trong toàn huyện để xây dựng đề cương, khung kiến thức ôn tập gửi về 17 trường THCS trong toàn huyện. Trên cơ sở đó, các trường xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh khối 9. Tuy nhiên, theo báo cáo, các cơ sở giáo dục đang vướng ở việc bố trí số tiết dạy thêm của 3 môn để đảm bảo chất lượng và phí học thêm sao cho phù hợp khi quy định mức trần khu vực nông thôn còn thấp.

Lịch thi vào lớp 10 tại Hải Phòng dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6/2023. Sở GD&ĐT sẽ công bố cụ thể lịch thi tuyển ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố lịch Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ